30/04/2012 - 20:35

ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

Để nông nghiệp "mặc cả" với thế giới

TP Cần Thơ là đầu mối trong lĩnh vực
tài chính - tiền tệ ở ĐBSCL.

Tín dụng nông nghiệp, nông thôn (NN-NT) đang có vai trò hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn. Thực tế thời gian qua, các tổ chức tín dụng đã khơi thông nguồn vốn vào NN-NT, góp phần thực hiện xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống người dân. Tuy nhiên, tại vùng ĐBSCL, tín dụng NN-NT chỉ chiếm trên dưới 10%, nhưng để nông dân tiếp cận nguồn vốn ý nghĩa này không phải dễ, trong khi Nhà nước chưa đầu tư tương xứng với những đóng góp của ngành NN-NT mang lại. Trong khuôn khổ Triển lãm - hội chợ thành tựu 10 năm xây dựng và phát triển vùng ĐBSCL, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ phối hợp với NHNN Việt Nam tổ chức Hội thảo “Phát triển thị trường tín dụng và dịch vụ ngân hàng vùng ĐBSCL”, nhiều kiến nghị xác đáng được đặt ra tại hội thảo này.

Tiềm năng không được đầu tư tương xứng

Nói về thành tựu và đóng góp của nền nông nghiệp nước ta, ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, chia sẻ: Nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế và tốc độ tăng trưởng tương đối ổn định. Năm 2005, nông nghiệp chiếm tỷ trọng 21% GDP đến năm 2010 tỷ lệ này vẫn ở mức 20,6%; cơ cấu lao động trong nông nghiệp từ 57,1% năm 2005, xuống còn 48,2% năm 2010, và trên 70% dân sống ở nông thôn. Đặc biệt, trong những thời điểm khủng hoảng kinh tế, nông nghiệp nước ta là cơ sở ổn định xã hội, là “phao” an toàn khi kinh tế thế giới biến động...

Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) - Cao Sỹ Kiêm cho rằng, ĐBSCL có nhiều thời cơ thuận lợi và thách thức. Thuận lợi là có vùng sản xuất, có sản lượng rất lớn không nơi nào khác có được, nhất là vai trò ổn định an ninh lương thực trong nước và góp phần cho thế giới. Nông nghiệp là yếu tố phát triển bền vững nhất, bởi “không thể lạm phát mà không ăn”. ĐBSCL tiếp cận cơ chế thị trường sớm, có nhiều kinh nghiệm. Nông dân rất cần cù, nếu trong điều kiện bình thường nông dân vay nợ sẽ trả nợ xòng phẳng, trừ dịch bệnh, thiên tai, thất mùa. Ngược lại, khó khăn ở chỗ, lũ lụt, thiên tai, biến đổi khí hậu, dịch bệnh luôn rình rập; ĐBSCL đầy tiềm năng, nhưng hạ tầng không đồng bộ, dân trí thấp, sức cạnh tranh yếu, giá trị gia tăng của sản phẩm không cao; nông dân cần cù, nhưng sự chấp hành, tiếp cận của họ không cao, các thủ tục ngân hàng thì phức tạp, nên nhà băng “ngại” cho vay!...

Nói về lĩnh vực tài chính, ngân hàng, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Hội đồng thành viên Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam (Agribank), đánh giá cao vùng ĐBSCL là khu vực thị trường sôi động và nhiều tiềm năng, thu hút phần lớn các ngân hàng thương mại đến hoạt động. Sự cạnh tranh giữa các ngân hàng thương mại cũng khá khốc liệt. Đặc biệt, TP Cần Thơ - địa bàn có các tổ chức tín dụng hoạt động đông nhất, với 49 tổ chức, mạng lưới 213 điểm giao dịch, 47 chi nhánh các ngân hàng. Khu vực ĐBSCL có nhiều lợi thế về môi trường đầu tư, vùng nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu rộng lớn, nguồn nhân lực dồi dào, cơ sở hạ tầng, mạng lưới giao thông ngày càng hoàn thiện... Đó là những đặc trưng mà các vùng miền trong cả nước không thể có được.

Nhưng theo Giáo sư Trần Hoàng Ngân, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia (Đại biểu Quốc hội khóa XIII), mỗi khi nền kinh tế gặp khó khăn thì quay về với NN-NT, tuy nhiên tổng vốn đầu tư xã hội cho NN-NT lại giảm dần suốt 20 năm qua. Cụ thể, giai đoạn 1996-2000, đầu tư xã hội cho nông nghiệp chiếm 13,6% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, giai đoạn 2001-2005 còn 8,3% và giai đoạn 2006-2010 chỉ còn 6,4% - như thế là không phù hợp. Còn theo ông Bùi Chí Bửu, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, hiện nguồn vốn tín dụng của ngân hàng chỉ đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu của nông dân. Chính điều này, đã làm cho NN-NT vùng ĐBSCL không thể phát triển nhanh và tăng giá trị gia tăng được, do thiếu vốn đầu tư.

