06/04/2011 - 10:28

Doanh nghiệp vận tải chia sẻ khó khăn với người dân

Ngày 29-3, giá xăng và dầu diezel được điều chỉnh tăng thêm, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp vận tải (DNVT). Tuy nhiên, đến ngày 5-4-2011, hầu hết các DNVT hoạt động tại Bến xe khách (BXK) Cần Thơ vẫn chưa điều chỉnh giá cước…

Sau đợt tăng giá xăng dầu mới đây, các DNVT ở TP Cần Thơ đang nỗ lực giữ ổn định giá cước phục vụ hành khách đi lại. 

Ngày 24-2-2011, giá xăng đã tăng thêm 2.900 đồng/lít và lên ở mức 19.300 đồng/lít (xăng A92), dầu diezel tăng thêm 3.550 đồng/lít và lên ở mức 18.300 đồng/lít. Với mức tăng giá xăng dầu khá cao này, nhất là đối với mặt hàng dầu diezel, đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh của các đơn vị vận tải, chủ yếu là phát sinh thêm chi phí nhiên liệu. Nhiều DNVT hoạt động tại BXK Cần Thơ đã điều chỉnh tăng giá cước nhằm bù đắp khoản chi phí hoạt động tăng cao khi giá xăng dầu tăng. Điển hình như: xe khách Mai Linh tăng giá cước tuyến TP Cần Thơ-TP Hồ Chí Minh từ mức 80.000 đồng lên 90.000 đồng/vé, tuyến TP Cần Thơ-Bạc Liêu từ 55.000 đồng lên 65.000 đồng/vé, tuyến TP Cần Thơ-Cà Mau từ 70.000 đồng lên 80.000 đồng/vé, tuyến TP Cần Thơ-Rạch Giá từ 65.000 đồng lên 75.000 đồng/vé... Xe khách Hoàng Xuân tăng giá cước tuyến TP Cần Thơ-Cà Mau từ mức 70.000 đồng lên 80.000 đồng/vé; xe khách Kim Ngân điều chỉnh tăng giá cước tuyến TP Cần Thơ-Châu Đốc từ mức 50.000 đồng lên 55.000 đồng/vé... Ngoài ra, còn có hàng chục đơn vị vận tải ủy thác cho bến bán vé đã điều chỉnh tăng giá cước từ 10-20% đối với nhiều tuyến đường từ TP Cần Thơ đi các tỉnh, thành trong cả nước...

Mới đây (ngày 29-3), giá xăng tăng thêm 2.000 đồng/lít và lên ở mức 21.300 đồng/lít (xăng A92), dầu diezel tăng thêm 2.800 đồng/lít và lên ở mức 21.100 đồng/lít. Với mức giá xăng, dầu mới này, hiện các đơn vị vận tải tiếp tục gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, theo Công ty cổ phần Bến xe tàu phà Cần Thơ, sau đợt tăng giá xăng dầu đến ngày 5-4, chưa có doanh nghiệp đăng ký điều chỉnh tăng giá cước. Trước mắt, các doanh nghiệp vận tải vẫn đang nỗ lực giữ ổn định giá cước phục vụ hành khách sau khi giá xăng dầu vừa tăng đợt mới đây.

Ông Lương Tấn Đạt, Phụ trách điều hành tại Bến Cần Thơ của Công ty Cổ phần Đầu tư Phương Trang (xe khách Phương Trang), cho biết: “Hiện nay, tuyến TP Cần Thơ-TP Hồ Chí Minh, ngày thường xe khách Phương Trang xuất bến khoảng 60 chuyến (đi và về), cao điểm thứ 7 và chủ nhật lên khoảng 64 chuyến và còn phục vụ xe trung chuyển hàng khách. Khi xăng dầu tăng giá, tiền nhiên liệu phát sinh thêm rất lớn. Tuy nhiên, qua 2 lần tăng giá xăng dầu vừa qua, công ty chưa điều chỉnh tăng giá cước mà cố gắng duy trì ổn định mức giá cước (80.000 đồng/vé tuyến TP Cần Thơ-TP Hồ Chí Minh) để phục vụ hành khách, chia sẻ khó khăn với người dân trong tình hình giá cả nhiều loại hàng hóa tăng cao. Về lâu dài, nếu công ty có điều chỉnh tăng giá cước thì chỉ tăng ở mức khoảng 10% để bù đắp khoản chi phí xăng dầu tăng...”.

Hợp tác xã (HTX) Vận tải đường bộ TP Cần Thơ hiện có 105 xe khách hoạt động trên các tuyến cố định (tại BXK Cần Thơ). Ông Đoàn Công Hiếu, Chủ nhiệm HTX Vận tải đường bộ TP Cần Thơ, cho biết: “Sau đợt tăng giá xăng dầu lần trước, HTX đã điều chỉnh tăng giá cước ở khoảng 50% số tuyến đường (xã viên HTX tham gia hoạt động tổng cộng 32 tuyến đường từ TP Cần Thơ đi các tỉnh, thành trong cả nước) với mức tăng từ 7-20%. Đợt tăng giá xăng dầu mới đây, nhiều xã viên có xe hoạt động trên các tuyến đường (50% tuyến còn lại) chưa tăng giá cước đã đề nghị điều chỉnh tăng giá cước. Hiện nay HTX đang chuẩn bị làm thủ tục điều chỉnh tăng giá cước ở các tuyến đường trước đây chưa tăng và có thể qua đầu tháng 5-2011 mới áp dụng mức giá cước mới. Còn các tuyến đường đã điều chỉnh tăng giá cước trước đây sẽ không điều chỉnh tăng thêm, vì nếu tăng quá cao khách không đi...”.

Việc giá nhiên liệu đầu vào vừa tăng thêm có thể sẽ có DNVT tiếp tục điều chỉnh tăng giá cước trong thời gian tới. Tuy nhiên, theo nhiều doanh nghiệp, trong tình hình cạnh tranh mạnh mẽ hiện nay, có thể sẽ có nhiều DNVT không điều chỉnh tăng thêm giá cước vận tải hành khách tuyến cố định, hoặc DNVT chỉ tăng thêm ở mức vừa phải. Mức tăng này chủ yếu để bù đắp lại chi phí nhiên liệu vừa tăng, đảm bảo hoạt động vận chuyển hành khách có hiệu quả...

Bài, ảnh: ANH KHOA

Chia sẻ bài viết