13/05/2015 - 21:07

DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA
Tái cấu trúc để phát triển

Những năm qua, cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) của Cần Thơ đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế chung của thành phố. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất, kinh doanh của loại hình doanh nghiệp này luôn đối mặt với khó khăn, thách thức. Nhiều ý kiến cho rằng, các DNNVV cần nhanh chóng tái cấu trúc; tăng cường liên kết, hợp tác để vượt qua khó khăn trước mắt, cùng hướng đến sự phát triển bền vững.

Doanh nghiệp than khó

Trong những năm qua, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DNNVV ở TP Cần Thơ có những bước tiến đáng kể, đóng góp to lớn vào sự phát triển kinh tế xã hội của thành phố. Cụ thể, đóng góp khoảng 45% GDP, 29% tổng kim ngạch xuất khẩu, khoảng 25% tổng thu ngân sách, góp phần giải quyết hơn 60% lao động phi nông nghiệp. Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Huỳnh Trung Trứ, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, cộng đồng DNNVV chưa phát huy được các lợi thế về quy mô, tính linh hoạt trong môi trường kinh tế nhiều cạnh tranh như hiện nay. Thực trạng hoạt động của các DNNVV trên địa bàn thành phố đang phải đối mặt với những thách thức như: tiếp cận nguồn vốn khó khăn, công tác quản lý điều hành còn hạn chế, trình độ kỹ thuật công nghệ lạc hậu, sản phẩm đơn điệu, chưa nhạy bén trong tiếp cận và tìm kiếm thị trường...

Nhiều doanh nghiệp phản ánh, nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất và tái sản xuất luôn là bài toán khó. Theo ông Phạm Hoàng Thắng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Nhựa Hoàng Thắng, quận Thốt Thốt, sản phẩm của công ty (máy gieo hạt, phun xịt và gặt đập liên hợp) mang nhiều lợi ích cho ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, kể từ khi thành lập đến nay, Nhựa Hoàng Thắng phải vượt quá nhiều khó khăn để tồn tại và phát triển. Khó nhất là nguồn vốn đầu tư. Bởi từ khâu nghiên cứu, chế tạo; mua máy móc, thiết bị để sản xuất và đưa sản phẩm ứng dụng vào cộng đồng, doanh nghiệp đều phải "chi ra" trong khi lợi nhuận thu vào rất chậm. Cho nên, đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khoa học công nghệ, doanh nghiệp nào có nhiều sáng chế, sáng chế có giá trị càng cao thì áp lực về tài chính càng lớn. "Doanh nghiệp phải có đất, có tiền thì mới mở rộng được sản xuất, đổi mới sản phẩm. Những năm qua, chúng tôi hầu hết phải tự bươn chải về tài chính. Muốn làm dự án, đề tài nghiên cứu thì phải có vốn đối ứng. Trong khi tài sản chúng tôi đã thế chấp hết để có tiền làm ra sản phẩm. Nhưng khi dùng sản phẩm này thế chấp, làm vốn đối ứng thì lại không được chấp nhận..." - ông Phạm Hoàng Thắng nói.

Sản xuất máy gặt đập liên hợp tại Công ty TNHH MTV Nhựa Hoàng Thắng.

Không chỉ riêng doanh nghiệp cơ khí, một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến nông thủy sản- một trong những ngành hàng chủ lực của thành phố cũng vấp phải nhiều khó khăn. Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Giám đốc Công ty Lương thực Sông Hậu, để có lợi thế cạnh tranh trên thị trường trong nước và xuất khẩu, những năm qua, công ty không ngừng nỗ lực vươn lên về mọi mặt như: đầu tư cơ sở hạ tầng vật chất, kỹ thuật, con người đào tạo nâng cao trình độ của đội ngũ nhân sự, cải tiến công nghệ sản xuất chế biến. Tuy nhiên, công ty gặp không ít khó khăn trong hoạt động xuất khẩu. Thị trường xuất khẩu trực tiếp gặp trục trặc trong việc thực hiện hợp đồng thương mại với sự cạnh tranh gay gắt và khốc liệt về giá cả, yêu cầu chất lượng sản phẩm ngày càng cao... Một số doanh nghiệp cho rằng, mặc dù Chính phủ ban hành nhiều chính sách trợ giúp DNNVV như Nghị định 56/2009/NĐ-CP ngày 30-6-2009 của Chính phủ về trợ giúp phát triển DNNVV hay chủ trương hỗ trợ 30% vốn để đổi mới, nâng cao năng lực công nghệ. Tuy nhiên, các chính sách này còn mang nặng thủ tục làm doanh nghiệp ngần ngại tiếp cận...

