16/08/2022 - 16:28

Dịch có nguy cơ quay trở lại, cần tăng cường tiêm vaccine 

Sáng 16-8, Sở Chỉ huy Phòng, chống dịch COVID-19 TP Cần Thơ họp rà soát, đánh giá công tác phòng, chống dịch trong thời gian qua. Theo đó, Cần Thơ đối mặt với nhiều nguy cơ như số ca mắc COVID-19 có xu hướng tăng, trong khi tiêm vaccine mũi 3 đạt thấp; số ca mắc sốt xuất huyết (SXH), tay chân miệng liên tục tăng...

Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường phát biểu tại cuộc họp. 

Vẫn còn tâm lý chủ quan

Tại cuộc họp, ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, nhận định, số ca mắc COVID-19 ở Cần Thơ có xu hướng tăng, chỉ trong tháng qua đã có 84 ca nhiễm mới, riêng ngày 15-8 có 27 ca nhiễm mới. Xuất hiện tâm lý chủ quan ở một bộ phận cán bộ, công chức và người dân. Từ đó, tỷ lệ tiêm vaccine mũi 3 của thành phố đạt thấp. Trong khi kháng thể giảm dần theo thời gian, khả năng bảo vệ giảm, từ đó tăng nguy cơ mắc bệnh, nguy cơ bệnh nặng. Đáng lo nữa là dịch bệnh SXH, tay chân miệng bùng phát trên địa bàn thành phố.

Tính từ đầu năm 2022 đến ngày 11-8-2022, thành phố ghi nhận 7.708 ca mắc COVID-19, tử vong 348 ca. Trong số ca tử vong có 87% bệnh nhân có độ tuổi từ 50 trở lên. Gửi mẫu giải trình tự gien 18 mẫu, kết quả: 1 mẫu Delta, 3 mẫu BA.1, 12 mẫu BA.2, 1 mẫu BA.4 và 1 mẫu BA.5. Về bệnh SXH, thành phố ghi nhận 3.236 ca, tăng 2.556 ca so với cùng kỳ năm 2021, không có ca tử vong. Toàn thành phố có 235 ổ dịch SXH. Bệnh tay chân miệng cũng tăng, ghi nhận 1.474 ca, tăng 368 ca so với cùng kỳ năm 2021, không có ca tử vong.

Theo BS Huỳnh Minh Trúc, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Cần Thơ, SXH đang diễn biến rất phức tạp, tuy chưa đến thời điểm đỉnh dịch (tháng 9) nhưng SXH tăng rất nhanh, đề nghị các quận, huyện, phường, xã, thị trấn quan tâm xử lý triệt để ổ dịch, diệt lăng quăng, vệ sinh môi trường... 

Tăng cường tiêm chủng cho người dân 

Theo thống kê của CDC Cần Thơ, tiêm liều cơ bản vaccine phòng COVID-19 (mũi 1, mũi 2) cho người trên 18 tuổi trở lên, cơ bản hoàn thành; riêng mũi 3, mới đạt 53,6%; mũi 4 đạt 66,7%. Tiêm chủng cho trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổimũi 1, 2, cơ bản hoàn thành; riêng mũi 3 đạt 44,7%. Tiêm chủng cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, mũi 1 đạt tỷ lệ 92,3%; tiêm mũi 2 đạt tỷ lệ 68,7%.

Theo ngành Y tế, nguyên nhân tỷ lệ tiêm chủng chưa đạt kết quả như mong muốn do thành phố được Bộ Y tế phân bổ hơn 1 triệu liều vaccine Vero cell; số lượng người đã tiêm Vero cell rất cao 467.205 người, chiếm tỷ lệ 52,4% dân số trên 18 tuổi đã tiêm. Hiện có 74,5% người tiêm Vero cell đã tiêm lần thứ 3 nhưng theo cách tính của Bộ Y tế, những người này chỉ được tính là mũi bổ sung, không phải mũi 3 nên ảnh hưởng đến tỷ lệ mũi 3 của thành phố. Những người đã tiêm mũi thứ 3, trên app PC COVID hiển thị đã tiêm 3 mũi (nhưng thực tế theo quy định của Bộ Y tế, mũi 3 này chỉ là mũi bổ sung) gây hiểu nhầm cho người dân rằng họ đã tiêm đủ mũi theo quy định của Bộ Y tế... Ngoài ra, do chủ quan của người dân, nhiều người đã mắc không đồng ý tiêm các mũi vaccine tiếp theo vì cho rằng đã có miễn dịch bảo vệ tự nhiên, nên không tiêm mũi tiếp theo và cho rằng COVID-19 không còn nguy hiểm.

