08/12/2007 - 22:20

Điều tra mở rộng đường dây lừa đảo tài chính qua mạng

* Bắt khẩn cấp bị can Trần Hà ở quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh
* Hà Nội: Phát hiện 2 công ty cổ phần kinh doanh trên mạng chiếm đoạt khoảng 120.000 USD

Liên quan đến chuyên án lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua đầu tư tài chính, chiều 12-11, tại TP Hồ Chí Minh, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (C15, Bộ Công an) đã thực hiện lệnh khám xét và bắt khẩn cấp bị can Trần Hà (44 tuổi, trú tại đường Lũy Bán Bích, quận Tân Phú, TPHCM) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” do có hành vi sử dụng trang web của một công ty ảo là “Colony Invest” để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trần Hà là một mắt xích quan trọng trong đường dây tổ chức tuyên truyền hội thảo để phát triển kinh doanh tài chính trên mạng “Colony”. Hà khai nhận đã chiếm đoạt được 2 tỉ đồng.

Theo báo cáo của Ban chuyên án trình lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát ngày 12-11, đối với tội phạm tại trang Web : www.callyinvest.com, đến nay Cục C15 đã khởi tố 3 bị can, trong đó có lệnh bắt Đặng Thanh Hải (26 tuổi, đã bỏ trốn trước khi bị khởi tố), Nguyễn Văn Dân (34 tuổi, đã bị bắt), Nguyễn Quang Sáng (27 tuổi, tại ngoại). Đối với trang Web: www.colonyinvest.net, Cục C15 đã khởi tố bắt tạm giam 7 bị can, bắt khẩn cấp 1 đối tượng (chưa tính trường hợp bị can Trần Hà, riêng Trần Tiểu Linh đã giao nộp 8 sổ tiết kiệm tại nhiều ngân hàng tổng trị giá gần 2,3 tỉ đồng). C15 đang củng cố tài liệu và phối hợp Viện KSND Tối cao để áp dụng biện pháp tố tụng với Lý Huệ Quyên, Trần Hà. Cục C15 cũng phối hợp chặt chẽ với nhiều địa phương như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Lạng Sơn, Đồng Tháp, Tiền Giang, Bến Tre, Thái Nguyên, Bắc Ninh... đồng loạt tấn công vào các tổ chức hoạt động phạm tội, là nhánh dưới trong hệ thống “Colony”. Các địa phương khác đang tiếp tục triệu tập đối tượng hoạt động kinh doanh đa cấp để đấu tranh làm rõ.

Vào chiều ngày 11-11, tại TPHCM, Ban chỉ đạo điều tra vụ án đã họp dưới sự chủ trì của Đại tá Phạm Hùng Chiến (Phó cục trưởng C15) với công an các địa phương để đánh giá kết quả điều tra bước đầu và yêu cầu Phòng PC 15 công an các địa phương nhanh chóng đấu tranh làm rõ loại tội phạm tại địa phương, khi có đủ căn cứ thì áp dụng các biện pháp tố tụng để đấu tranh triệt để và báo cáo thường xuyên với C15 đã phối hợp điều tra.

Một cán bộ của Ban chuyên án cho biết sẽ di lý các bị can đầu sỏ bị bắt tạm giam tại TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội để phục vụ việc điều tra mở rộng vụ án. Vào chiều 12-11, tại trại tạm giam của Tổng cục Cảnh sát tại TPHCM, Ban chuyên án đã cho trích xuất các bị can Diệp Dũng Trung, Vũ Thị Thu Hằng, Lý Huệ Quyên để lấy lời khai bước đầu. Trung chưa thừa nhận vai trò tổ chức và khai nhận ban đầu cùng với Trần Hà, Lý Huệ Quyên, Trần Tiểu Linh, Nguyễn Dạ Thu tập hợp lại để đầu tư theo mô hình của “Colony”. Trung cho rằng mọi người đều là hội viên của “Colony” và là người bị nạn. Còn Vũ Thị Thu Hằng khai nhận bắt đầu tham vào mạng “Colony” từ tháng 5-2007 thông qua các đối tượng Thu, Quyên, Linh. Còn Quyên cũng đã bước đầu khai nhận vai trò của mình.

