19/06/2022 - 13:08

Dì Mộng 

Truyện ngắn: LÊ QUANG TRẠNG

 

Mấy cục đất má chơi chán từ hôm qua, nên giờ bà đang đòi bó rơm làm em bé. Ở giữa phố xá, biết tìm đâu ra rơm cho má chơi. Nhìn má mình đang giãy tử trên nền gạch, dì Mộng la lên: “Má phá vừa thôi má ơi!”. Bà dừng giãy giụa, mếu máo cố nén nước mắt lại trên mi, nhìn đứa con gái mình như ánh nhìn của một đứa trẻ dành cho mẹ. Lúc đó dì Mộng vẫn không tin vở kịch ngược ngạo này diễn ra ngoài đời thật, mà nhân vật là mình và má, chứ có xa lạ gì đâu…

Bà vẫn thường hay nói với dì Mộng mỗi lúc tỉnh táo hiếm hoi: “Con gái ở vậy má nuôi, lấy chồng làm chi cho khổ”. Hồi xưa nghe câu đó, dì khoái chí tung hứng theo: “Nhà mình giàu vầy, mắc chi con lấy chồng cho cực”. Ba má dì Mộng có giang bán buôn. Mấy mươi năm dành dụm mua hai căn nhà phố làm của cho hai đứa con. Anh lớn lấy vợ ra riêng, dì không lấy chồng, ở vậy nuôi ba má nên được đặc cách hưởng hai phần ba gia tài.

Chẳng may ba dì Mộng qua đời sau khi chia của không lâu, anh của dì cũng bệnh mất sau đó, để lại vợ trẻ con thơ. Chị dâu của dì bước sang ngang khi đứa cháu mới lên ba. Từ đó hai nhà như có nhiều khoảng cách. Đứa cháu lớn lên đi học xa nhà, ít khi lui đến thăm nhà nội. Có đoạn đứa cháu vô tình gặp dì Mộng khi đang du lịch ở Hà Giang, tới khi hai cô cháu nhận ra nhau, cháu hỏi tỉnh bơ: “Mới mấy năm sao cô Út già dữ vậy”. Có lẽ cháu không ác ý đập đổ tòa lâu đài độc thân vui tính của dì, nhưng từ hôm đó dì nhận ra mình không còn trẻ nữa. Bước chân leo núi về đau nhức thâu đêm, tóc bạc và rụng nhiều, những lần trang điểm phải mất nhiều thì giờ hơn để làm nhòe những vết chân chim in hằn trên trán.

Dạo hai má con dì Mộng còn tươi khỏe, lâu lâu dì rủ má du lịch vài hôm, ai nhìn vào cũng thấy căn nhà này phơi phới yêu đời. Gặp đứa nào sắp dựng vợ gả chồng, dì Mộng đều gặng giọng dặn dò: “Suy nghĩ cho thiệt kỹ nghen”. Để minh chứng cho lời dặn đó, dì sẽ kể chuyện mình ngủ nướng đến mười giờ không sợ má chồng nào rầy, tiền muốn mua gì mua không phải chắt mót tã sữa cho con, áo quần cho chồng. Lâu lâu lại rủ má mình đi du lịch, muốn đi đâu thì đi. Đám trẻ thích thú, có đứa đem dì ra làm thần tượng. Nhưng chẳng được bao lâu lại nghe đứa này lấy chồng, đứa kia có bầu, dì lắc đầu: “Tụi bây dở quá”. Lụi hụi lại đi ăn cưới con ông xe ôm quen, hoặc con bà bạn học cũ, dì lại thêm lần lắc đầu ngao ngán: “Hụi này coi như đóng chết chứ không hốt bao giờ”. Má dì Mộng bảy mươi sáu tuổi nghe câu đó, thở dài: “Nói được thì ráng làm cho được”.

Phải chăng bởi lẽ đó nên bà đã quyết liệt can ngăn khi một bữa trời mưa tối trời thúi đất, dì Mộng đột ngột nói rằng mình yêu ông xe ôm tốt bụng. Câu chuyện yêu đương ở tuổi năm mươi thật bất ngờ. Một bữa dì đi góp hụi về, trời mưa trơn trợt, xe ôm ngã dọc đường. Đưa dì vào viện, mặc dù tay chân trầy trụa nhưng ông ấy vẫn xông xáo lo cho dì từng muỗng cháo. Đã vậy còn về nhà nấu cơm giùm cho bà, nuôi hai người, một già yếu một bệnh tật ròng rã cả tuần liền. Người hiền, thật thà, cô độc. Hỏi sao không thương cho được. Bà khuyên: “Suy nghĩ cho thiệt kỹ nghen”. Dì Mộng cười, nhưng con lỡ yêu rồi, biết phải làm sao? Dì bỏ mặt lời của má và đám em cháu trẻ hay đùa: “Cuối cùng dì cũng bị sét đánh, thấy chưa?”. Đến với người yêu, dì như trẻ thêm nhiều tuổi nữa.

Má dì không chấp nhận, dì thuê một căn trọ bên ngoài. Đi đi về về cho bà vui, mà tình yêu cũng được chăm tưới. Chuyện tình cũng có lúc buồn lúc vui, lâm ly hạnh phúc đủ mùi cho đến hai năm thì ông xe ôm - bây giờ lái taxi - trở mặt. Dì vừa khóc vừa chạy về nhà ùa vào lòng má, coi như tiền của bấy lâu ba để lại đi theo gió theo mây. Không hờn trách, không chửi mắng, dì Mộng kết thúc mối tình cái rụp.

Nhìn dì, những bà bạn cảm thán: “Mầy mạnh mẽ đến khâm phục”. Nhưng đâu ai biết rằng những khi đêm về, dì khóc lóc ướt cả gối. Má của dì biết, nhưng không nói nhiều sợ con gái bị quê. Nhà có hai bóng người vào ra đụng mặt, cố nói chuyện gì vui mà sao thấy ai cũng cười gượng, thảm sầu.

Má dì Mộng bước qua tuổi chín mươi, một bữa té trong nhà tắm, sau đó thần trí đâm ra lẫn lộn. Bà quay về với tuổi thơ hồi lên ba lên bốn, lâu lâu nửa đêm trở giấc, khoái chí bà hát đồng dao: “Chị kéo kẹo, em đòi ăn, chị lăng xăng, em đánh chết”. Ban đầu dì Mộng giật mình thức sợ, nhưng sau dần thành quen, bà có đọc hết cuốn truyện Kiều dì cũng ráng dỗ vô giấc ngủ. Ở tuổi này mất ngủ kinh niên, chợp mắt được lúc nào hay lúc đó.

Sự chịu đựng đó không được bao lâu thì dì Mộng đâm ra quạu. Nhất là những khi má dì vừa ăn cơm vừa phun phèo phèo đầy trên sàn gạch. Tìm người giúp việc đến nuôi nấng bà, nhưng được không quá ba hôm là họ lại trốn mất tiêu, bỏ luôn tiền công mấy bữa không đòi. Dì Mộng biết, mình là con ruột mà nuôi má còn muốn khùng, nói chi người khác. Vả lại với số tiền còn lại, đâu thể nào thuê người ta mười triệu một tháng. Tiền nào thì công nấy, trả lương có hạn thì họ chạy là phải rồi. Ức chế, dì gọi cho đứa cháu, bảo rằng hôm nào rảnh về thăm bà nội, ở chơi và giữ bà giúp vài hôm để dì đi đây đó khuây khỏa. Đứa cháu đến thăm, ngó cảnh nội ngồi chơi đất tèm lem, nó sợ đến mức len lén trốn về lúc dì Mộng vẫn còn đang soạn đồ vô ba lô dang dở…

Bỏ phịch cái ba lô trước má đang nắn con trâu đất, vừa giận cháu, dì Mộng vừa thấy viễn cảnh của mình hai mươi năm sau chẳng khác má chút nào. Nghĩ vậy dì bỗng đâm ra sợ, bà còn có mình chăm, còn tới mình ai chăm cho được. Dì tự nhiên khóc ròng hu hu như đứa trẻ, bà nhìn con gái rồi bỗng khuyên: “Ở vậy, má nuôi, con đừng có lấy chồng”. Nghe câu huyền thoại ấy, dì lại khóc thêm lần nữa.

