21/09/2021 - 07:56

Dìu dắt học sinh khó khăn 

Sau hơn một tuần học trực tuyến năm học 2021-2022, học sinh trung học đã dần bắt nhịp được với chương trình học, dù một số em vẫn còn gặp khó khăn do thiếu thiết bị công nghệ. Để giúp các em không bị gián đoạn việc học hoặc bỏ học, một số trường trung học trên địa bàn thành phố đã có phương án đưa bài học, bài tập đến tay học sinh, theo tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Em Trần Thị Mỹ Hạnh vui mừng khi được nhận bài học, bài tập.

Em Trần Thị Mỹ Hạnh vui mừng khi được nhận bài học, bài tập.

Nhà của em Trần Thị Mỹ Hạnh, học sinh lớp 7A1, Trường THCS&THPT Trường Xuân (huyện Thới Lai) cách trường khoảng 3 cây số. Do chưa có thiết bị học trực tuyến, nên Mỹ Hạnh học và làm bài tập qua bản photo được thầy chủ nhiệm lớp Phạm Thanh Bình trực tiếp mang đến tận nhà. Mỗi 2 ngày trong tuần, thầy Bình trực tiếp giao - nhận sản phẩm học tập của học sinh. Tuy phụ trách dạy môn Toán -  Lý, nhưng khi gửi bài học của các môn khác, thầy Bình đều yêu cầu học sinh đọc bài, rồi trả lời để xem có nắm được nội dung mà giáo viên yêu cầu hay chưa. Nếu học sinh trả lời sai đáp án, thầy hướng dẫn lại và đồng thời trực tiếp điện thoại hỏi giáo viên bộ môn để hướng dẫn thêm cho các em. Thầy Bình chia sẻ: “Học sinh không có thiết bị học trực tuyến rất thiệt thòi. Vì vậy, với các em học sinh khó khăn, giáo viên càng cố gắng hỗ trợ bằng tình thương và trách nhiệm của người thầy”. Theo thầy Bình, năm học này, lớp 7A1 có 1 học sinh không có thiết bị học tập, nên thầy phụ trách việc in và chuyển tài liệu cho em, đồng thời nhờ các giáo viên bộ môn gửi bài học qua zalo cho thầy. Năm trước, lớp thầy Bình làm chủ nhiệm có 3-4 học sinh không có thiết bị học và thầy cũng đã hỗ trợ bằng cách làm này.

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, ông Trần Văn Tường (cha của Trần Thị Mỹ Hạnh) phải ngưng thu lượm ve chai suốt 3 tháng nay. Ông Tường cho biết, khi TP Cần Thơ chưa thực hiện giãn cách xã hội, bình quân mỗi ngày kiếm được khoảng 100.000 đồng, để lo cho 4 người trong gia đình (gồm ông bà nội của em Hạnh, ông Tường và em Hạnh). Suốt nhiều năm qua, lo cái ăn đã khó, nên việc mua điện thoại, máy tính đối với ông là điều xa xỉ. “Tôi mong con mình được hỗ trợ thiết bị để học. Không có điện thoại cho con học, tôi buồn lắm! Hy vọng hết giãn cách xã hội, tôi cố gắng đi làm để kiếm tiền lo cho con”. Dù hoàn cảnh khó khăn nhưng Mỹ Hạnh luôn nỗ lực học tập tốt. Mỹ Hạnh chia sẻ: “Chưa có điện thoại hay máy tính em không thể học trực tuyến cùng các bạn, nên em phải cố gắng học nhiều hơn!”.

Gia đình em Nguyễn Văn Thủy Dận, học sinh lớp 12, Trường THCS&THPT Trường Xuân, cũng gặp nhiều khó khăn, không thể trang bị tốt cho em học trực tuyến. Mồ côi cha mẹ từ nhỏ, Dận và em gái sống cùng gia đình chị ruột ở ấp Trường Ninh, xã Trường Xuân B, huyện Thới Lai. Thủy Dận cho biết, trong nhà chỉ có một mình em đi học, có chiếc điện thoại đã cũ, nên bắt sóng chập chờn, hình ảnh không rõ… Thủy Dận bộc bạch: “Em nỗ lực theo dõi bài giảng của thầy cô, được xem nhiều ví dụ qua video clip và tài liệu, giúp em hiểu và nhớ bài hơn. Phần nào em không hiểu thì thầy cô luôn tận tâm trả lời khi em gọi, nhắn tin hỏi thêm ngoài giờ trên lớp”.

Năm học này, Trường THCS&THPT Trường Xuân có gần 1.300 học sinh, trong đó 14 học sinh không có thiết bị công nghệ để học trực tuyến. Ban giám hiệu và nhà trường đã họp rà soát, lập các phương án hỗ trợ học sinh khó khăn đầu năm học mới. Theo thầy Nguyễn Lê Tuấn, Hiệu trưởng nhà trường, khó khăn hiện nay là vẫn còn nhiều học sinh thiếu thiết bị, đường truyền mạng Internet không ổn định. Nhà trường khắc phục bằng cách cử đoàn thanh niên, giáo viên chủ nhiệm giao - nhận tài liệu bài học cho học sinh không có thiết bị. Bài học cũng được biên soạn lại theo hướng cô đọng, cụ thể, để các em đọc và hiểu đủ kiến thức. Thầy Tuấn nói thêm: “Học sinh trung học tiếp thu kiến thức bài học tốt cần phải thực hành trải nghiệm. Học trực tuyến hoặc giao bài học, thì giáo viên truyền đạt kiến thức cô đọng, cốt lõi. Do đó, ngay khi học sinh được đến trường trở lại lúc dịch bệnh được kiểm soát, giáo viên sẽ tập trung củng cố lại bài học; tổ chức cho học sinh thực hành, trải nghiệm, đảm bảo đầy đủ kiến thức, kỹ năng cho học sinh”.

*   *   *

Năm học 2021-2022, TP Cần Thơ có khoảng 250.000 học sinh, học viên. Từ ngày 6-9, học sinh trung học bước vào chương trình học kỳ I bằng hình thức trực tuyến. Tính đến ngày 12-9, thành phố có 96.484 học sinh học trực tuyến, trong đó có 4.488 em (chiếm 4,65%) không có thiết bị công nghệ. Để hỗ trợ học sinh khó khăn, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố đã có văn bản gửi các công ty kinh doanh thiết bị công nghệ về việc phối hợp, hỗ trợ cung cấp các phương tiện (ipad, điện thoại, máy tính...) với giá ưu đãi cho giáo viên và học sinh. Ngành cũng chỉ đạo các trường rà soát, xác định để có kế hoạch cụ thể hỗ trợ học sinh khó khăn trong quá trình tham gia học trực tuyến; có phương án gửi bài học cho các em; hoặc những học sinh ở gần nhau có thể tạo thành nhóm, nhưng phải đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh...

Theo ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó trưởng Phòng Giáo dục trung học, Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ về chương trình “Sóng và máy tính cho em”, ngành đã đã trao đổi với Ban giám hiệu các trường có nhiều phương án hỗ trợ học sinh khó khăn. Nhiều đơn vị đã xây dựng thư viện thiết bị điện tử; thay vì cho mượn sách thì cho học sinh mượn thiết bị đã qua sử dụng để có thể tham gia lớp học trực tuyến. Ông Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết: “Ngành còn phối hợp với Thành đoàn Cần Thơ tổ chức chương trình hỗ trợ học sinh khó khăn. Hiện nay chúng tôi đã tập hợp xong danh sách học sinh để hỗ trợ các em. Mục tiêu là không để cho học sinh vì khó khăn mà bị bỏ lại phía sau”.

Bài, ảnh: B.Kiên

Chia sẻ bài viết