15/03/2008 - 22:52

Đi sâu và mở diện nghiên cứu về nền Văn hóa Óc Eo

Óc Eo là tên gọi do nhà khảo cổ học người Pháp Louis Malleret đề nghị đặt cho một địa điểm ở huyện Thoại Sơn (An Giang). Nơi này có thể đã từng tồn tại một hải cảng sầm uất của vương quốc Phù Nam từ thế kỷ thứ 1 đến thế kỷ thứ 7. Vào thập niên 1920, nhà khảo cổ học người Pháp đã dùng không ảnh chụp miền Nam Việt Nam và phát hiện ra địa điểm này cùng với nhiều kênh đào và các thành phố cổ khác. Một trong những kênh đào này đã cắt tường thành của một khu vực rất rộng. Malleret thử tìm kiếm các cấu trúc này trên mặt đất và vào ngày 10 tháng 2 năm 1944, ông bắt đầu đào các hố khai quật. Malleret đã phát hiện được các di vật và nền móng các công trình chứng minh cho sự tồn tại của một địa điểm thương mại lớn mà các thư tịch của Trung Hoa đã từng miêu tả về vương quốc Phù Nam. Khu vực này rộng ước chừng 450 hécta.

Cuộc khai quật đầu tiên của L.Malleret, với 24 điểm khảo sát và khai quật, và cho tới nay, trên sườn núi Ba Thê và cánh đồng Óc Eo đã có trên 50 địa điểm có giá trị khảo cổ học đã được ghi nhận và nghiên cứu. Các đợt khảo sát, nghiên cứu khai quật tại Óc Eo từ sau ngày miền Nam giải phóng đến nay chủ yếu do Trung tâm Nghiên cứu Khảo cổ học thuộc Viện Khoa học xã hội tại thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Bảo tàng An Giang, Bảo tàng Kiên Giang và Trường Viễn Đông Bác Cổ thực hiện.

Óc Eo là một quần thể di tích phân bố trên sườn núi Ba Thê và cánh đồng Óc Eo. Cánh đồng Óc Eo, phẳng và thấp, trải rộng trên địa bàn hai tỉnh An Giang và Kiên Giang, có hình tứ giác, mỗi cạnh khoảng 15km, với đường biên phía Bắc chạy từ núi Sập đến vùng núi Ba Thê, phía Tây từ núi Ba Thê (An Giang) đến khu di tích Nền Chùa (Kiên Giang), phía Nam từ khu di tích Nền Chùa đến di tích Đá Nổi (Kiên Giang). Núi Ba Thê là đỉnh cao nhất trong nhóm núi thành tạo từ hoa cương, gồm núi Nhỏ và núi Trọc ở phía Bắc, núi Tượng về phía Đông Bắc, núi Trọc nằm ở giữa thị trấn Thoại Sơn và xã Vọng Thê, núi Sập ở phía Đông. Gò Óc Eo cách chân núi Ba Thê khoảng hơn 1km về phía Tây Nam. Dấu vết của con kênh cổ, gọi là Lung Lớn (đường nước trung tâm của thành thị Óc Eo), nối liền hai di chỉ Óc Eo và Nền Chùa vẫn còn đậm nét trên hiện trường.

Xưa kia, Óc Eo là một thương cảng nằm trên bờ Lung Lớn, có vòng thành bằng đất, hào nước xung quanh dạng chữ nhật, dài 3km (hướng Đông Bắc - Tây Nam), rộng 1,5km. Lung Lớn chạy xuyên qua trục dọc của thành phố theo hướng Đông Bắc - Tây Nam, với tiền cảnh của nó là Nền Chùa - cách 15km về hướng Tây Nam, và đổ ra Vịnh Thái Lan.