Theo Công an TP Hồ Chí Minh, trong những ngày qua đã có nhiều nạn nhân đến cơ quan điều tra tố cáo hành vi lừa đảo của “Colony”, trong đó có hai chị N.T.H và T.T.M (trú tại Tây Ninh) cho biết đã đưa cho Trần Trọng Việt (32 tuổi, trú ở Ô Môn, Cần Thơ, nhân viên Colony Invest ở địa chỉ A75/6K/22 Bạch Đằng, phường 2, quận Tân Bình) số tiền hơn 26,4 triệu đồng, nhưng mới thu lại tiền lãi hơn 7 triệu đồng thì “Colony” đã đóng cửa. Công an đang lập hồ sơ để đề xuất xử lý, tạm thu giữ tài sản của Việt gồm 1 xe mô tô, 1 máy vi tính, 1 ĐTDĐ, 2 thẻ USB.

* Cùng ngày, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ - Công an Hà Nội đã phát hiện dấu hiệu vi phạm và triệu tập Giám đốc của 2 Công ty cổ phần đến trụ sở công an để điều tra, làm rõ. Đó là bà Uông Thị Đông (sinh năm 1980, quê ở Lào Cai), Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư thương mại Thời đại, có trụ sở tại nhà CT4-1 Khu đô thị Mễ Trì Hạ, Mỹ Đình - Từ Liêm và ông Vũ Đức Thọ (sinh năm 1984, quê ở Thái Bình), Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư thương mại Trí Việt, Văn phòng giao dịch tại 262 Nguyễn Huy Tưởng, Thanh Xuân – Hà Nội.

Được biết, Công ty cổ phần Thời Đại được thành lập vào tháng 10-2006 với số vốn pháp định là 10 tỉ đồng, gồm 3 cổ đông, đăng ký kinh doanh 23 ngành nghề như mua bán, đại lý, ký gửi hàng hóa, dịch vụ điện tử, cung cấp thông tin thương mại, đăng ký tên miền và lưu giữ trang Web không có hoạt động tín dụng. Thấy hình thức kinh doanh tín dụng qua mạng phát triển, công ty này mở trang web: thoidaiwto.com để huy động vốn. Theo lời khai ban đầu của bà Uông Thị Đông, đã có 432 người tham gia và nộp tiền vào tài khoản của Công ty với mức tối thiểu là 40 USD/ người, tổng số tiền đã thu là 17.280 USD.

Giám đốc Công ty cổ phần Trí Việt Vũ Đức Thọ nguyên là nhân viên của Công ty cổ phần Thời Đại. Nhận thấy hình thức làm ăn nói trên hấp dẫn nên ông Thọ đã tách ra, lập công ty riêng từ tháng 10-2007. Công ty cổ phần Trí Việt đăng ký hoạt động với 14 ngành nghề kinh doanh, vốn pháp định 1 tỉ đồng; lập trang web: vip-viet.online để huy động vốn. Đến nay đã có 2.211 người tham gia với số tiền từ 30 - 10.000 USD tại Công ty cổ phần Trí Việt, với tổng số tiền lên tới trên 100 ngàn USD.

Bước đầu, cơ quan công an làm rõ cả 2 công ty trên đều không có chức năng kinh doanh tín dụng mà lợi dụng hình thức kinh doanh bán hàng giá rẻ và giới thiệu việc làm miễn phí để lừa các khách hàng góp vốn qua mạng. Các đối tượng lấy tiền của người nộp sau để trả lãi cho người nộp trước với lãi suất rất cao, từ 75 – 100%; tuy nhiên, số người được trả lãi rất ít mà số tiền 2 đối tượng này thu gom được đều sử dụng vào mục đích cá nhân. Hiện cơ quan công an đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án.

Thế Vinh – Thu hương (TTXVN)

Chia sẻ bài viết