22/02/2013 - 22:07

Điều chỉnh tỷ giá USD phải căn cứ mục tiêu tổng thể của chính sách tiền tệ

Sau Tết Nguyên đán, giá đô-la Mỹ (USD) trên thị trường tự do tại Hà Nội liên tục tăng sát mức 21.100 đồng/USD. Trong khi đó, tỷ giá bình quân liên ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố vẫn ở mức 20.828 đồng/USD, thấp hơn khoảng 1% so với giá tại thị trường tự do. Trước thông tin về một số ý kiến đề xuất điều chỉnh tăng tỷ giá ở mức 3% để hỗ trợ xuất khẩu, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (CSTT) của NHNN, Nguyễn Thị Hồng khẳng định:

Giao dịch USD. Ảnh: Internet 

Tỷ giá hối đoái là một công cụ của CSTT, vì vậy việc điều hành tỷ giá phải nhằm mục tiêu CSTT là ổn định giá trị đồng tiền biểu hiện bằng chỉ tiêu lạm phát, quyết định sử dụng các công cụ và biện pháp để thực hiện mục tiêu đề ra.

Theo bà Hồng, việc điều hành tỷ giá cần phải được xem xét trong tổng thể điều hành chính sách tiền tệ năm 2013. Chính phủ giao NHNN điều hành CSTT để kiểm soát lạm phát ở mức thấp hơn và tăng trưởng kinh tế cao hơn năm trước. Đồng thời, Chính phủ cũng yêu cầu NHNN tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh như hỗ trợ quá trình xử lý nợ xấu, hỗ trợ thị trường bất động sản…

Trên thực tế, lạm phát tháng 1 tăng 1,25% và nhiều khả năng chỉ số này tiếp tục cao hơn vào tháng 2. Đây chính là những áp lực dẫn đến nguy cơ tăng lạm phát trong thời gian tới. Muốn đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức thấp hơn năm 2012 theo mục tiêu của Chính phủ đề ra là hết sức khó khăn. Do vậy, tại thời điểm này, chưa nên đặt vấn đề điều chỉnh tăng tỷ giá, bởi sẽ tạo thêm áp lực tăng lạm phát.

Ngoài ra, việc điều chỉnh tăng tỷ giá cũng cần phải được cân nhắc kỹ lưỡng giữa cái được và những tác động của nó tới việc thực hiện mục tiêu chính sách kinh tế vĩ mô - Bà Hồng phân tích. Về mặt lý thuyết, điều chỉnh tăng tỷ giá có thể hỗ trợ xuất khẩu. Thời gian qua, cung cầu ngoại tệ có sự cải thiện, NHNN đã mua ngoại tệ tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước, đồng thời góp phần ổn định tỷ giá đã phần nào hỗ trợ cho xuất khẩu. Nhưng nếu NHNN không mua thì khả năng tỷ giá sẽ giảm, doanh nghiệp có thể gặp khó khăn hơn. Tuy nhiên, để khẳng định khả năng hỗ trợ của việc điều chỉnh tăng tỷ giá đến xuất khẩu, cần cân nhắc tới một số vấn đề như: cầu của nước ngoài hiện đang ở mức thấp; cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đa phần là hàng sơ chế, có độ co dãn thấp; khả năng cạnh tranh hàng xuất khẩu không chỉ phụ thuộc vào giá mà còn phụ thuộc vào chất lượng, chủng loại của hàng hóa…

Trước những tác động của việc điều chỉnh tăng tỷ giá đến mục tiêu kinh tế vĩ mô, bà Hồng cảnh báo về một số tác động liên quan. Sản xuất trong nước của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào việc nhập khẩu hàng hóa vốn, nguyên nhiên vật liệu từ nước ngoài. Khi điều chỉnh tăng tỷ giá, giá hàng nhập khẩu tính bằng đồng Việt Nam sẽ gia tăng, theo đó tạo áp lực lên lạm phát. Điều chỉnh tăng tỷ giá còn làm nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của Chính phủ tính bằng đồng Việt Nam gia tăng, gây khó khăn cho Ngân sách nhà nước. Suốt một thời gian dài vừa qua, NHNN đã giữ ổn định tỷ giá, tạo được niềm tin đối với đồng Việt Nam, nên việc điều chỉnh tăng tỷ giá cần phải cân nhắc kỹ lưỡng, tránh tác động tâm lý, kỳ vọng tăng tỷ giá…

Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng
can thiệp để bình ổn thị trường ngoại tệ

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ngày 22-2 đã ra thông báo khẳng định: NHNN đang phối hợp với Bộ Công an để làm rõ nguồn gốc tin đồn sai sự thật là “lãnh đạo Ngân hàng BIDV bị bắt”, sẽ có biện pháp xử lý theo đúng pháp luật và phối hợp với các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân địa phương để xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh trái phép trên thị trường ngoại tệ tự do.

NHNN cũng khẳng định tiếp tục điều hành tỷ giá theo hướng ổn định và sẵn sàng can thiệp để bình ổn thị trường ngoại tệ , đồng thời đề nghị người dân và doanh nghiệp cần thận trọng và tỉnh táo trước các tin đồn thất thiệt để tránh những thiệt hại không đáng có. Thời gian qua, thị trường ngoại tệ và tỷ giá diễn biến ổn định, cung cầu ngoại tệ cân bằng, các nhu cầu hợp pháp, hợp lý được đáp ứng đầy đủ thông qua hệ thống tổ chức tín dụng, dự trữ ngoại hối Nhà nước tăng mạnh.

THU HẰNG (TTXVN)

Để thực hiện chủ trương kiểm soát lạm phát ngay từ đầu năm theo chỉ đạo của Chính phủ, thời điểm này chưa nên đặt vấn đề điều chỉnh tăng tỷ giá để tránh tạo nhiều áp lực đến lạm phát khi nó đang có nguy cơ tăng trở lại. Thời gian tới, NHNN cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô và tiền tệ trong và ngoài nước để có sự điều hành phù hợp, nhằm đạt được mục tiêu tổng thể của chính sách tiền tệ.

Theo thống kê, tăng trưởng tín dụng và tổng phương tiện thanh toán trong hai năm vừa qua (2011 và 2012) thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng trên 30%/năm của nhiều năm trước đây đã khiến áp lực tăng tỷ giá từ phía điều hành chính sách tiền tệ không còn nữa. Đây cũng chính là thành công khẳng định các công cụ CSTT được điều hành đồng bộ, linh hoạt, đặc biệt là sự kết hợp hài hòa giữa chính sách lãi suất và tỷ giá. Lãi suất VND được điều tiết giảm mạnh, trong khi vẫn khống chế trần lãi suất huy động ngoại tệ, đã góp phần làm cho đồng VND có sức hấp dẫn hơn, giảm tình trạng găm giữ đô-la Mỹ, khuyến khích doanh nghiệp và người dân bán ngoại tệ cho ngân hàng. Nhờ đó, NHNN tăng được dự trữ ngoại hối ở mức lớn; cung cầu ngoại tệ được cải thiện thể hiện qua cán cân thanh toán tổng thể của Việt Nam năm 2012 thặng dư ở mức lớn (khoảng trên 10 tỉ USD).

Thu Hằng (TTXVN)

Chia sẻ bài viết