16/03/2011 - 11:03

Quy hoạch xây dựng ĐBSCL đến năm 2020, tầm nhìn 2050

Định hướng chung cho mục tiêu phát triển vùng

Vừa qua, tại TP Cần Thơ, Bộ Xây dựng phối hợp với UBND TP Cần Thơ tổ chức lễ công bố quy hoạch xây dựng ĐBSCL đến năm 2020, tầm nhìn 2050 (gọi tắt là Quy hoạch Xây dựng ĐBSCL). Đây là lần đầu tiên quy hoạch chung cho vùng ĐBSCL được công bố, các địa phương trong vùng ĐBSCL có cơ sở trong việc tìm tiếng nói chung vì mục tiêu phát triển vùng trong thời gian tới.

* Định hướng mục tiêu phát triển

Mô hình đa cực- tập trung kết hợp với các hành lang kinh tế là mô hình phát triển vùng ĐBSCL theo quy hoạch xây dựng ĐBSCL hướng đến mục tiêu phát triển năm 2020. Đó là: phát huy vai trò, vị thế và tiềm năng của vùng; phát triển cấu trúc không gian toàn vùng với hành lang kinh tế sông Tiền, sông Hậu, quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh, cụm các đô thị trung tâm và các đô thị nhỏ được phân bố đều dựa trên các vùng nông nghiệp, công nghiệp và du lịch. Phát triển các đô thị mới có tính chất, chức năng dịch vụ phát triển công nghiệp, du lịch, thương mại gắn với đặc thù từng vùng. Xây dựng hệ thống đô thị trên toàn vùng, liên kết, hỗ trợ giữa các vùng đô thị trung tâm và các trục hành lang kinh tế, đô thị. Phát triển các vùng nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp tập trung chuyên môn hóa; hình thành các trục hành lang kinh tế công nghiệp và dịch vụ, tạo động lực cho các tỉnh trong vùng phát triển nhanh và bền vững. Đến năm 2020, ĐBSCL phát triển các vùng du lịch, các trung tâm du lịch tầm quốc tế, quốc gia gắn với đặc trưng văn hóa đô thị và cảnh quan tự nhiên; phát triển cân bằng, hài hòa giữa đô thị và nông thôn...

Trong Quy hoạch xây dựng ĐBSCL, TP Cần Thơ được xác định là đô thị hạt nhân trung tâm của vùng ĐBSCL. Trong ảnh: Một góc đô thị Nam sông Cần Thơ. 

Với mục tiêu trên, đến năm 2050, ĐBSCL sẽ là vùng nông sản lớn trong mạng lưới sản xuất toàn cầu; là vùng kinh tế phát triển năng động, bền vững, có môi trường đầu tư thuận lợi; có điều kiện và chất lượng sống đô thị và nông thôn cao; là trung tâm văn hóa - lịch sử và du lịch, dịch vụ ẩm thực lớn với các vùng nông - lâm và sinh thái đặc thù; có cảnh quan môi trường tốt. Dự kiến dân số trong vùng đến năm 2020 khoảng 20 - 21 triệu người (dân số đô thị khoảng 7 - 7,5 triệu người); đến năm 2050 khoảng 30 - 32 triệu người (dân số đô thị khoảng 25- 27 triệu người). Đến năm 2020, đất xây dựng đô thị ở ĐBSCL khoảng 100.000 - 110.000 ha và nâng lên khoảng 320.000-350.000 ha vào năm 2050.

* Xây dựng TP Cần Thơ là đô thị hạt nhân

Phạm vi Quy hoạch Xây dựng vùng ĐBSCL bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính TP Cần Thơ và 12 tỉnh: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, An Giang, Sóc Trăng, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau. Tổng diện tích tự nhiên khoảng 60.604 km2, đường biên giới Campuchia khoảng 330km, đường bờ biển dài trên 700km... Phạm vi nghiên cứu quy hoạch bao gồm cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và các khu vực liên quan đến không gian phát triển kinh tế - xã hội của vùng trong tầm nhìn hướng tới năm 2050.