Hiện nay ở Nam bộ còn lại các kiến trúc cổ đền tháp, di tích cư trú kiểu nhà sàn kéo dài dọc sông rạch, di tích cư trú trên các giồng gò cao giữa đồng bằng (nhiều nơi đã thành phế tích)... Các cuộc khai quật đã tìm thấy dấu tích khoảng 30 “đường nước cổ” là các kênh đào ngang dọc ở vùng tứ giác Long Xuyên. Các kênh đào này được coi là thành quả nhân tạo đầu tiên về lịch trình mở mang kênh đào ở vùng ĐBSCL. Hệ thống kênh đào này tiện lợi cho giao thông đường thủy, lợi dụng thủy triều ra vào cảng Óc Eo, vừa là hệ thống thủy lợi thoát nước trong mùa nước nổi ở Đồng bằng sông Cửu Long. Tại đây khảo cổ học đã phát hiện những cổ vật quý giá, nhiều di vật như tượng thờ ngay trong các di tích đền tháp, mộ táng, vật dụng phục vụ sinh hoạt vật chất, sinh hoạt tinh thần tồn tại ngay trong địa tầng văn hóa (in-situ)...

Gần đây, trong ba đợt khai quật liên tiếp từ năm 2004 đến nay, trên diện tích trên 400m2, các nhà khảo cổ đã thu được gần 50 ngàn hiện vật, rất đa dạng về chủng loại và phong phú về loại hình. Xét về chất liệu số hiện vật này gồm đồ gốm, đồ đá, đồ kim loại và đồ xương. Những hiện vật đó thuộc nền văn hóa Óc Eo. Miền Tây Nam bộ là vùng đất phù sa trẻ, nhưng đã có một lịch sử hàng nghìn năm mang tính nhân văn và nhân sinh. Qua khảo sát và nghiên cứu địa tầng, cổ vật cho thấy: Để có thể tồn tại và phát triển, cư dân Óc Eo - điển hình là tại tiểu vùng thượng châu thổ - đã tạo dựng một lối sống thích hợp với những điều kiện đặc thù, biết và dám chấp nhận khai thác những mùa nước nổi, nước lên theo chu kỳ hàng năm để mang lại nguồn lợi cho mình. Đặc điểm nổi bật của cư dân văn hóa Óc Eo là lối cư trú trên nhà sàn ven hệ thống sông rạch tự nhiên và nhân tạo, hoặc chọn các gò, giồng cao xây dựng những trung tâm sinh hoạt tinh thần, mở rộng khu vực xung quanh làm nơi cư trú, tiến đến mở rộng địa bàn canh tác. Cư dân cổ đã duy trì và phát triển cuộc sống này, trở thành một “truyền thống” thể hiện qua hệ thống di tích kiến trúc và những di vật khảo cổ có niên đại từ đầu Công nguyên đến thế kỷ X - XII.

Đồng Tháp Mười (phần đất thuộc Đồng Tháp và Long An) có những địa danh nổi tiếng này đều bắt nguồn từ tên gọi một khu di tích phân bố trong vùng trung tâm của Đồng Tháp Mười: Khu di tích Gò Tháp thuộc thời kỳ văn hóa Óc Eo, trong đó di tích Gò Tháp. Gò Tháp cao hơn mặt ruộng xung quanh khoảng 3,8m, diện tích chừng 4.500m2. Từ những cuộc khảo sát của L.Malleret đã phát hiện trên gò có nhiều gạch và hàng chục khối đá lớn, yoni, cột... (như 3 cột lớn bằng đá hoa cương mặt cắt ngang hình vuông cạnh 0,48m, dài 1,56m, 1,10m và 1,42m, một đầu có chốt đầu kia có mộng để ghép nối theo chiều cao). Dấu tích rõ ràng nhất là kiến trúc gạch dài 17,30m theo hướng Đông - Tây, rộng 12m (Bắc - Nam), cạnh bẻ góc, đối xứng hai phần Bắc - Nam, cho thấy kiến trúc khá quy mô và có liên quan đến nhiều kiến trúc khác xung quanh. Di vật gồm những mảnh gốm bình ấm có vòi, một số mảnh vỡ của Yoni, tượng Visnu, khuôn đúc, đặc biệt có 2 tượng Visnu rất đẹp tuy không nguyên vẹn.

