23/09/2012 - 19:10

Định hướng bền vững cho xuất khẩu ĐBSCL

Trong những năm qua, xuất khẩu vùng ĐBSCL phát triển sôi động và tập trung chủ yếu vào các mặt hàng nông, thủy sản. Mặc dù có nhiều tiềm năng để phát triển, song xuất khẩu của ĐBSCL đang đối mặt với không ít thách thức trước tình hình khủng hoảng kinh tế thế giới, áp lực cạnh tranh khi gia nhập WTO. Tìm hướng đi bền vững cho xuất khẩu vùng ĐBSCL đang là vấn đề mà các doanh nghiệp (DN) và địa phương trong vùng đặc biệt quan tâm...

* Cơ hội và thách thức

Chế biến cá tra phi lê xuất khẩu tại Công ty TNHH Công nghiệp Thủy sản Miền Nam. 

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, sau khi gia nhập WTO, trong giai đoạn 2001-2006, tăng trưởng kinh tế Việt Nam tăng dần, các lĩnh vực đầu tư và xuất khẩu đều tăng, kinh tế vĩ mô tương đối ổn định. Bước sang giai đoạn 2007-2011, tăng trưởng giảm, đầu tư quá lớn trong khi hiệu quả giảm; kim ngạch xuất khẩu có tăng, song nhập siêu lớn kéo theo rủi ro bất ổn vĩ mô. Từ năm 2000-2011, xuất khẩu của Việt Nam tăng khá nhanh, tỷ lệ xuất khẩu/GDP cũng tăng đáng kể. Tiến sĩ Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, cho rằng: "Từ khi gia nhập tổ chức thương mại thế giới (WTO), Việt Nam bắt đầu tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất hàng hóa khu vực và toàn cầu. Cơ cấu hàng xuất khẩu bước đầu có sự dịch chuyển về phía các sản phẩm thâm dụng vốn, đòi hỏi kỹ năng cao hơn, nhưng cơ bản vẫn dựa vào tài nguyên thiên nhiên, nông sản và tập trung vào các mặt hàng sử dụng hàm lượng lao động cao. Bên cạnh đó, DN Việt Nam chưa đa dạng hóa thị trường xuất khẩu mà chủ yếu tập trung vào thị trường Đông Á (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản), thị trường này chiếm từ 80-85% sản lượng hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam".

Trong 8 tháng đầu năm 2012, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước đạt 73,3 tỉ USD, tăng 17,8% so với cùng kỳ năm 2011. Trong đó, xuất khẩu thủy sản đạt 3,9 tỉ USD, tăng 4,1% so với cùng kỳ; xuất khẩu gạo đạt 2,5 tỉ USD, giảm 9,1% so với cùng kỳ. Ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, cho biết: "Giá cả giảm trong khi chi phí sản xuất tăng vọt khiến cho doanh thu của DN bị tổn thất. Các DN gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các đối thủ trong và ngoài nước. Tất cả các yếu tố trên tạo nên một bức tranh không mấy sáng sủa cho hoạt động xuất khẩu của ĐBSCL nói chung và Cần Thơ nói riêng".

Gạo, thủy sản là hai mặt hàng xuất khẩu chủ lực, chiếm hơn 2/3 tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của vùng. Năm 2011, kim ngạch xuất khẩu ĐBSCL đạt gần 9 tỉ USD trong đó gạo chiếm hơn 35% (3,2 tỉ USD), thủy sản chiếm hơn 38% (3,5 tỉ USD). Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh Cần Thơ, xuất khẩu thủy sản tăng nóng trong 10 năm trở lại đây đã gây ra không ít hệ lụy. Tín dụng đầu tư vào lĩnh vực thủy sản nhiều nhưng sử dụng không đúng mục đích, dẫn đến nhiều công ty hoạt động kém hiệu quả, hoạt động cầm chừng, thậm chí phá sản. Xuất khẩu tôm và cá tra thường xuyên đối mặt với tình trạng biến động về nguyên liệu. Xuất khẩu gạo còn nhiều cơ hội để phát triển song vẫn chưa khai thác hết thế mạnh hiện có, chưa đi sâu vào khai thác phân khúc thị trường gạo phẩm cấp cao.

* Để xuất khẩu ĐBSCL vươn xa

Gia nhập WTO, nếu không có sự chuẩn bị kịp thời, nền kinh tế có thể dễ bị tổn thương hơn. DN đứng trước nguy cơ thua ngay trên sân nhà lẫn sân chơi quốc tế. Theo các chuyên gia kinh tế, đã đến lúc các DN ĐBSCL phải thay đổi phương thức phát triển dựa vào điều kiện, lợi thế sẵn có, phải chủ động cập nhật các thông tin thị trường để kịp thời thích ứng. Hiện nay, dù tình hình kinh tế thế giới còn khó khăn, song người dân các nước vẫn chi tiêu cho các mặt hàng thiết yếu. Đây là các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của nước ta nên DN vẫn có khả năng gia tăng xuất khẩu ở các mặt hàng này. Mặt khác, DN có thể chuyển hướng xuất khẩu sang các thị trường mới nổi, thị trường đang phát triển, tìm kiếm thêm khách hàng mới.

Tiến sĩ Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh Cần Thơ, cho rằng: "Để thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm chủ lực của vùng, các địa phương và DN cần đi từ cải thiện đến nâng cấp chuỗi giá trị lúa gạo và thủy sản; hình thành một số cụm ngành quy mô; xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông, thủy sản xuất khẩu; cải thiện năng lực cạnh tranh của DN chế biến xuất khẩu. Đối với ngành xuất khẩu thủy sản, cần cải thiện, nâng cấp và quản lý tất cả các khâu của chuỗi giá trị nhất là quản lý chất lượng nguồn giống, chất lượng thức ăn. Về lâu dài, cần nâng cấp cơ sở hạ tầng, hệ thống logistics,… tạo mọi điều kiện cần thiết để các DN xuất khẩu yên tâm hoạt động".

Các DN xuất khẩu của ĐBSCL đã và đang nỗ lực tìm nhiều giải pháp cải thiện tình hình kinh doanh, tranh thủ các chính sách hỗ trợ từ Trung ương và địa phương, khai thác thêm sự hỗ trợ từ các đối tác khác. Ngoài ra, các DN xuất khẩu rất quan tâm đến vấn đề tiếp cận vốn ngân hàng, tìm kiếm thị trường tiêu thụ, phát triển cơ hội giao thương, nâng cao năng lực cạnh tranh. Theo Tiến sĩ Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, để giải quyết khó khăn của DN trong bối cảnh cạnh tranh và thúc đẩy hoạt động xuất khẩu của vùng, cần có những giải pháp hỗ trợ cụ thể để nâng cao giá trị các mặt hàng nông-thủy sản xuất khẩu chủ lực. Việc thiết lập kênh thông tin thường xuyên về tình hình sản xuất, xuất khẩu, dự báo giá sẽ giúp DN thuận lợi hơn trong đàm phán hợp đồng. Ngoài ra, DN cần đầu tư đổi mới công nghệ để tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao; tăng cường thu hút đầu tư vào nông nghiệp; tập trung xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu,… từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN xuất khẩu, tạo điều kiện để xuất khẩu ĐBSCL vươn ra thị trường thế giới.

MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết