01/11/2008 - 08:15

Để tôn giáo luôn đồng hành và phục vụ lợi ích quốc gia dân tộc

TRẦN MINH TƠN
Viện Chiến lược và Khoa học công an, Bộ Công an

(Tiếp theo và hết)

Tất cả vì lợi ích quốc gia, dân tộc trong thời kỳ đổi mới

Đánh giá cao những đóng góp của cộng đồng các tôn giáo trong lịch sử và vai trò, vị trí của tôn giáo, tín ngưỡng trong thời kỳ mới, Đảng ta khẳng định: “Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta”(4). Trong khi đó, đồng bào theo đạo và các nhà tu hành chân chính cũng luôn nhận thức rằng, tôn giáo chỉ tồn tại và phát triển được khi dân tộc độc lập, quốc gia được thống nhất, đất nước ổn định và phát triển phồn vinh. Đồng bào theo đạo đang đoàn kết cùng cả dân tộc thi đua trên mọi lĩnh vực của cuộc sống và trên mọi nẻo đường của đất nước, thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Dưới ánh sáng đường lối đổi mới của Đảng, các tôn giáo được tự do hoạt động và có nhiều phát triển mới, được đồng bào theo đạo và cộng đồng quốc tế thừa nhận.

Các tôn giáo tiếp tục được phát triển tổ chức, chức sắc và tín đồ cả về số lượng và chất lượng. Đến nay, đạo Phật có gần 10 triệu tín đồ, trên 33.000 tăng ni; Công giáo có gần 6 triệu tín đồ, 3 tổng giáo phận, 25 địa phận, trên 2000 giáo xứ, trên 6.000 nhà thờ và gần 15.000 giáo sĩ; các tôn giáo khác đều có sự tăng trưởng vượt bậc.

 Một lớp phổ cập dạy chữ Khmer ở vùng Bảy Núi, tỉnh An Giang do các nhà sư đảm nhiệm. Ảnh: KIM SARY

Các sinh hoạt tôn giáo được tôn trọng và diễn ra ngày càng trang nghiêm và được đảm bảo an ninh tối đa; nhiều cơ sở thờ tự được nâng cấp, cải tạo và xây mới. Chỉ tính riêng lĩnh vực đào tạo các chức sắc, Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện đã có 3 học viện Phật giáo, 30 trường trung cấp, gần 40 lớp sơ cấp; Giáo hội Công giáo có 6 đại chủng viện với trên 1.000 chủng sinh theo học; Viện Thánh kinh thần học của đạo Tin Lành ở Thành phố Hồ Chí Minh đã đào tạo, bồi dưỡng giáo lý cho gần 300 mục sư truyền đạo; đã có trên 2.500 chức việc, chức sắc Đạo Cao Đài được đào tạo, bồi dưỡng giáo lý...

Các tôn giáo được tự do mở rộng hợp tác quốc tế, tăng cường giao lưu, học hỏi kinh nghiệm và góp phần vào sự giao lưu văn hóa, hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc, động viên bà con Việt kiều về xây dựng quê hương, đất nước. Các tôn giáo của Việt Nam đã mở rộng quan hệ thân hữu với nhiều tổ chức tôn giáo các nước trong khu vực Đông Nam Á, Tây Âu, Mỹ, Canada...; tham dự nhiều cuộc hội thảo quốc tế, làm việc, thăm viếng và trao đổi kinh nghiệm hoạt động tôn giáo với các tổ chức tôn giáo quốc tế... Quan hệ đối ngoại của các tôn giáo đã góp phần giúp quốc tế hiểu rõ hơn quan điểm, chính sách tự do tôn giáo của Đảng và Nhà nước Việt Nam, và sự thật về sinh hoạt tôn giáo ở Việt Nam.

Ngoài ra, trong thời gian vừa qua, cộng đồng các tôn giáo đã có những đóng góp to lớn, chung vai gánh vác những công việc của xã hội, đặc biệt là công tác từ thiện nhân đạo giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, tham gia xóa đói nghèo, chia sẻ nỗi đau khổ, mất mát của đồng bào bị thiên tai, tai nạn rủi ro... Cả nước đã có trên 2.000 cơ sở hoạt động từ thiện của tôn giáo (đạo Phật có 1.076 cơ sở, Thiên chúa giáo có 1.007 cơ sở...) bao gồm các lĩnh vực khám, chữa bệnh cho người nghèo, nhà trẻ, mẫu giáo, lớp học tình thương... Đó là những đóng góp đáng được ghi nhận.

Đảng và Nhà nước đang tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh toàn diện các biện pháp chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội nhằm không ngừng nâng cao đời sống tinh thần và vật chất của đồng bào có đạo và tạo mọi điều kiện để các tôn giáo hoạt động tự do trong khuôn khổ pháp luật, phù hợp với điều kiện của nước nhà, đi lên theo nhịp độ phát triển chung của cả dân tộc. Đảng và Nhà nước luôn luôn mong muốn và đảm bảo rằng, mọi người dân Việt Nam trên khắp miền đất nước, không kể thành phần, tôn giáo, tín ngưỡng đều được chung hưởng thành quả của công cuộc đổi mới.

Để tạo điều kiện cho các tôn giáo chấn hưng, hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, luôn đồng hành và phục vụ lợi ích tối cao của dân tộc trong điều kiện nước ta hội nhập ngày càng sâu vào đời sống quốc tế, các cấp, các ngành cần thực hiện có hiệu quả những nội dung công tác sau:

Một là, tăng cường giáo dục nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên về tôn giáo, chống cách nhìn nhận lệch lạc về tôn giáo. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các chức sắc tôn giáo, đồng bào theo đạo và các tầng lớp nhân dân nắm và hiểu đúng, đầy đủ quan điểm, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về tôn giáo; nâng cao cảnh giác trước âm mưu, phương thức, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch; động viên bà con theo đạo yên tâm sống “tốt đời, đẹp đạo”, cùng cả dân tộc dốc lòng thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội, công bằng, dân chủ, văn minh”.

Hai là, tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về tôn giáo; tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hệ thống chính sách, pháp luật về tôn giáo, tạo điều kiện để các tôn giáo hoạt động đúng với mục đích tôn giáo, tôn trọng và chấp hành pháp luật; nâng cao năng lực cán bộ quản lý nhà nước về tôn giáo và cán bộ dân vận, nhất là nâng cao kiến thức về tôn giáo, trình độ xử lý các tình huống, kinh nghiệm vận động quần chúng.

Ba là, quan tâm phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phát triển kết cấu hạ tầng, xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ở các địa bàn có đông người theo đạo, vùng có đông người dân tộc thiểu số, vùng núi, biên giới và các xã, thôn, bản, ấp, phum, sóc đặc biệt khó khăn.

Bốn là, tập trung giải quyết, xử lý dứt điểm các vụ việc khiếu kiện có liên quan đến tôn giáo, không để dây dưa, kéo dài dẫn đến khiếu kiện tập thể có thể gây ra các hậu quả không tốt về chính trị - xã hội. Điều tra, xử lý nghiêm minh những tổ chức, cá nhân lợi dụng chức quyền, cố tình vi phạm đường lối, chính sách về tôn giáo, có hành vi xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân chức sắc tôn giáo và tín đồ theo đạo làm suy giảm lòng tin vào Đảng, Nhà nước.

Năm là, các cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác đấu tranh chống hoạt động lợi dụng tôn giáo, dân tộc, nhân quyền chống Đảng và Nhà nước và ngăn chặn, xử lý nghiêm minh trước pháp luật các tổ chức tà đạo, các hành vi truyền đạo trái phép hoặc lợi dụng tôn giáo để hoạt động chống phá, đi ngược lại lợi ích, quốc gia, dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Kiên quyết đập tan mọi âm mưu xuyên tạc sự thật về tự do tôn giáo ở Việt Nam, lợi dụng vấn đề tôn giáo để phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kích động gây rối an ninh, can thiệp vào công việc nội bộ của nước ta, xâm phạm chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội của các thế lực thù địch.

Sáu là, tăng cường hợp tác quốc tế, mở rộng các hoạt động đối thoại, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa Nhà nước Việt Nam và các tổ chức tôn giáo quốc tế, các quốc gia và các tổ chức quốc tế có quan tâm đến tôn giáo, dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam; cùng nhau giải quyết những bất đồng trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, vì sự phát triển tự do tôn giáo, lợi ích của mỗi bên và hoà bình, an ninh thế giới.

Dù ở đâu đó vẫn còn những tiếng nói lạc lõng, xấu xa, cố tình xuyên tạc sự thật về sinh hoạt tôn giáo ở Việt Nam, nhưng đông đảo đồng bào có đạo và các vị chức sắc tôn giáo chân chính vẫn vững tin vào tương lai, chấn hưng đạo trong sự nghiệp đổi mới của đất nước. Tôn giáo cần luôn luôn đồng hành cùng dân tộc và vì dân tộc.

Theo Tạp chí Cộng sản Điện tử

-----------------------------

(4) Văn kiện Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương khóa IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003, tr 48.

Chia sẻ bài viết