Theo dự báo của IDC, 1,8 tỷ chiếc điện thoại di động sẽ được xuất xưởng trên toàn cầu vào năm nay, tăng gần 4% so với năm ngoái, nhưng đây là con số tăng thấp nhất kể từ năm 2009. Nguyên nhân của mức tăng chậm này là do số lượng tiêu thụ các điện thoại thông thường bị giảm, không liên quan đến điện thoại thông minh. Việc xuất xưởng điện thoại di động thông thường, hiện chiếm hơn 61% tổng số lượng xuất xưởng điện thoại di động, có khuynh hướng giảm 10% trong năm 2012.
Ngược lại, sức tiêu thụ điện thoại thông minh tiếp tục tăng cao. IDC dự báo điện thoại thông minh sẽ tăng 38,8% trong năm nay, đạt 686 triệu chiếc. Có sự gia tăng này là do các nhà cung cấp viễn thông trợ giá, đưa giá bán xuống mức trung bình và chi phí linh kiện cũng giảm, bên cạnh đó là sự gia tăng về mức độ hiểu biết và số lượng thiết bị, đồng thời cước dữ liệu cũng thấp hơn.
Sự quảng bá điện thoại thông minh trong năm nay có thể không rầm rộ như các năm trước, nhưng hiện tượng chuyển đổi từ loại thông thường sang điện thoại thông minh sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Trong 5 năm tới, thiết bị chạy hệ điều hành Android sẽ thống trị thị trường điện thoại thông minh, mặc dù theo dự đoán của IDC, thị phần toàn cầu của thiết bị Android sẽ giảm từ 61% năm nay xuống 52,9% vào năm 2016.
IDC cũng dự báo lượng tiêu thụ điện thoại thông minh dùng hệ điều hành Windows Phone sẽ ngang iPhone của Apple vào năm 2016, với 19% thị phần mỗi loại. Điện thoại dùng hệ điều hành Windows sẽ nhận được sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ Nokia tại các thị trường mới nổi.
Mặc dù thị phần của Apple có khuynh hướng giảm nhẹ vào 5 năm tới, nhưng số lượng xuất xưởng sẽ tiếp tục tăng đáng kể trong giai đoạn này. Theo phân tích của IDC, các thị trường mới nổi chính là yếu tố quan trọng nhất giúp hệ điều hành iOS của Apple mở rộng thị phần.
Theo nhà phân tích cao cấp Ramon Llamas của IDC, Android sẽ duy trì ưu thế của mình, trong lúc những nhà sản xuất điện thoại di động khác sẽ tăng cường hơn nữa mối quan hệ đối tác với các nhà mạng (như trường hợp Apple) hay tiếp tục tìm cách đổi mới (như với BlackBerry và Windows Phone/Windows Mobile). Theo chuyên gia này, vấn đề còn lại là làm thế nào các hệ điều hành khác nhau này mang lại trải nghiệm “chưa từng thấy” để hấp dẫn nhiều người sử dụng hơn và tạo ra động lực thay thế sản phẩm.
LÊ PHI (Theo PCWorld)