17/08/2017 - 10:10

Điểm nhấn Ninh Kiều - Đô thị miền sông nước 

Hướng đến Năm APEC 2017 tại TP Cần Thơ, đồng thời là một trong chuỗi sự kiện tạo điểm nhấn độc đáo cho du lịch Cần Thơ, UBND quận Ninh Kiều phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ tổ chức “Ngày hội Du lịch- Đêm hoa đăng Ninh Kiều, Cần Thơ” (Ngày hội).

Đây là lần đầu tiên Ngày hội được tổ chức, nhằm giới thiệu, quảng bá hình ảnh văn hóa, con người Cần Thơ; du lịch Ninh Kiều nói riêng; tạo không gian vui chơi giải trí cộng đồng, dần hình thành sản phẩm đặc trưng trong các loại hình du lịch đô thị sông nước của thành phố. Ông Nguyễn Ngọc Ánh- Phó Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Ngày hội, cho biết thêm:

- Trước đây, Ninh Kiều cũng có vài lần tổ chức thả hoa đăng nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn, nhưng đây là lần đầu hoạt động được tổ chức thành sự kiện lớn, diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 19 đến 21-8, tại Bến Ninh Kiều, cầu đi bộ và rạch Khai Luông. Ngày hội có nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ thể thao, trong đó có các điểm nhấn: Lễ khai mạc, hội thi “Hoa đăng Ninh Kiều hội tụ và tỏa sáng” và giải đua thuyền truyền thống TP Cần Thơ lần II.

Hội thi hoa đăng là nét mới trong các sự kiện văn hóa- du lịch được tổ chức tại Cần Thơ, góp phần tạo nên không gian thưởng lãm và trải nghiệm thú vị dành cho du khách. Sẽ có khoảng 40 hoa đăng lớn (diện tích khoảng 4m2) với nhiều tạo hình đẹp mắt được thả trên rạch Khai Luông (vị trí cầu đi bộ nhìn xuống), trưng bày trên sông từ tối ngày 19 đến hết ngày 25-8, để du khách tham quan, chụp ảnh.

Ngoài ra, có khoảng 200 hoa đăng nhỏ dành cho các đại biểu thả vào đêm khai mạc. Ban Tổ chức có bố trí từ 3-4 gian hàng hoa đăng, phục vụ cho du khách có nhu cầu muốn trải nghiệm thả hoa đăng (giá niêm yết mỗi cái là 10.000 đồng). Hằng đêm, tại khu vực diễn ra Ngày hội, sẽ có khoảng 10 du thuyền đưa du khách thưởng ngoạn hoa đăng, thưởng thức đờn ca tài tử trên sông. 

Tại công viên Ninh Kiều, Bến Ninh Kiều sẽ có hơn 55 gian hàng quảng bá, xúc tiến du lịch; thư pháp, ký họa chân dung; trình diễn “Bánh- Ẩm thực dân gian Ninh Kiều”; triển lãm ảnh chủ đề “Ninh Kiều- Cần Thơ xưa và nay” và các trò chơi dân gian hấp dẫn dành cho du khách.

* Bến Ninh Kiều là điểm du lịch quan trọng của thành phố, thu hút nhiều du khách, các tuyến đường tại đây khá chật hẹp, Ban Tổ chức có phương án gì để tạo thuận lợi cho du khách tham gia Ngày hội, thưa ông?

- Đến nay, công tác chuẩn bị cho Ngày hội cơ bản đã hoàn thành. Chúng tôi đã có sự phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, ngành chức năng hữu quan, xây dựng các kế hoạch và phân công nhiệm vụ cụ thể để công tác tổ chức thuận lợi. Theo đó, công an quận sẽ bố trí lực lượng trực và điều tiết giao thông, đảm bảo an ninh trật tự, tránh ùn tắc giao thông trong những ngày diễn ra sự kiện. Địa phương cũng chuẩn bị sẵn 2 ca nô bảo hộ trên sông để đảm bảo an toàn về giao thông thủy.

Song song đó, Phòng Quản lý đô thị quận và phường Tân An cũng đã chỉnh trang, vệ sinh các tuyến đường chính dẫn đến khu vực diễn ra lễ hội. Các tuyến đường Ngô Gia Tự, Hai Bà Trưng được trang trí, treo đèn lồng khá đẹp. Ban Tổ chức cũng đã bố các địa điểm giữ xe cho du khách tại khoảng sân của Khám Lớn, vỉa hè ở các con đường: Thủ Khoa Huân, Hai Bà Trưng… với giá niêm yết cụ thể (3.000 đồng/xe/ngày, 5.000 đồng/xe/đêm).

