20/08/2009 - 07:31

Để nông thôn không còn "đói" thông tin

ĐBSCL đóng góp trên 50% sản lượng lúa, 70% sản lượng trái cây và 80% sản lượng thủy sản của cả nước. Tuy nhiên, đời sống của đại bộ phận nông dân ĐBSCL vẫn còn khó khăn so với nhiều vùng trong cả nước. Giúp nông dân ĐBSCL tiếp cận với thông tin khoa học công nghệ (KHCN) sẽ góp phần đáng kể vào phát triển kinh tế, giảm nghèo; đồng thời, chuẩn bị tốt cho tiến trình hội nhập. Chính vì vậy, xây dựng mạng thông tin KHCN khu vực ĐBSCL là đề xuất chung của nhiều địa phương trong vùng tại Hội thảo báo cáo kết quả đề tài “Nghiên cứu cơ sở khoa học xây dựng mạng thông tin KHCN vùng ĐBSCL” vừa được tổ chức tại TP Cần Thơ.

Thiếu cả chất lẫn lượng

“Thực trạng, nhu cầu và giải pháp cung cấp thông tin KHCN khu vực ĐBSCL”- do Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL điều tra- là một trong những nội dung của đề tài “Nghiên cứu cơ sở khoa học xây dựng mạng thông tin KHCN khu vực ĐBSCL”. Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Đệ- Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Phát triển, trực thuộc Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL- đánh giá: “Đại bộ phận người dân nông thôn vẫn chưa thể tiếp cận các thông tin một cách cần thiết, đầy đủ, đặc biệt là ở khu vực vùng sâu vùng xa, nơi mà cơ sở hạ tầng còn quá yếu kém, đời sống kinh tế khó khăn, trình độ dân trí thấp, trình độ học vấn không cao...”.

Phổ cập kiến thức tin học cho nông dân là bước quan trọng để tăng cường thông tin KHCN cho nông thôn. Trong ảnh: Hướng dẫn sử dụng máy vi tính cho nông dân tại Bưu điện thị trấn Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ. Ảnh: LỆ THU 

Kết quả điều tra của nhóm nghiên cứu cho thấy, trong các loại thông tin: kỹ thuật sản xuất, thị trường, đời sống, môi trường, khả năng đáp ứng nhu cầu thông tin về thị trường là thấp nhất. Đó là những thông tin về vật tư nông nghiệp, chất lượng- giá cả- nguồn cung cấp giống, giá cả- nơi tiêu thụ nông thủy sản, điều kiện về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm... Chỉ có 13% ý kiến cho rằng nông dân nắm bắt được thông tin thị trường đầy đủ trong khi có đến 23% ý kiến cho rằng chưa nắm bắt được.

Theo tiến sĩ Nguyễn Ngọc Đệ, kênh thông tin phổ biến đối với người dân nông thôn chính là tivi và hệ thống loa phát thanh công cộng. Điều đáng chú ý là trong khi thông tin từ mạng Internet được đánh giá là cập nhật thường xuyên và rất phổ biến ở khu vực thành thị thì ở nông thôn, tỷ lệ người dân tiếp cận thông tin qua mạng Internet còn rất thấp. Trong tổng số 765 người (ở nông thôn của 13 tỉnh, thành ĐBSCL) được hỏi, chỉ có 5,8% có xem thông tin trên mạng Internet. 4 nguyên nhân chính gây khó khăn cho nông dân trong việc tiếp cận thông tin qua mạng Internet là: nông dân thiếu kiến thức về Internet, mạng không ổn định, chi phí lắp đặt cao, thiếu dịch vụ cung cấp Internet ở nông thôn. Theo kết quả khảo sát, ngoại trừ các xã giáp trung tâm huyện, những xã còn lại của ĐBSCL chỉ có 1-2 điểm truy cập Internet, mỗi điểm truy cập có từ 4-10 máy.