Trong vùng Đồng Tháp Mười còn lưu chứa các địa tầng khảo cổ thể hiện cảnh quan môi trường sinh sống của con người từ thời xa xưa, mà một trong những dấu tích điển hình là khu di tích Gò Tháp. Khu di tích Gò Tháp được biết đến từ những năm cuối thế kỷ XIX và vào những thập kỷ đầu thế kỷ XX, một số nhà nghiên cứu người Pháp đã đến đây khảo sát và công bố những phát hiện quan trọng về một số dấu tích kiến trúc cổ, tượng thờ, bia đá và văn tự cổ... Từ sau năm 1975 khu di tích này được các nhà khảo cổ học Việt Nam đặc biệt quan tâm, đã tiến hành khảo sát, đào thám sát và khai quật nhiều lần. Đến nay, có thể nhận biết quy mô và tính chất của khu di tích Gò Tháp gồm 3 loại hình là di chỉ cư trú, di tích kiến trúc và di tích mộ táng.

Ngoài những phát hiện của các học giả Pháp, có những nghiên cứu mới từ sau năm 1975.

Nhiều cổ vật của Văn hóa Óc Eo còn được phát hiện tại di chỉ cư trú Gò Minh Sư, đã được các nhà nghiên cứu tổ chức khai quật 3 lần. Dấu tích cư trú phân bố dưới chân gò và rộng khắp cánh đồng thấp xung quanh. Người ta tìm thấy trong di chỉ nhiều di vật đá, đồ đất nung gồm mảnh ngói, tượng khỉ, dấu ấn, mảnh phù điêu, vòi yoni... Đồ gốm khá phong phú, có tới hơn 18.000 mảnh, gồm các loại bình, vò nồi, nhiều mảnh lớn có thể phục nguyên được, có lẽ đây là những hiện vật nguyên vẹn đã bị sụp vỡ. Nhóm hiện vật vàng ở Gò Tháp có đến 321 mảnh, chạm khắc hình tượng các vị thần, linh vật, hoa văn... Từ các cứ liệu C14, văn khắc và tiếu tượng học những mảnh vàng này đã cho biết niên đại của chúng không đồng nhất, thể hiện ảnh hưởng từ nền văn hóa Ấn Độ trong thời gian khá dài, từ TK IV - V trước Công nguyên đến TK V sau CN.

Khu di tích Gò Tháp nổi tiếng với các pho tượng Phật bằng gỗ - di vật đặc trưng của nghệ thuật Phật giáo trong văn hóa Óc Eo. Tuy phần lớn tượng Phật gỗ được phát hiện ngẫu nhiên trong khi đào đìa, làm ruộng nhưng số lượng lớn, sự phong phú và đa dạng về kích thước và kiểu dáng vừa phản ánh sự tiếp thu các ảnh hưởng của nghệ thuật mới, vừa bộc lộ nét bàn địa chân chất, giản dị trong chất liệu tạc tượng là nguồn nguyên liệu gỗ dồi dào tại chỗ. Chất liệu gỗ mù u làm nên các pho tượng này vừa bền vững đồng thời vẫn thỏa mãn được sự sáng tạo, tính đa dạng của nghệ nhân Óc Eo, tạo nên phong cách nghệ thuật độc đáo ở đây. Thế kỷ V - VII là thời kỳ phát triển rực rỡ của điêu khắc Phật giáo bản địa mà sưu tập tượng Phật bằng gỗ ở vùng Đồng Tháp là một minh chứng.

Tại di tích Linh Sơn Nam (Ba Thê - An Giang) trong cuộc khai quật của trường Viễn Đông bác cổ và Trung tâm Khảo cổ học Viện KHXH TPHCM cũng xuất lộ vò chứa than tro nhưng đơn lẻ và có tính chất khác biệt về hình thức chôn cất cũng như niên đại so với di tích mộ táng ở Gò Minh Sư.

Hình thức cư trú theo mùa của cư dân xưa thể hiện khá trên các đồi gò thấp bên cạnh các lạch trũng nhỏ và quá trình bồi đắp để mở rộng diện tích sử dụng là một đặc điểm phổ biến của giai đoạn văn hóa Óc Eo ở đây. Bên cạnh các di vật Óc Eo điển hình, một số di vật ngoại nhập còn có những mảnh gốm có đặc điểm của thời tiền sử, cho thấy di tích này trong khu di tích Gò Tháp không chỉ là một trung tâm văn hóa Óc Eo phát triển, có mối quan hệ rộng rãi với thế giới bên ngoài mà còn có lịch sử phát triển lâu đời hơn những gì đã biết đến nay.