* Thưa ông, kỳ vọng gì được đặt ra cho du lịch Ninh Kiều qua Ngày hội này?

- Bến Ninh Kiều đã được công nhận là Điểm du lịch tiêu biểu cấp ĐBSCL, được quy hoạch là Điểm du lịch tiêu biểu cấp quốc gia (gồm quần thể Bến Ninh Kiều- cầu đi bộ- chợ nổi Cái Răng và các cồn dọc sông Hậu).

Thêm vào đó, cầu đi bộ cũng được công nhận là Cảnh quan châu Á 2016, nên chúng tôi chọn nơi này tổ chức Ngày hội để giới thiệu, phát huy được nét đẹp đặc trưng đô thị sông nước, phù hợp với định hướng phát triển du lịch mà quận đã đề ra “Đô thị miền sông nước Ninh Kiều”. Trong đó, chú trọng phát triển du lịch MICE (nghỉ dưỡng, hội nghị, hội thảo).

Chúng tôi mong muốn, sự kiện tạo ra không gian cộng đồng cho người dân Cần Thơ được vui chơi giải trí, đồng thời giới thiệu, quảng bá được hình ảnh, văn hóa, con người của vùng đất Tây Đô; kết nối được các đơn vị lữ hành để xây dựng tour, tuyến, phát huy tiềm năng du lịch Ninh Kiều.

Ngày hội đang nhận được sự quan tâm của nhiều đơn vị lữ hành, khi cam kết đưa hơn 2.000 khách đến tham quan và trải nghiệm các hoạt động. Đây là tín hiệu tích cực cho sự kiện diễn ra lần đầu như thế này.

Cầu đi bộ và rạch Khai Luông sẽ là địa điểm chính diễn ra các hoạt động của “Ngày hội Du lịch- Đêm hoa đăng Ninh Kiều, Cần Thơ”. Ảnh: DUY KHÔI

* Xác định sản phẩm đặc thù là du lịch đô thị miền sông nước, đến nay Ninh Kiều đã có những định hướng xây dựng sản phẩm và đầu tư như thế nào để phát huy được thế mạnh này, thưa ông?

- Bám sát Nghị quyết 03-NQ/TU của Thành ủy (ngày 1-8-2016), Kế hoạch 111/KH-UBND của UBND thành phố (ngày 19-9-2016) về Đẩy mạnh phát triển du lịch, Ninh Kiều cũng đã xây dựng nhiều kế hoạch phát triển du lịch, xác định thế mạnh với sản phẩm đặc thù là du lịch đô thị miền sông nước, trong đó sản phẩm chính là MICE. Trên cơ sở này, địa phương cũng đã có những định hướng quy hoạch, đầu tư về hệ thống lưu trú, các khu vui chơi giải trí.

Cụ thể, ngoài các dự án Thiên đường nước Cần Thơ (công viên nước Cần Thơ), khách sạn ÊMM Cần Thơ (khu vực cồn Cái Khế) đã có chủ trương của thành phố; thì Ninh Kiều đang xin chủ trương kêu gọi đầu tư Công viên vui chơi trên không (Vòng xoay công viên nước), để tạo thêm không gian vui chơi giải trí cho người dân. Ninh Kiều cũng đang cải tạo công viên sông Hậu (từ khách sạn Victoria đến nhà hàng Lúa Nếp, khách sạn Nesta), hình thành chuỗi sản phẩm từ chợ cổ, cầu đi bộ đến Nesta.

Chúng tôi cũng có kế hoạch xây dựng các khu phố chuyên doanh trên địa bàn Ninh Kiều, cụ thể thử nghiệm tại đường Đề Thám kéo dài đến bờ hồ Xáng Thổi (định kỳ cuối tuần); các phố đi bộ, chợ đêm đúng chuẩn. Mặt khác, Ninh Kiều đang chú trọng chỉnh trang đô thị sáng- xanh-sạch- đẹp, xây dựng văn hóa ứng xử nơi công cộng, góp phần tạo nên hình ảnh du lịch Cần Thơ thân thiện, an toàn và mến khách.

* Xin cảm ơn ông!

Ái Lam (Thực hiện)

Chia sẻ bài viết