11/01/2013 - 13:52

Đi lên non ngắm băng tuyết

Trập trùng Mẫu Sơn.

Vài năm gần đây, nhờ hiện tượng băng giá mà cái tên Mẫu Sơn được biết đến như một địa danh nổi tiếng trong bản đồ du lịch Lạng Sơn. Nhiều người đến Mẫu Sơn trong những ngày mùa đông khắc nghiệt nhất chỉ để xem băng tuyết – một hiện tượng hiếm hoi đối với cư dân vùng nhiệt đới như Việt Nam.

Xuất phát từ thành phố Lạng Sơn đi 15 cây số rẽ theo quốc lộ 4B hướng Lạng Sơn – Lộc Bình đến ngã ba Mẫu Sơn. Từ đây du khách sẽ phải chinh phục đoạn đường lên núi dài 15 cây số gian nan mà đầy hùng vĩ với những khúc cua uốn lượn gấp khúc liên tục, đến những tay lái cừ khôi nhất cũng chỉ đi với tốc độ 15 – 20 cây số/giờ để đảm bảo an toàn. Dọc hành trình với một bên là vách núi dựng đứng còn bên kia vực sâu thăm thẳm, tạo nên một vẻ đẹp hoang sơ, kỳ vĩ. Những người yêu cái đẹp sẽ không thể kềm lòng khi bắt gặp hoa rừng mơn man cùng gió trong ánh nắng vàng, những đám mây vờn núi… Đôi khi, xa xa dưới chân thung lũng ta lại thấy đồng bào dân tộc Dao đỏ đang cặm cụi cày cuốc trên thửa ruộng bậc thang. Bên con đường quanh co, gập ghềnh là những nền biệt thự, nhà nghỉ cổ từ thời Pháp thuộc.

Mẫu Sơn bao gồm một quần thể hơn 80 ngọn núi lớn nhỏ, nằm trên địa bàn 3 xã thuộc hai huyện Cao Lộc và Lộc Bình (tỉnh Lạng Sơn). Mẫu Sơn được ví như "Sa Pa thứ hai của Việt Nam". Gần 100 năm trước, người Pháp đã phát hiện ra Mẫu Sơn như một viên ngọc được giấu kín giữa rừng già và biến đỉnh núi này thành khu du lịch nghỉ dưỡng lý tưởng. Ngày nay, vẫn còn những dấu tích, phế tích của những công trình cũ cùng các công trình tôn tạo được bảo quản kỹ lưỡng để khai thác du lịch.

Hệ thống núi non ở Mẫu Sơn được đặt tên như một "gia phả": núi Cha, núi Mẹ, núi Con, núi Cháu… và xa nhất là núi Chóp - hình chiếc nón khổng lồ. Theo người dân địa phương, những tên gọi này xuất phát từ truyền thuyết về một câu chuyện gia đình của người Dao: sự hiểu lầm của người cha đã dẫn đến cái chết của người mẹ. Tuy nhiên, với lòng thành và ăn năn hối cãi, Thượng Đế cho gia đình được ở gần bên nhau khi chết đi. Những thành viên trong gia đình khi tuổi già hóa thành một ngọn núi. Trong đó, ngọn cao nhất là núi Cha, kế đến là núi Mẹ và các núi Con, núi Cháu. Núi Chóp nằm thoi loi một mình là hiện thân của chàng Chóp Chài, mang ơn người phụ nữ bị chồng nghi oan. Chàng lo lắng và thương xót cho số phận người phụ nữ này nên đến khi chết đã biến thành một ngọn núi hướng về đại gia đình hơn 80 ngọn núi Mẫu Sơn.

* * *

Mẫu Sơn mỗi mùa đẹp một vẻ. Vào mùa đông, nhất là những ngày có băng tuyết, Mẫu Sơn được bao phủ bởi một màn trắng tinh khiết, thật tráng lệ. Nhiều người mê chụp ảnh đã kỳ công lên đây. Khi nghe dự báo nhiệt độ xuống thấp, khả năng xuất hiện băng tuyết thì tức tốc lên đường. Đường lên đỉnh Mẫu Sơn đã được hình thành cách đây khoảng 80 năm và được tu bổ, sửa chữa nhiều lần. Ngày nay, du khách có thể lên đỉnh Mẫu Sơn bằng xe gắn máy, ô tô. Nếu đi bộ, băng đường rừng, mất khoảng 5-6 giờ để lên đến đỉnh. Dù đường xe thuận tiện nhưng không ít người vẫn thích cảm giác chinh phục đỉnh Mẫu Sơn trên đôi chân mình để trải nghiệm.

Mẫu Sơn với những công trình, kiến trúc xưa cũ đặt hài hòa trong không gian núi rừng tạo sự thi vị. Mấy ngày qua, nhiệt độ ở Mẫu Sơn dao động ở mức 10C hoặc thấp hơn. Băng tuyết bám trên vách đá, hàng rào tạo những họa tiết trong suốt như pha lê, hút hồn du khách. Sương và mưa đọng lên lá cây, lá cỏ cũng bị đóng băng. Cây cối, hoa cỏ nhưng được phủ lên một lớp pha lê trắng lôi cuốn du khách từ các vùng miền xa xôi đặt chân đến vùng đất này. Dự báo từ nay đến trước Tết Nguyên đán, có nhiều đợt không khí lạnh tràn về. Điều đó đồng nghĩa với băng tuyết sẽ kéo dài thu hút dòng người đổ xô đến chiêm ngưỡng.

Càng lên gần tới đỉnh, mây xuất hiện càng nhiều. Leo được đến đỉnh Mẫu Sơn, ai cũng cảm thấy mệt nhoài nhưng vẫn cố leo lên chòi cao nhất trên đỉnh để mắt được chiêm ngưỡng toàn vùng, không những thế, còn có thể nhìn thấy cả thành phố Lạng Sơn và sông Kỳ Cùng uốn lượn. Sau đó, du khách có thể đi xuống các bản làng khám phá nền văn hóa thôn bản còn nguyên sơ của đồng bào dân tộc Dao, ngắm những "rừng" đào, "rừng" trà, những thửa ruộng bậc thang, phong cảnh của vùng núi cao trù phú và hoang sơ. Trên đỉnh núi hiện còn dấu tích một ngôi đền bằng đá. Người Dao bản địa vẫn tin đó là ngôi đền thờ người Mẹ trong câu chuyện oan tình thời xưa do người Cha lập nên để thờ vợ mình sau xuống tay giết chết vợ chỉ vì sự nghi kỵ. Vì thế, nơi đây không chỉ là địa điểm du lịch thú vị mà còn là nơi tín ngưỡng của người dân địa phương.

Mẫu Sơn là nơi sinh sống của các dân tộc Dao, Tày, Nùng nên văn hóa rất phong phú, tạo sự hấp dẫn, tò mò cho du khách. Sau một ngày chinh phục con đường uốn lượn, vượt bao con đèo, con suối để chinh phục Mẫu Sơn thì chọn cách tắm lá thuốc của người Dao là thượng sách. Hàng chục loại lá rừng được mang về nấu thành nước ấm. Khách vào bồn nước ngâm chừng khoảng 15-30 phút là lấy lại sinh lực như thể chưa hề vượt qua đường xa đầy gian nan. Heo bản, dê núi, ếch hương, trà Shan Tuyết, rượu gạo… là những món ẩm thực không nên bỏ qua khi đến khám phá vùng đất này.

Bài, ảnh: LIÊN NGỌC

Trập trùng Mẫu Sơn.

Chia sẻ bài viết