Một bữa chị dâu đến thăm má, dì mừng quá, năn nỉ chị chịu khó giữ bà dùm vài giờ, dì đi công chuyện. Dì đến viện dưỡng lão hỏi xem thủ tục thế nào. Nhưng đi khắp hết năm nơi, mất nguyên ngày ròng rã, người ta đều trả lời rằng nơi đây chỉ nhận người hoàn toàn cô đơn, không nhà, không con cháu. Riêng dì có nhà, có cháu thì nên tìm đến viện dưỡng lão dịch vụ của tư nhân. Dì tạt qua một viện tư mới mở đẹp đẽ xanh tươi, cầm bản chi phí về, dì không dám mở ra xem lần nữa. Đếm thầm, nếu bán căn nhà, chưa chắc sống được ở chỗ đó mười năm. Nghĩ cho phần còn lại của đời, dì rùng mình.

Một bữa phát hiện mình bắt đầu quên nhiều quá, khi đội cái nón trên đầu mà cứ đi vòng vòng tìm kiếm, dì đâm ra sợ. Nghĩ đến đứa cháu ruột duy nhất của mình, tuy còn giận nhưng biết làm sao, nén cơn giận xuống gọi cho nó, rủ rê đến nhà để mong giữ chân lại được.

Đứa cháu cũng nghĩa tình, nó lui đến nhiều hơn khi thấy căn nhà có hai người đàn bà răng đã rụng đi gần hết. Một bữa cháu đến cùng với người yêu, dì ngó tới ngó lui rồi níu tay đứa cháu ra sau dặn: “Suy nghĩ cho thiệt kỹ nghen”. Đứa cháu quả quyết: “Ảnh nói ảnh thương con còn hơn thương má ảnh”. Dì ừ ừ mà thấy thằng con trai nói ra câu đó chắc chắn sẽ làm tương lai cháu dì bầm dập.

Những đêm đứa cháu vắng nhà, nằm trằn trọc bên má đang chơi trò cút bắt với cái bóng của mình, nghe con thằn lằn tặc lưỡi trên tấm la phông, dì thấy nỗi sợ của mấy mươi năm qua dồn vào trước mắt và đứa cháu. Nghĩ suy mãi mà không biết khuyên dạy nó ra sao.

Một bữa đứa cháu về nhà, tay cầm bó bông hồng bầm dập đớn đau. Cháu không khóc mà dì bỗng khóc ròng. Lau nước mắt cho bà cô, đứa cháu không biết vì sao cô lại ám ảnh chuyện chồng con và sự cô độc đến như vậy. Trong cơn tỉnh táo hiếm hoi cuối đời, má của dì Mộng cũng khóc nghẹn ngào. Đứa cháu lại lau nước mắt cho bà nội. Bà bỗng cười rồi ra đi lặng lẽ sau đêm đó. Lúc này thì đứa cháu cũng khóc. Hai dì cháu ôm nhau vừa khóc vừa lau nước mắt cho nhau. “Không sao, con sẽ nuôi Út như Út đã nuôi bà nội vậy, sáng mai con đi làm, Út ở nhà nấu cơm, làm sao mà mình không sống nổi chứ”… Lời đó của đứa cháu, như tưới xanh lại dì. Nhìn ra phía cửa nhà, hình như có hơi ấm dậy lên từ cây trường sanh vừa vươn lên sau cơn mưa dầm hôm qua...

Chia sẻ bài viết