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình, thừa nhận: Nhìn lại 20 năm đổi mới, chúng ta chỉ có mỗi sản phẩm nông nghiệp để thế giới biết đến, và là ngành duy nhất suất siêu, trong đó ĐBSCL đóng góp đến 20% GDP cả nước. Còn các ngành khác phần lớn chúng ta chỉ gia công, không có gì để tự hào với thế giới. Hiện nay, gạo xuất khẩu đứng thứ 2 thế giới, cà phê, thủy sản cũng giữ vị trí này... chúng ta phải tự hào về nền nông nghiệp nước nhà. Đất nước ta rất ổn định được đều nhờ vào nông nghiệp để tính đến những chuyện khác. Tuy nhiên, nông dân ĐBSCL chưa thể làm giàu, do hạ tầng nghèo nàn, quy hoạch còn yếu kém. Chúng ta kêu gọi bà con tăng gia sản xuất bà con ủng hộ, được mùa thì mất giá, do không có hệ thống, cơ chế quản lý, công nghệ chế biến còn hạn chế và vẫn còn trong tình trạng “con trâu đi trước, cái cày theo sau”.

Làm gì để nông nghiệp “mặc cả” với thế giới?

Theo ông Trương Đình Tuyển, mặc dù nhiều mặt hàng nông sản chúng ta đứng nhất nhì thế giới, nhưng trong cán thương mại, sản phẩm chúng ta có giá bán thấp hơn nhiều so với các nước. Chẳng hạn, gạo xuất khẩu đứng vị trí thứ 2, nhưng giá bán thấp nằm ở vị trí thứ 6 trong các nước xuất khẩu gạo; chè (trà) cũng đứng vị trí này; tôm, cà phê xuất khẩu đứng thứ 2 thế giới nhưng giá bán cũng nằm ở vị trí thứ 5 trong các nước xuất khẩu mặt hàng này... “Vốn ngân sách nhà nước chưa tương xứng với mức đóng góp của nông nghiệp so với GDP của ngành này” - ông Trương Đình Tuyển thẳng thắn chỉ ra. Vậy làm gì để cải thiện nông nghiệp nông thôn, nâng cao giá trị gia tăng cho hàng hóa nông sản vùng ĐBSCL?

Ông Cao Sỹ Kiêm đề xuất: “Theo tôi, thời điểm này là thời điểm xoay chuyển cơ bản để khai thác triệt để vùng đất đầy tiềm năng và khó khăn này”. Đó là tập trung giải quyết những bất cập trên để góp phần khắc phục nhanh nhất, nhiều nhất, sớm nhất nhằm nâng chất lượng đời sống thu nhập người dân ĐBSCL. Cần nhanh chóng và có hiệu quả về tái cấu trúc ngân hàng: Hệ thống ngân hàng cơ sở, cần phải lập lại về mô hình phục vụ cho NN-NT; củng cố quỹ tín dụng; xây dựng hệ thống ngân hàng khu vực, có tầm cỡ tương đối đáp ứng vùng. Để thị trường tài chính, vốn có điều kiện phát triển tại vùng này, đảm bảo quản lý cho cả nông dân, cả ngân hàng không bị rủi ro, đó là phát triển bảo hiểm vật nuôi, cây trồng - đây là cách kinh doanh hiệu quả, an toàn nhất. Đồng thời, phải có sự liên kết từ chính quyền đến doanh nghiệp, ngân hàng, nông dân. Chúng ta phải bỏ ra nhiều đồng vốn thì phải quản cho nó chặt để bảo đảm hiệu quả nhất; nợ xấu ở mức tốt nhất”.

Giáo sư Trần Hoàng Ngân, kiến nghị: Để nâng cao giá trị nông nghiệp, cần phải làm rất nhiều việc, trong đó cần đầu tư nâng cấp hệ thống giao thông, thủy lợi, giáo dục nhanh chóng và đồng bộ; đầu tư nhiều cho công nghệ, giống cây trồng, vật nuôi; hỗ trợ tìm kiếm thị trường, nhất là cây ăn quả (hiện nay thế giới đang dần chuyển sang ăn rau quả nhiều hơn). Nếu Chính phủ có gói hỗ trợ cho nền kinh tế thì hãy dành cho NN-NT ngay bây giờ. Và cần sự quan tâm thỏa đáng hơn của chính quyền địa phương đối với NN-NT ... “Những vấn đề này, với vai trò là đại biểu Quốc hội tôi sẽ tiếp tục có ý kiến kiến nghị trước Quốc hội trong các cuộc họp sắp tới” - Giáo sư Trần Hoàng Ngân khẳng định.

Còn các giải pháp cụ thể trước mắt, Tiến sĩ Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng quản trị Ngân hàng Liên Việt Post Bank, cho biết: Nông dân mới là “ân nhân” thực sự của ngân hàng. