Một chút nắng ban mai ấm áp và hương sắc ngọt ngào của thiên nhiên cùng với những câu chuyện nhẹ nhàng, ý nghĩa dễ khiến lòng người lay động, nhiều cảm xúc. Ðó là những gì mà tập truyện ngắn "Lưng núi mùa xuân" (NXB Hồng Ðức) của Bích Thiêm mang lại cho người đọc khi thưởng thức đầu sách thứ 7 của nữ nhà văn đến từ Ðắk Lắk.
33 truyện ngắn với nhiều chủ đề được viết với mạch cảm xúc nhẹ nhàng và giọng văn mềm mại, nữ tính. Hầu hết các truyện có nội dung ít kịch tính, bất ngờ nhưng cách truyền tải như những dòng suối nhỏ dịu dàng tưới mát tâm hồn người đọc.
Trong đó, những câu chuyện về buôn làng, con người trên vùng đất Tây Nguyên mang một nét rất riêng, rất đáng nhớ. Ðó có thể là những câu chuyện tình yêu trong trẻo của các chàng trai, cô gái miền núi trong "Cầu vồng nói hộ mùa xuân", "Chuyện tình bến nước". Hay là kế hoạch sản xuất cà phê rang xay của một hội cựu chiến binh để giúp người dân có đầu ra và công việc ổn định ("Mảnh rẫy ven đồi"), là niềm vui của cô giáo trẻ khi từ dưới xuôi lên miền núi heo hút dạy học (truyện "Nắng sân trường"). Hoặc như chuyện đôi vợ chồng trẻ người dân tộc thiểu số tạm xa nhau để người vợ đi học trên tỉnh, thực hiện ước mơ trở thành cô giáo mầm non về xây dựng buôn làng (truyện "Lưng núi mùa xuân")…
Bóng dáng mùa xuân hiện hữu trong tập truyện khá nhiều. Nó như một chất xúc tác đẩy tình cảm của nhân vật lên cao và khiến họ gắn kết nhiều hơn. Bởi những cuộc gặp gỡ định mệnh cũng thường bắt đầu trong một ngày đầu xuân, mở đầu cho những câu chuyện tình đẹp hoặc ngang trái (truyện "Xuân về", "Mùa xuân nói gì"). Mùa xuân không chỉ dành cho tuổi trẻ mà dành cho tất cả mọi người, cho những ai dang dở hoặc trải qua những bất hạnh. Tất cả đều mong cầu một cuộc sống mới, một mùa xuân mới cho đời mình. Như cái cách 2 nhân vật trong truyện "Mùa xuân mới" tìm thấy nhau, đến bên nhau để cùng xây hạnh phúc.
Tập truyện cũng có những trang viết về chiến tranh theo lối hồi tưởng. Ký ức một thời sôi nổi, hào hùng của những nữ thanh niên xung phong được trải dài theo những trang viết đầy cảm xúc trong truyện "Ðồng đội - Tri âm". Có khi là chuyến trở về thăm nhà của một linh hồn người chiến sĩ ("Mái nhà của mẹ") hay cuộc gặp gỡ tình cờ của một người lính với con gái của đồng đội đã hy sinh nhờ kỷ vật năm xưa ("Kỷ vật") được kể lại bằng lối văn chân thực, giản dị nhưng làm người đọc day dứt và ấn tượng.
Mặt khác, những sai lầm, vấp ngã của con người trong tình yêu, trong cuộc sống cũng được khai thác và truyền tải bằng những thông điệp ý nghĩa. Ðiều quan trọng là sau tất cả, các nhân vật nhận ra mình cần gì, phải làm gì để sửa chữa sai lầm và sống tốt hơn. Có thể không phải ai cũng có một cái kết có hậu, cũng được như ý muốn nhưng bằng ngòi bút nhân văn, tác giả luôn chừa cho nhân vật của mình một hướng đi, một tương lai tươi sáng hơn. Như cái cách cô kết thúc tập truyện của mình bằng đoạn văn đầy hình ảnh và hương vị cuộc sống: "Chiếc xe cà tàng chở đôi bạn khuất sau khúc ngoặt con đường vào xóm. Bà Bảy lúi húi trong bếp. Tiếng xèo xèo chảo chiên trứng. Mùi thức ăn, mùi cơm mới thơm thơm bay khắp khoảng sân rộng đầy nắng. Ðàn chim sẻ lại đang sà xuống nhặt những hạt cơm nguội bà vừa rắc ra cho đàn gà. Nắng vàng ươm chảy tràn khắp không gian".
Bài, ảnh: CÁT ÐẰNG