24/07/2021 - 10:58

Di sản trăm năm 

Nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh cố GS.TS. Trần Văn Khê (24-7), một cuộc thi tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp âm nhạc của ông đã được tổ chức, thu hút đông người tham gia. Qua đây, những di sản âm nhạc mà GS. Trần Văn Khê để lại càng được phát huy giá trị và cho thấy sự ngưỡng vọng của thế hệ hôm nay dành cho ông cũng như cho âm nhạc dân tộc.

GS.TS. Trần Văn Khê tại Festival Đờn ca tài tử quốc gia - Bạc Liêu 2014.

GS.TS. Trần Văn Khê tại Festival Đờn ca tài tử quốc gia - Bạc Liêu 2014.

Ban Tổ chức cuộc thi “Tìm hiểu về GS.TS. Trần Văn Khê và âm nhạc truyền thống Việt Nam” gồm: Ths. Nguyễn Quốc Thệ (Hiệu trưởng Trường Trung cấp Y Dược Vạn Hạnh), TS. Thái Huy Phong (Chủ tịch Tập đoàn sức khỏe Việt), nhà báo Lương Hoàng Hưng (Tổng Biên tập Tạp chí Sở hữu Trí tuệ & Sáng tạo) và Ths. Nguyễn Hiếu Tín (Trưởng Bộ môn Du lịch - Trường Đại học Tôn Đức Thắng). GS.TS. Trần Quang Hải - con trai trưởng của cố GS.TS. Trần Văn Khê - được mời làm chủ tịch hội đồng giám khảo cuộc thi này.

Cuộc thi dành cho những người mến mộ GS. Trần Văn Khê, từ 16-70 tuổi, khuyến khích học sinh, sinh viên và người làm lĩnh vực văn hóa - du lịch. Người dự thi có thể giới thiệu, chia sẻ, cảm nhận về cuộc đời và sự nghiệp của GS. Trần Văn Khê cũng như những đóng góp lớn lao của ông trong việc nghiên cứu và quảng bá âm nhạc truyền thống Việt Nam ra thế giới. Ngoài ra, người dự thi giới thiệu, chia sẻ, cảm nhận về một hình thức âm nhạc truyền thống Việt Nam hoặc một nhạc cụ dân tộc.

Đến nay, cuộc thi đã nhận được hàng trăm bài dự thi, đều có sự đầu tư công phu, kỹ lưỡng. Trong đó, phần nhiều người dự thi là các bạn trẻ, cho thấy sức lan tỏa của bậc trí huệ trăm năm và cũng là tín hiệu vui cho âm nhạc dân tộc. Mỗi người một tình cảm, một góc nhìn, một cảm nhận, phác họa chân dung GS. Trần Văn Khê qua những giai điệu dân tộc.

Thí sinh Hồ Nhựt Quang tìm nghiên cứu về cố Giáo sư với “giá trị lời ru truyền thống”. Tác giả chia sẻ rằng: “Thú thật, vào trước năm 1995, tôi chưa thể hiểu lời hát ru quý giá thế nào, may mắn, tôi đã được GS.TS. Trần Văn Khê - người từ Pháp về Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh giảng cho sinh viên chúng tôi nghe về văn hóa nghệ thuật truyền thống Việt Nam, trong đó có hát bội, đờn ca tài tử và cải lương, nghệ thuật khóc và cười trên sân khấu…và đã có nói về giá trị lời hát ru trong thai giáo: “Sữa nuôi phần xác, hát nuôi phần hồn!”.”. Sau khi khái quát lại cuộc đời và những quan niệm của GS. Trần Văn Khê về tác động của hát ru trong quá trình “thai giáo”, tác giả kết bài: “Thầy đã về với thiêng liêng nhưng giá trị lời hát ru và văn hóa nghệ thuật dân tộc vẫn sống mãi trong lòng chúng tôi”.

Còn với thí sinh Nguyễn Phúc Hậu đến từ Trường Đại học Sư Phạm TP Hồ Chí Minh, tác giả chiêm ngắm lại cuộc đời của cố Giáo sư với khái quát “Con người mang nặng chữ tình” với “Một tiếng tơ đồng vạn tiếng thương!”. Tác giả dành những dòng viết trân trọng để nói về sự nặng tình của GS. Trần Văn Khê với quê hương, với nguồn cội và âm nhạc dân tộc. Ngoài ra, bài dự thi còn gây ấn tượng với phần thuyết trình về ý nghĩa của văn hóa Việt Nam qua các cổ bản cải lương.

Cũng từ nguồn mạch cảm xúc ấy, các tác giả dự thi đã nhắc lại công lao to lớn của GS. Trần Văn Khê qua những góc nhìn trong từng loại hình âm nhạc dân tộc cụ thể, như: bài chòi, chầu văn, cải lương, đờn ca tài tử, dân ca... Rốt cùng sau những bài dự thi là sự ngưỡng vọng và tri ân.

Một cuộc thi nhỏ nhưng nhận được sự quan tâm lớn từ người mộ điệu. Mới hay rằng, trăm năm trí huệ còn mãi ngàn năm, yêu kính GS. Trần Văn Khê cũng là yêu kính âm nhạc dân tộc vậy!

Bài, ảnh: DUY KHÔI

Chia sẻ bài viết