Định hướng phát triển không gian, theo quy hoạch, cấu trúc không gian vùng sẽ gắn bó chặt chẽ với TP Hồ Chí Minh, biển Đông, biển Tây và biên giới Campuchia thông qua các trục quốc lộ, tuyến cao tốc nối vùng trung tâm và các trung tâm tiểu vùng. Trong đó bao gồm: Cấu trúc không gian vùng đô thị và công nghiệp: vùng đô thị trung tâm với TP Cần Thơ là đô thị hạt nhân; vùng đô thị Đông Bắc với TP Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang) là đô thị hạt nhân; vùng đô thị Tây Nam với TP Cà Mau (tỉnh Cà Mau) là đô thị hạt nhân. Cấu trúc không gian vùng được kết nối theo các trục hành lang kinh tế đô thị theo đường thủy (sông Tiền, sông Hậu và tuyến giao thông thủy chính từ TP Hồ Chí Minh đi Cần Thơ, Cà Mau; từ TP Hồ Chí Minh đi Cao Lãnh, Rạch Giá, Hà Tiên), trục hành lang kinh tế đô thị theo đường bộ (gồm quốc lộ 1A, đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ - Cà Mau, quốc lộ 50, tuyến đường Hồ Chí Minh giai đoạn 2, tuyến N1 ven biên giới Campuchia; tuyến đường Đông Tây là các tuyến quốc lộ dọc sông Tiền, sông Hậu)...

Đến năm 2020, ĐBSCL có 250 đô thị. Trong đó, 1 đô thị loại 1 là TP Cần Thơ; 6 đô thị loại 2 gồm: Mỹ Tho, Cao Lãnh, Long Xuyên, Rạch Giá, Sóc Trăng, Cà Mau; 11 đô thị loại 3 gồm: Tân An, Bến Tre, Trà Vinh, Bạc Liêu, Vị Thanh, Sa Đéc, Gò Công, Châu Đốc, Hà Tiên, Dương Đông, Dương Tơ; 34 đô thị loại 4 và 198 đô thị loại 5 và chưa xếp loại).... Trong trục hành lang kinh tế đô thị, TP Cần Thơ có chức năng đô thị tổng hợp và trung tâm vùng. Nơi đây được quy hoạch là 1 trong 2 đô thị đào tạo của vùng, 1 trong 4 vùng du lịch hành chính... TP Hồ Chí Minh - TP Cần Thơ thông qua cảng biển, cảng hàng không kết nối với các vùng trên thế giới. TP Cần Thơ thông qua trục đường Nam Xuyên Á tạo nên tuyến du lịch với Campuchia - Thái Lan thuộc tiểu vùng sông Mekong...

* Để quy hoạch mang ý nghĩa thực tiễn

Theo các địa phương vùng ĐBSCL, Quy hoạch Xây dựng vùng ĐBSCL đã vẽ nên một bức tranh khá rõ nét cho định hướng quy hoạch vì sự phát triển vùng trong tương lai. Đây là quy hoạch tổng thể phát triển có chất lượng cao, có thể dự báo được các nhu cầu phát triển vùng trong tương lai. Đồng thời, quy hoạch xây dựng được mô hình phát triển, định hướng phát triển không gian vùng; đồng thời cũng định hướng phát triển hạ tầng kỹ thuật cho vùng... Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ, cho biết: Theo Quy hoạch Xây dựng ĐBSCL, TP Cần Thơ được xác định là vị trí trung tâm, đô thị hạt nhân của vùng. Đây là cơ sở quan trọng để thành phố rà soát lại các quy hoạch phát triển theo đúng định hướng; đặc biệt là quy hoạch chung của thành phố đang trong quá trình hoàn chỉnh trình Chính phủ xem xét, phê duyệt. Dù có nhiều tích cực, tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quốc Định, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Cà Mau, Quy hoạch Xây dựng ĐBSCL chưa đề cập đến việc ứng phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt là nước biển dâng. ĐBSCL được dự báo là một trong những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Chính vì thế, ông Nguyễn Quốc Định đề nghị: Bộ Xây dựng nghiên cứu và triển khai đề án phát triển đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, hướng dẫn và hỗ trợ các địa phương vùng ĐBSCL thực hiện.

Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân, Quy hoạch Xây dựng vùng ĐBSCL là mô hình phát triển và cấu trúc không gian mang tính dự báo, định hướng phát triển bền vững cho toàn vùng trong tương lai. Trên cơ sở đó, thời gian tới, các tỉnh thành trong vùng cần chủ động tổ chức rà soát, xây dựng, điều chỉnh quy hoạch phát triển phù hợp với quy hoạch chung của toàn vùng và điều kiện thực tế tại địa phương. Để mô hình phát triển bền vững, các địa phương trong vùng cần có mối liên hệ gắn kết với nhau khi xây dựng các công trình, dự án kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội dựa trên quy hoạch xây dựng chung của vùng, tránh tình trạng quy hoạch xây dựng chồng chéo, trùng lắp, kém hiệu quả, lãng phí. Đồng thời, có những đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung... để Quy hoạch xây dựng vùng ĐBSCL ngày càng phù hợp với thực tiễn, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL trong tương lai.

Bài, ảnh: Hà Triều

Chia sẻ bài viết