02/11/2009 - 21:01

Để thư viện trong trường học phát huy hiệu quả

Học sinh Trường THPT Châu Văn Liêm trong phòng thư viện. Ảnh: L.G 

Văn hóa đọc rất quan trọng để con người tiếp thu, mở rộng kiến thức của mình. Chính vì vậy, thư viện luôn gắn liền với trường học. Những năm gần đây, cùng với cơ sở vật chất trường lớp, thư viện trường học cũng được quan tâm đầu tư, đáp ứng nhu cầu học, đọc của học sinh, giáo viên. Hiện nay, toàn thành phố có 78,83% thư viện trường học đạt chuẩn. Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả của các thư viện, vẫn còn nhiều vấn đề phải quan tâm.

Cơ sở khang trang, nguồn sách phong phú

Năm học 2008-2009, thư viện Trường Tiểu học Vĩnh Trinh 2, huyện Vĩnh Thạnh, chỉ là một phòng cây tôn tạm bợ, tối và ẩm thấp, không có chỗ cho học sinh, giáo viên ngồi đọc. Có thể nói, thư viện của trường lúc ấy chỉ là một kho chứa sách nhưng cũng không đảm bảo các điều kiện để bảo quản sách nên ngành giáo dục huyện cũng không dám cung nhiều sách về cho trường. Vì vậy, hầu như không giáo viên, học sinh nào muốn vào thư viện đọc sách. Ông Đoàn Ngọc Nghiễu, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vĩnh Trinh 2, nói: “Nhiều năm qua, trường không thể đầu tư xây dựng thư viện vì thiếu phòng”. Đây cũng là một trở ngại khiến trường không thể đạt danh hiệu trường tiên tiến dù luôn đạt, vượt chỉ tiêu đề ra trong công tác dạy và học cũng như công tác phong trào.

Đầu năm học 2009-2010, Hội đồng Sư phạm Trường Tiểu học Vĩnh Trinh 2 quyết định lấy một phòng học bán kiên cố để sửa chữa, nâng cấp, xây dựng thành thư viện đạt chuẩn. Trường cũng vừa được tổ chức phi chính phủ Room to Read tài trợ sửa chữa một phòng đọc, trang bị tủ sách mini và hơn 1.000 đầu sách truyện tranh do chính tổ chức Room to Read xuất bản với hình thức đẹp, phù hợp với lứa tuổi học sinh tiểu học. Ông Đoàn Ngọc Nghiễu phấn khởi cho biết: “Ngay ngày đầu tiên đưa sách về, khi thư viện mở cửa, học sinh ùa vào, ngồi kín nền gạch. Có lẽ chưa bao giờ học sinh của trường được tiếp xúc với nhiều sách như thế”.

Thư viện của Trường THCS phường Trường Lạc, quận Ô Môn, cũng có nguồn sách phong phú do được Nhà xuất bản Giáo dục tài trợ hơn 100 triệu đồng. Em Nguyễn Thị Hòa, học sinh lớp 8 của trường, kể: “Con thích vào thư viện đọc sách để biết được nhiều cái hay, cái mới. Nhà con không cho tiền mua sách nên con chỉ có thể đọc sách ở thư viện thôi”. Đối với học sinh ở khu vực ngoại thành, thư viện trường học và nguồn sách từ thư viện trường học đóng vai trò rất quan trọng trong việc mở mang, nâng cao kiến thức bởi phần lớn các em hoàn cảnh gia đình khó khăn, không có điều kiện mua sách. Chị Nguyễn Thị Nhân, nhà ở xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền, kể: “Tôi có 3 đứa con, đứa lớn học lớp 6, đứa kế học lớp 4 và đứa nhỏ nhất học lớp 2. Gia đình tôi thuộc hộ nghèo, con đi học được miễn học phí nên các cháu mới có điều kiện đến trường. Các con tôi đều rất mê đọc sách nhưng sách mắc quá, làm gì tôi có tiền mua nổi cho con. Trường có thư viện, rất đỡ cho học sinh nghèo”.