Về tiêm vaccine ở trẻ em, theo UBND các quận, huyện, các bậc cha mẹ vẫn còn e ngại về phản ứng sau tiêm, lo sợ ảnh hưởng lâu dài của vaccine đến sức khỏe của trẻ. Các trường hợp trẻ mắc bệnh hầu hết ở mức độ nhẹ cũng dẫn đến tâm lý chủ quan của các bậc phụ huynh cho rằng tiêm chủng vaccine COVID-19 cho trẻ là không cần thiết. Đặc biệt, thời gian triển khai tiêm chủng trùng với thời gian nghỉ hè.

Ông Huỳnh Trung Trứ, Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều, cho biết: Tỷ lệ tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 ở nhóm từ 12 tuổi trở lên ở quận đạt khá cao, chỉ gặp khó ở nhóm từ 5 đến dưới 12 tuổi chưa đạt theo chỉ đạo của thành phố. Nguyên nhân do nghỉ hè, học sinh về quê. Người dân thắc mắc lúc thì kêu "mũi tiêm bổ sung", "tăng cường", lúc thì "nhắc lại", "mũi 4"... nên quận gặp khó trong vận động người dân đi tiêm.

Bác sĩ Phạm Phú Trường Giang cho biết, ngành Y tế tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho người dân tiêm phòng COVID-19. 

BS Phạm Phú Trường Giang, Phó Giám đốc Sở Y tế (phụ trách, điều hành Sở Y tế), cho biết: Trong thời gian tới, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền vận động người dân đi tiêm chủng; nắm danh sách thật cụ thể từng trường hợp để tổ chức các điều kiện tốt nhất, thuận lợi nhất để tiêm ngay cho người dân. Ngành Y tế triển khai các điểm tiêm lưu động để tiêm chủng cho các cụm dân cư, các cơ quan, trường học, xí nghiệp...

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Thực Hiện đề nghị UBND các địa phương, lãnh đạo các sở, ban, ngành quan tâm công tác tiêm chủng phòng COVID-19; nhất là ngành giáo dục, y tế, tập trung tiêm từ nay đến cuối tháng 8-2022 cho đối tượng học sinh để các em đến trường.

Đánh giá tình hình ca nhiễm COVID-19, ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ, cũng cho rằng: Số thống kê chưa chính xác do người dân nhiễm COVID-19 mức độ nhẹ, điều trị tại nhà, không báo cơ sở y tế. Nguy cơ dịch quay trở lại, vì thế ngành Y tế cần chuẩn bị điều trị COVID-19 ở mức 2, 3. Sở Y tế thành phố nắm tình hình, tham mưu chuẩn bị nhân lực, điều trị… Trước  mắt, rà soát lại đối tượng tiêm. Tính đến giải pháp tiêm buổi tối, thứ bảy, Chủ nhật để người dân thuận lợi đi tiêm.

Kết luận cuộc họp, ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết: Thời gian gần đây, dịch bệnh phức tạp trở lại, biến chủng mới xuất hiện. Bệnh nhân COVID-19 chuyển nặng, cấp cứu đã ghi nhận tại bệnh viện, nên không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.

Chủ tịch UBND thành phố lưu ý, thời gian qua, kiểm soát được dịch COVID-19 là nhờ tiêm vaccine cho người dân. Vũ khí bảo vệ người dân là tiêm vaccine, vì thế, tập trung tiêm vaccine. Ngành Y tế chuẩn bị phương án ứng phó, không để bị động, bất ngờ. Lãnh đạo địa phương, sở, ban, ngành cần quan tâm, động viên lực lượng y tế nhiều hơn nữa. Tập trung tiêm vaccine vào ngày cuối tuần; bố trí đội lưu động đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người để người dân được tiêm vaccine. Tiêm đến đâu cập nhật thông tin trên phần mềm đến đó, UBND địa phương hỗ trợ lực lượng nhập liệu tiêm chủng. Ngành Y tế phối hợp với các sở, bệnh viện nhanh chóng khắc phục tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, hóa chất…, đảm bảo công tác điều trị.

Bài, ảnh: H.HOA

Chia sẻ bài viết