05/11/2014 - 20:51

Đem lại sự tiện ích, phục vụ tốt yêu cầu của người dân

Là năm thứ hai thực hiện chủ đề năm: “Cải cách hành chính, huy động mọi nguồn lực, hướng về cơ sở”, đến nay, các cấp, các ngành trên địa bàn TP Cần Thơ đã gặt hái được nhiều kết quả nổi bật. Lãnh đạo các địa phương, sở ngành ngày càng quyết tâm đẩy mạnh thực hiện công tác cải cách hành chính, qua đó, góp phần mang lại diện mạo mới cho đơn vị mình. Nhiều mô hình mới cũng được các địa phương mạnh dạn đầu tư, thực hiện và bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực, tạo sự đồng tình ủng hộ trong nhân dân. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã bộc lộ một số khó khăn, hạn chế rất cần được ngành chức năng quan tâm, tháo gỡ…

* Nhiều mô hình hay

Mô hình thực hiện liên thông các thủ tục hành chính (TTHC) về đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế (cấp mới, cấp đổi và cấp lại) cho trẻ em dưới 6 tuổi và đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú được thực hiện thí điểm tại UBND xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ đến nay đã tiếp nhận và giải quyết 30 hồ sơ (trong đó: lĩnh vực đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp bảo hiểm y tế trẻ em dưới 6 tuổi là 27 hồ sơ và Đăng khai tử - xóa đăng ký thường trú là 3 hồ sơ). Cái hay của mô hình này là người dân chỉ cần một lần đến Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả (TN&TKQ) của UBND xã nộp hồ sơ và theo giấy hẹn đến nhận kết quả là có đầy đủ giấy khai sinh, thẻ bảo hiểm y tế và đã được nhập tên vào sổ hộ khẩu…

Công chức Bộ phận TN&TKQ của UBND thị trấn Cờ Đỏ trả kết quả cho công dân. 

Ông Nguyễn Văn Hải, ở xã Nhơn Ái, cho biết: “Mô hình này ra đời đã tạo ra nhiều tiện ích cho người dân, như: Người dân không phải đi lại nhiều lần, nhiều cơ quan khác nhau, giảm tối đa chi phí. Ngoài ra, việc người dân đi thực hiện TTHC chỉ cần đến duy nhất một cơ quan quản lý nhà nước nộp hồ sơ và nhận kết quả tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả sẽ giảm thiểu tối đa tình trạng nhũng nhiễu, phiền hà và gây khó khăn cho người dân”. Theo ông Trương Minh Tâm, Trưởng Phòng Nội vụ của UBND huyện Phong Điền, việc tổ chức mô hình này sẽ tạo nên những chuyển biến đáng kể trong công tác quản lý dân cư, đặc biệt là sự liên thông trong quản lý dân cư giữa UBND xã và Công an huyện.

Vừa qua, UBND TP Cần Thơ đã ban hành Quyết định số 2707/QĐ-UBND (ngày 24-9-2014 quy định thực hiện liên thông các TTHC về đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế (cấp mới, cấp đổi và cấp lại) cho trẻ em dưới 6 tuổi và đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú trên địa bàn thành phố. Hiện nay, các địa phương đã triển khai thực hiện quyết định này, nhằm mang lại sự tiện ích cho người dân khi liên hệ với chính quyền thực hiện các TTHC có liên quan…

Sau thời gian thực hiện chủ đề năm, các sở ngành, địa phương đã cơ bản hoàn thành các việc đề ra trong kế hoạch. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước như: Phần mềm Một cửa điện tử và áp dụng chữ ký số đã giúp các cơ quan tiết kiệm được nhiều thời gian và chi phí trong việc phát hành văn bản. Đồng thời, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ hành chính cho tổ chức, cá nhân. Ngoài ra, lãnh đạo các địa phương, đơn vị ngày càng quyết tâm thực hiện công tác cải cách hành chính, qua đó, góp phần mang lại diện mạo mới cho đơn vị mình. Nhiều mô hình mới cũng được các địa phương mạnh dạn đầu tư, thực hiện và bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực như: Mô hình đánh giá công chức bằng phần mềm và mô hình camera quan sát tại Bộ phận TN&TKQ của UBND quận Ô Môn; mô hình người dân hướng dẫn thủ tục hành chính cho người dân ở quận Ninh Kiều…

* Tháo gỡ khó khăn

Theo Sở Nội vụ TP Cần Thơ, tỷ lệ số lượng văn bản gửi qua thư điện tử hoặc phần mềm Quản lý văn bản đạt khoảng 50% tổng số văn bản phát hành của thành phố. Đa số các đơn vị vận hành tốt phần mềm quản lý văn bản, điều hành. Tuy nhiên đến nay, vẫn còn một số đơn vị chưa sử dụng hoặc sử dụng rất hạn chế phần mềm này. Từ ngày 1-3-2013 đến 1-6-2014, toàn thành phố đã phát hành 113.873 văn bản bằng chữ ký số, tiết kiệm trên 97 triệu đồng chi phí văn phòng phẩm và cước phí bưu điện trong phát hành văn bản.

Về thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, đến nay, thành phố có 13 sở, ngành và quận Ô Môn đã tổ chức triển khai, thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, với tổng số thủ tục là 87 (trong đó, cấp sở là 82 thủ tục và quận Ô Môn là 5 thủ tục). Theo kế hoạch của UBND thành phố, năm 2014, sở, ngành sẽ triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 đối với 5 TTHC, cấp quận là 3 TTHC. Tuy nhiên đến nay, nhiều sở ngành, quận, huyện chưa áp dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3.

Ở các địa phương, đơn vị sau thời gian thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 đã bộc lộ một số hạn chế. Đó là số lượng tổ chức, cá nhân thực hiện hồ sơ trực tuyến rất ít, thậm chí có nhiều đơn vị không có hồ sơ nào, chủ yếu là tiếp nhận và giải quyết hồ sơ theo hình thức truyền thống. Nguyên nhân của tình trạng này là do trình độ về tin học của người dân còn hạn chế; người dân còn tâm lý e ngại khi thực hiện nộp hồ sơ trực tuyến… Nói về giải pháp khắc phục tình trạng trên, ông Phạm Văn Nhỏ, Trưởng Phòng Cải cách hành chính, Sở Nội vụ TP Cần Thơ, cho biết: Thời gian qua, chúng tôi đã phối hợp với Trung tâm Văn hóa thành phố xây dựng kịch bản, biểu diễn trong các chương trình thông tin cổ động của thành phố ở các xã, thị trấn về thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3. Ngoài ra, các địa phương, đơn vị cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức khác nhau, nhằm nâng cao nhận thức của tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện hồ sơ trực tuyến, góp phần tiến tới xây dựng thành công mô hình “Chính phủ điện tử - Công dân điện tử”, từng bước hiện đại hóa nền hành chính, phục vụ tổ chức, cá nhân ngày càng tốt hơn…

Bài, ảnh: Chấn Hưng

Chia sẻ bài viết