Cần xây dựng văn hóa đọc

Có thể nhận thấy, những năm gần đây, thư viện trường học đã được đầu tư khang trang hơn, nguồn sách cung về cho trường cũng phong phú hơn. Theo Phòng Kế hoạch Tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Cần Thơ, khi trường chuẩn bị xong phòng ốc thư viện, sách sẽ được cung đến ngay. Chỉ trong năm 2008, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Cần Thơ đã cung cấp cho các thư viện trường học hơn 2,5 triệu bản sách giáo khoa, gần 30 ngàn bản sách giáo viên và 150 ngàn bản sách các loại.

Mặc dù vậy, thực tế hoạt động cho thấy nhiều thư viện trường học chưa tạo được lực hút mạnh mẽ đối với học sinh, giáo viên. Về phía giáo viên, nguyên nhân ít đến thư viện mà nhiều giáo viên nêu ra là: không có thời gian, thư viện không có các loại sách phù hợp với ý thích... Ông Nguyễn Văn Đàng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trung Hưng 1, huyện Cờ Đỏ, phân tích: “Giáo viên tiểu học dạy 2 buổi/ ngày rất cực, tối còn phải soạn giáo án. Vì vậy, không còn thời gian rảnh để đọc sách”. Trường Tiểu học Trung Hưng 1 qui định mỗi tuần giáo viên phải dành một buổi đọc sách nhưng giáo viên vào thư viện có đọc sách hay không thì Hiệu trưởng trường cũng thừa nhận rằng khó mà biết chính xác được.

Về phía học sinh, nhiều em suốt năm học chưa một lần đến thư viện. Em Nguyễn Minh Q., học sinh Trường THCS Thị trấn Phong Điền, cho biết: “Em không thích đọc sách nên rất ít khi vào thư viện”. Trong những nguyên nhân mà học sinh đưa ra, có một nguyên nhân rất đáng lưu ý: ngán ngại vào thư viện vì thủ thư khó khăn, quạu quọ khi học sinh nhờ tìm sách... khiến không khí nặng nề. Điều này cho thấy lực lượng thủ thư trong trường học chưa được quan tâm đúng mức. Nhiều nơi, thủ thư là giáo viên thừa ở các bộ môn hoặc giáo viên không đủ năng lực giảng dạy được chuyển sang làm công tác thư viện. Với tâm lý làm việc như vậy, làm sao thủ thư có thể góp phần khơi gợi niềm ham mê đọc sách của đồng nghiệp, của học sinh. Mặt khác, theo nhiều giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, học sinh không thích đọc sách bởi hiện có nhiều kênh thông tin, nhiều phương tiện giải trí, như: truyền hình, mạng internet... Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thới Lai, nhận xét: “Ở các trường hiện nay, văn hóa đọc cũng như nhu cầu đọc còn rất hạn chế. Thậm chí nhiều giáo viên cũng không thấy được hiệu quả của việc đọc sách”.

Đọc sách rất quan trọng, không chỉ trau dồi kiến thức khoa học, xã hội cho học sinh mà còn rèn luyện kỹ năng, nâng cao khả năng sử dụng ngôn ngữ- một kỹ năng thiết yếu cho dù sau này học sinh học tập, làm việc ở lĩnh vực nào đi nữa. Chính vì vậy, bên cạnh những nỗ lực xây dựng thư viện đạt chuẩn, bổ sung nguồn sách, cần xây dựng văn hóa đọc cho học sinh. Khi học sinh say mê đọc, chủ động tìm đến sách thì mới có thể phát huy được hiệu quả thực tế của thư viện, chứ không phải đầu tư hàng trăm triệu đồng xây dựng thư viện đạt chuẩn chỉ nhằm đủ tiêu chí để công nhận trường đạt danh hiệu này, danh hiệu nọ!

HÀ THANH

Chia sẻ bài viết