Ngoài di chỉ cư trú ở chân Gò Minh Sư, trong khu di tích Gò Tháp còn có một số di chỉ khác như Miếu Bà chúa Xứ, Đìa Phật, Đìa Vàng, khu mộ Đốc Binh Kiều, một vài gò nhỏ xung quanh... trong các di chỉ này tìm thấy vết tích bếp lửa, mảnh gốm ám khói, than củi, phế thải bếp núc, xương trâu bò, vỏ dừa, hạt lúa, trái cây, gỗ có vết gia công, nhiều cọc gỗ nhà sàn, đặc biệt nhiều tượng Phật bằng gỗ và có dấu hiệu của một xưởng thủ công chuyên chế tác loại tượng này... Niên đại của những di chỉ cư trú này kéo dài từ thời kỳ Tiền sử muộn đến thời kỳ văn hóa Óc Eo. Cùng với những di chỉ cư trú khác trong vùng Đồng Tháp Mười thuộc tỉnh Long An, nhóm di chỉ cư trú ở khu di tích Gò Tháp đã mang lại nhiều tư liệu mới để tìm hiểu về chủ nhân văn hóa Óc Eo.

Các cuộc điều tra và khai quật còn ghi nhận dấu tích của nhiều con kinh đào cổ từ khu vực di tích này tỏa đi nhiều di tích khác trong Đồng Tháp Mười như Gò Đế, Gò Hàng, Gò Bảy Liếp, Đìa Tháp, Gò Vĩnh Châu A. Gần đây, qua các đợt khai quật khảo cổ học, các nhà nghiên cứu còn phát hiện nhiều khu đất giồng có lưu trầm ẩn tích nhiều di chỉ, hiện vật thời văn hóa Óc Eo ở Giồng Nổi (Bến Tre) và một số nơi khác. Trên địa bàn Long An có tới 100 di tích văn hóa Óc Eo với 12.000 hiện vật, đặc biệt là quần thể di tích Bình Tả, gồm ba cụm di tích: Gò Xoài, Gò Đồn và Gò Năm Tước. Ở Tiền Giang, các nhà khảo cổ đã phát hiện nhiều hiện vật văn hóa Óc Eo ở Gò Thanh (huyện Chợ Gạo). Di tích này được Bộ VHTT công nhận Di tích quốc gia (Quyết định số 3211 QĐ/BT ngày 12-12-1994)... Rất cần đi sâu và mở diện nghiên cứu về nền văn hóa Óc Eo ở vùng ĐBSCL. Theo nhà nghiên cứu khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu: Nhiều thế kỷ qua, dù có những thay đổi về kinh tế-xã hội từ thế kỷ VII, nhưng sau đó cuộc sống của cư dân cổ ĐBSCL vẫn tiếp diễn trong sự thích ứng cao nhất với điều kiện tự nhiên và bằng sự duy trì truyền thống (vật chất, tinh thần) của văn hóa Óc Eo. Do vậy, phạm vi niên đại của văn hóa Óc Eo nên chăng cần mở rộng hơn, đến khoảng thế kỷ X - XII, có thể và cần phải chia làm nhiều giai đoạn để nhìn nhận sự phát triển đa tuyến nhưng liên tục từ cội nguồn văn hóa thời Tiền sử ở Nam bộ mà không cần thiết sử dụng khái niệm “hậu Óc Eo” - một khái niệm cho đến nay chưa có được sự đồng thuận của các nhà khoa học về nội hàm và giới hạn niên đại của nó.

• BÙI VĂN BỒNG (khảo lược)


Tài liệu tham khảo:

1- Một số thông tin về Văn hóa Óc Eo - (Tài liệu số 2(11) của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam.

2. Văn hóa Óc Eo và các văn hóa cổ ở Đồng bằng sông Cửu Long. Sở Văn hóa Thông tin An Giang. Long Xuyên, 1984.

3. Văn hóa Óc Eo những khám phá mới (Lê Xuân Diệm - Đào Linh Côn - Võ Sĩ Khải. NXB Khoa học xã hội, 1995).

4. Văn hóa Đồng bằng Nam bộ (di tích kiến trúc cổ). Võ Sĩ Khải. NXB Khoa học xã hội, 2003.

Chia sẻ bài viết