Ông Hà Văn Sơn, Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Vĩnh Long, nhận xét: “Thông tin KHCN đóng vai trò rất quan trọng đối với đời sống, sản xuất của nông dân ĐBSCL. Đưa thông tin KHCN về nông thôn là vấn đề được quan tâm từ nhiều năm qua. Tuy nhiên, có một thực tế là gần như mạnh địa phương nào nấy làm, trong cùng một tỉnh, thành nhưng mạnh ngành nào ngành nấy làm”. Cũng cùng ý kiến với ông Sơn, ông Nguyễn Trung Nhân, Phó Giám đốc Sở KH&CN TP Cần Thơ, cho biết: “Hiện nay, hoạt động thông tin KHCN chưa mạnh và chưa bài bản”. Ở TP Cần Thơ cũng có một số chương trình do Hội Tin học TP Cần Thơ phối hợp với các đoàn thể vận động xã hội hóa để đưa công nghệ thông tin về nông thôn. Tuy nhiên, phần lớn chương trình chỉ dừng lại ở hoạt động đào tạo là chủ yếu mà đào tạo chỉ là bước đầu tiên; tiếp theo còn cần phải xây dựng cơ sở dữ liệu, trang bị máy móc, kết nối mạng... Trong khi đó, ngân sách dành cho phát triển công nghệ thông tin- truyền thông còn rất hạn chế.

Xây dựng và duy trì

Việt Nam đang trong quá trình phát triển và hội nhập mạnh mẽ. ĐBSCL với vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của cả nước, có nhu cầu rất cao về thông tin KHCN, đặc biệt là ở khu vực nông thôn. Tiến sĩ Đỗ Văn Xê, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ, nhấn mạnh: “Khoảng 10- 20 năm nữa, ĐBSCL vẫn phải phát triển dựa trên nông nghiệp là chủ yếu. Vì vậy, yêu cầu quan trọng là áp dụng nghiên cứu khoa học, thông tin thị trường để tăng giá trị nông sản. Mang thông tin KHCN đến cho nông dân là điều rất cần thiết. Hiện nay, với công nghệ ADSL, hệ thống cáp truyền hình, mạng không dây... việc xây dựng mạng thông tin KHCN cung cấp kiến thức cho nông dân mang tính hiện thực rất cao”.

Từ thực tế khảo sát mô hình cung cấp thông tin KHCN ở 5 tỉnh, thành: Bạc Liêu, Vĩnh Long, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh và Bến Tre, ông Vũ Minh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Tư liệu, Sở KH&CN TP Cần Thơ, nêu lên một số vấn đề cần lưu ý khi xây dựng mạng thông tin KHCN khu vực ĐBSCL. Trong đó, có 2 vấn đề đáng chú ý: cơ sở dữ liệu và nguồn kinh phí để duy trì hoạt động của các điểm cung cấp thông tin. Ông Hải cho biết: “Các thông tin trong cơ sở dữ liệu cung cấp đôi khi chưa phù hợp với trình độ của các đối tượng sử dụng và tình hình phát triển kinh tế xã hội của địa phương nên chưa tạo được sức hút hoặc làm giảm dần sức hút đối với nông dân. Dữ liệu cung cấp là dữ liệu “offline”, được tích hợp trong ổ cứng máy tính, nên hạn chế mức độ chia sẻ và cập nhật thông tin cũng như giới hạn khả năng truy cập và khai thác thông tin của cộng đồng”.

Từ thực tế khi thực hiện chương trình “Xây dựng trạm thông tin truyền thông cho các xã”, Phó Giám đốc Sở KH&CN tỉnh An Giang, bà Mai Thị Ánh Tuyết, chia sẻ: “Về trình độ của cán bộ, nông dân, có thể đào tạo bồi dưỡng để nâng cao. Vấn đề là cơ sở dữ liệu. Nhu cầu của người dân rất đa dạng, khó đáp ứng. Người dân có thấy thông tin phù hợp với mình thì họ mới tìm đến điểm cung cấp thông tin”. Ông Nguyễn Trung Nhân, Phó Giám đốc Sở KH&CN TP Cần Thơ, đặc biệt chú trọng đến độ chính xác, tin cậy của thông tin. Ông Nhân nói: “Máy vi tính, nếu có tiền, người dân có thể mua được nhưng thông tin chính xác và có giá trị thì lại là vấn đề khác. Phải có kênh cung cấp thông tin chính thức với nguồn cơ sở dữ liệu được các chuyên gia kiểm định”.

Bên cạnh đó, việc tìm nguồn kinh phí để duy trì hoạt động của các điểm cung cấp thông tin cũng không đơn giản. Thực tế, khi dự án kết thúc, các điểm cung cấp thông tin đều gặp khó trong việc tìm kinh phí để trả lương cán bộ phụ trách, sửa chữa nâng cấp máy móc thiết bị. Theo bà Mai Thị Ánh Tuyết, An Giang xây dựng được rất nhiều điểm truy cập Internet ở nông thôn để cung cấp thông tin KHCN cho người dân nhưng duy trì hoạt động của các điểm này là vấn đề đau đầu. Tỉnh phải thường xuyên rót kinh phí xuống chứ không thể huy động từ nguồn xã hội hóa.

Có thể nói, trạm thông tin KHCN của xã Tân Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, là một trong những mô hình hoạt động xã hội hóa hiệu quả. Trạm được thành lập từ tháng 12- 2005, đặt tại Nhà Văn hóa xã. Ông Võ Văn Tiệp, Trưởng trạm, cho biết: Do điều kiện kinh phí hạn hẹp nên việc cung cấp thông tin miễn phí trực tiếp cho từng người có phần hạn chế. Trạm đã phối hợp với Hội Nông dân xã thành lập Câu lạc bộ Nông dân ứng dụng KHCN nhằm thông qua câu lạc bộ này phổ biến thông tin đúng đối tượng. Câu lạc bộ được chia làm 4 nhóm: nhóm chuyên canh sầu riêng, nhóm chuyên canh chôm chôm, nhóm du lịch xanh, nhóm chăn nuôi. Theo chức năng, từng nhóm thu nhận thông tin từ trạm, phổ biến và hướng dẫn người dân ứng dụng; đồng thời, cung cấp ngược lại cho trạm những mô hình ứng dụng thành công KHCN trong sản xuất để trạm biên tập, phổ biến lại cho nông dân. Ông Tiệp cho biết: “Trạm đã có thể tự tìm kiếm các nguồn thu từ dịch vụ KHCN, như: đào tạo nghề, cho thuê hội trường, tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn... để duy trì hoạt động”.

* * *

Tiến sĩ Đỗ Văn Xê, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ, chủ nhiệm đề tài “Nghiên cứu cơ sở khoa học mạng thông tin KHCN khu vực ĐBSCL”, cho biết: “Đề tài này là cơ sở để Bộ KH&CN quyết định đầu tư thực hiện dự án xây dựng mạng thông tin KHCN khu vực ĐBSCL. Chúng tôi hy vọng sẽ tranh thủ được sự đầu tư của Trung ương- khoảng 4-5 tỉ đồng- để xây dựng mạng thông tin hỗ trợ phát triển sản xuất, nhất là ở khu vực nông thôn”. Đi đôi với sự đầu tư cơ sở hạ tầng, thiết bị của dự án, rất cần những chính sách để người dân nông thôn dễ dàng tiếp cận thông tin KHCN qua mạng Internet, như: giảm cước thuê bao, phổ cập tin học cho nông dân... Đó cũng chính là con đường rút ngắn khoảng cách giàu nghèo, khoảng cách giữa thành thị và nông thôn.

SỸ HUIÊN

Chia sẻ bài viết