30/04/2015 - 19:35

Điểm sáng của ngành nông nghiệp

Giai đoạn 2010-2015 là giai đoạn tạo chuyển biến tích cực thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp TP Cần Thơ trên tất cả các lĩnh vực. Theo đó, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn thành phố đã tạo được điểm sáng về ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội thiết thực, góp phần nâng cao trình độ kỹ thuật sản xuất, dân trí và cải thiện đời sống nhân dân.

* Điểm sáng trong ngành

Những năm qua, ngành nông nghiệp thành phố luôn xem trọng phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, thi đua lao động sáng tạo, khai thác lợi thế cạnh tranh của ngành và cũng là lợi thế cạnh tranh quốc gia cần được đầu tư trong bối cảnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Bà Nguyễn Thị Kiều, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, cho biết: Giai đoạn 2010-2015, nhiều đề tài, dự án được thực hiện đã tác động tích cực đến sản xuất, ứng dụng nhanh và kịp thời các thành tựu khoa học công nghệ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới, góp phần xây dựng thành phố trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Ngành luôn quan tâm công tác chuyển giao ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, như: chương trình IPM, triển khai mở rộng chương trình “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm” giúp giảm giá thành sản xuất từ 400-600 đồng/kg lúa giúp nông dân thành phố tiết kiệm từ 308-462 tỉ đồng/năm. Ngoài ra, ngành thực hiện nhiều đề tài, dự án giúp nông dân tiết kiệm chi phí đầu vào, tăng lợi nhuận sản xuất, liên kết ứng dụng công nghệ cao; triển khai và nhanh chóng nhân rộng mô hình cánh đồng lớn. Thành phố hình thành 3 hợp tác xã (HTX) sản xuất rau an toàn, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, khẳng định vị thế an toàn thực phẩm cho những sản phẩm được cam kết, giúp nông dân nâng cao thu nhập gấp 7-12 lần so với trồng lúa…

 Mô hình sản xuất rau an toàn của Hợp tác xã Rau an toàn Long Tuyền, phường Long Tuyền, quận Bình Thủy.

Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn thành phố, nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả đem lại giá trị sản lượng gấp nhiều lần so với phương thức canh tác khác. Anh Nguyễn Hữu Huynh, nông dân ở Khu vực Hòa An B, phường Thới Hòa, quận Ô Môn, chia sẻ: Thời gian qua, gia đình anh sản xuất 3 vụ lúa diện tích 1,5ha + 1 vụ nuôi tôm càng xanh diện tích 1ha trong năm nhưng vẫn không cải thiện cuộc sống. Năm 2010, được sự giúp đỡ, hỗ trợ của Chi cục Thủy sản TP Cần Thơ, anh quyết định thực hiện mô hình 1 vụ lúa và 1 vụ nuôi tôm càng xanh. Từ khi chuyển đổi sang nuôi tôm càng xanh, giúp gia đình anh tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống; lợi nhuận mỗi năm một tăng thêm, năm sau cao hơn năm trước. Cụ thể, vụ đông xuân 2010 là 22,9 triệu đồng đến vụ đông xuân 2014 là 58,75 triệu đồng. Nuôi tôm càng xanh năm 2010 lợi nhuận là 48,9 triệu đồng đến năm 2014 là 99,7 triệu đồng.

Hoạt động của các loại hình kinh tế tập thể tiếp tục được đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động, bước đầu thể hiện được vai trò định hướng phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, phát triển ngành nghề và xóa đói giảm nghèo. Ông Nguyễn Văn Hào, Chủ nhiệm HTX Dâu Hạ Châu ở xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền, cho biết: HTX Dâu Hạ Châu được thành lập từ năm 2004 có 13 thành viên, đến nay đã tăng lên 23 thành viên. Trong quá trình phát triển HTX, Ban Giám đốc cùng với các thành viên tranh thủ huy động mọi nguồn lực trong và ngoài để hỗ trợ, như: chương trình trợ giá, trợ giống; chuyển giao khao học kỹ thuật chăm sóc dâu Hạ Châu; xử lý ra hoa và các biện pháp phòng ngừa sâu bệnh; tập huấn nâng cao năng lực quản lý HTX… Nhờ vậy, chất lượng sản phẩm dâu Hạ Châu ngày càng được nâng lên và đứng vững trên thị trường nội địa với chi phí sản xuất thấp và lợi nhuận khá cao từ cây giống và cây dâu thương phẩm. Bình quân mỗi năm, HTX cung cấp ra thị trường khoảng 10.000 cây dâu giống. Bên cạnh đó, HTX còn là cầu nối chuyển giao khoa học kỹ thuật cho khoảng 1.000 hộ trồng dâu trên địa bàn huyện. Từ đó, thu nhập của các thành viên ngày càng nâng cao và ổn định. Cụ thể bình quân lợi nhuận trong năm trên 1ha dâu Hạ Châu là 380 triệu đồng.

* Đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp

Thời gian qua, đô thị hóa khiến diện tích đất nông nghiệp giảm. Tuy nhiên diện tích sản xuất được giữ vững, việc tích tụ ruộng đất thông qua các hình thức liên kết sản xuất và vùng tập trung chuyên canh tiếp tục được mở rộng, như: cánh đồng lớn, vùng cây ăn trái gắn với du lịch sinh thái, vùng rau an toàn, nuôi thủy sản theo tiêu chuẩn, chăn nuôi an toàn sinh học... Sản xuất nông nghiệp chuyển dần sang hình thái nông nghiệp chất lượng cao gắn sản xuất với sự phát triển của ngành công nghiệp chế biến và dịch vụ. Phát huy những kết quả đạt được, ngành nông nghiệp thành phố đề ra mục tiêu trọng tâm của ngành tiếp tục tái cơ cấu ngành, tổ chức lại hoạt động sản xuất theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm, xu hướng hội nhập quốc tế.

Ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: Ngành nông nghiệp thành phố tập trung xây dựng quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp phù hợp quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội thành phố. Thành phố bố trí sử dụng đất, chọn phương án đa dạng hóa cây trồng trên cơ sở tối ưu sử dụng đất và sản xuất nông sản hàng hóa xuất khẩu. Triển khai thực hiện quy hoạch và phân vùng phát triển sản xuất nông lâm nghiệp – nuôi trồng thủy sản. Đẩy mạnh phong trào thi đua tổ chức lại sản xuất, chuyển đổi cơ cấu sản xuất theo hướng nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh. Trong đó, nuôi thủy sản được xem là hướng đột phá nhằm phát huy thế mạnh của thành phố; mở rộng mô hình nuôi theo quy hoạch, nhân rộng mô hình nuôi có hiệu quả. Trong chăn nuôi tập trung phát triển đàn gia súc theo hướng tạo ra hàng hóa xuất khẩu thông qua đầu tư đồng bộ công nghiệp chế biến thịt. Giảm dần diện tích, sản lượng và nâng cao chất lượng lúa trên cơ sở thực hiện chương trình vùng lúa chất lượng cao, mở rộng diện tích áp dụng các chương trình tiến bộ kỹ thuật; nhân rộng các mô hình sản xuất kết hợp lúa + màu + thủy sản có hiệu quả kinh tế để tăng thu nhập trên 1 đơn vị diện tích. Tăng mạnh sản lượng, chất lượng cây ăn trái, rau màu trên cơ sở hình thành vành đai thực phẩm và vườn cây ăn trái quanh các quận nội thành, gắn với du lịch sinh thái, phát triển rộng mô hình trồng rau sạch, hoa kiểng…

Phát biểu tại Hội nghị điển hình tiên tiến ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn TP Cần Thơ giai đoạn 2010-2015, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Đào Anh Dũng đánh giá cao sự nỗ lực của ngành nông nghiệp và người nông dân khắc phục khó khăn, ra sức thi đua lao động, sáng kiến phát triển nông nghiệp thành phố. Dù diện tích đất nông nghiệp giảm nhưng ngành có những giải pháp thiết thực, hiệu quả chuyển sang nông nghiệp chất lượng cao. Năm 2014, ngành đóng góp 70% giá trị kim ngạch xuất khẩu (trên 700 triệu USD gạo, thủy sản), đây là điều đáng tự hào của ngành nông nghiệp thành phố. Do đó, trong thời gian tới, ngành nông nghiệp thành phố cần tập trung hoàn thiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, xu hướng hội nhập quốc tế. Thực hiện chương trình nông nghiệp công nghệ cao, chất lượng cao. Trong đó, cần xác định cây, con hữu ích, sản phẩm truyền thống để phát triển, phát huy một cách hiệu quả. Nông nghiệp Cần Thơ phải là đầu tàu ứng dụng công nghệ cao và khoa học kỹ thuật vào sản xuất, là nơi cung cấp dịch vụ cho vùng ĐBSCL. Đồng thời, thực hiện khép kín từng loại sản phẩm, xây dựng chuỗi giá trị cho từng loại sản phẩm, tạo ra sản phẩm chất lượng cao gắn với tiêu thụ…

Bài, ảnh: T. Trinh

Chia sẻ bài viết