Cần phải tái cấu trúc

Theo các chuyên gia đầu ngành, tình trạng yếu kém mà DNNVV TP Cần Thơ đang gặp phải không đơn thuần chỉ vì quy mô nhỏ và vừa. Nguyên nhân sâu xa là do kỹ thuật, công nghệ của doanh nghiệp lạc hậu. Đã vậy, nhiều doanh nghiệp còn cạnh tranh, chèn ép lẫn nhau, tự làm mình ốm yếu thêm. Ông Trần Văn Tư, Chủ tịch Hội Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Cần Thơ, đề xuất: "Tái cấu trúc là nhu cầu bức thiết. Mục tiêu của tái cấu trúc doanh nghiệp là đầu tư công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, liên kết nội ngành và gắn với thị trường nông thôn. So với xu thế phát triển của nền kinh tế thế giới, đại bộ phận lao động của Cần Thơ hiện nay cơ bản còn ở trình độ phổ thông. Điều này mâu thuẫn gay gắt với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế. Các nước phát triển có thể cho ta tiền nhưng không bao giờ cho ta công nghệ. Cộng nghệ phải do ta chủ động tìm kiếm ở họ từ nguồn lực có trình độ công nghệ cao".

Trong bối cảnh hiện nay, việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất để giảm giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm là xu thế tất yếu. Tuy nhiên, đa phần DNNVV đều trong tình trạng thiếu vốn để kinh doanh và đổi mới công nghệ. Vì vậy, một số doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ dành nguồn vốn vay ưu đãi, lãi suất thấp để tiếp sức cho doanh nghiệp đầu tư trang thiết bị, công nghệ hiện đại. Ông Nguyễn Thanh Phong, Giám đốc Công ty Lương thực Sông Hậu, cho rằng, bên cạnh nỗ lực của bản thân, các DNNVV rất cần sự trợ lực từ phía Nhà nước. "Ngành chức năng cần thúc đẩy hơn nữa các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển quan hệ kinh doanh với các đối tác trong nước và quốc tế. Việt Nam nói chung, TP Cần Thơ nói riêng ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Vì vậy, việc hướng dẫn, tư vấn và tổ chức các lớp học về các vấn đề pháp lý, tranh chấp thương mại trong hoạt động kinh doanh trong nước và quốc tế là hết sức cần thiết. Ngoài ra, Chính phủ cũng cần triển khai chương trình Bảo hiểm tín dụng xuất khẩu nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp trong việc phát triển thị trường mới"- ông Nguyễn Thanh Phong đề xuất.

TP Cần Thơ đang vào giai đoạn nước rút để cơ bản trở thành thành phố công nghiệp trước năm 2020. Vì vậy, bên cạnh các nhóm ngành ưu tiên (chế biến, chế tạo; điện tử - viễn thông và năng lượng mới - năng lượng tái tạo) theo định hướng chung của cả nước, Cần Thơ tập trung phát triển ở các lĩnh vực như: công nghệ chế biến, cơ khí chế tạo công nghệ cao và công nghệ phụ trợ. Để đạt được mục tiêu đề ra, nhiều ý kiến cho rằng cần có sự hợp lực giữa ngành chức năng và cộng đồng doanh nghiệp. Ông Huỳnh Trung Trứ, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, cho biết: "Thời gian tới, thành phố thường xuyên tổ chức các buổi đến thăm, làm việc, đối thoại để cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn. Đồng thời, tăng cường xây dựng, cải tạo hạ tầng kỹ thuật; đầu tư các cụm công nghiệp kèm với các chính sách hỗ trợ để khuyến khích doanh nghiệp tham gia sản xuất kinh doanh... Về phía doanh nghiệp, cần mạnh dạn đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực đội ngũ quản lý, trình độ tay nghề của đội ngũ lao động để nâng cao năng lực cạnh tranh. Đồng thời, quan tâm xây dựng thương hiệu; năng động tìm kiếm, mở rộng thị trường mới; tăng cường các hoạt động liên kết giữa các doanh nghiệp với nhau để hỗ trợ, chia sẻ thông tin và tham gia vào chuỗi giá trị để cùng phát triển bền vững.

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết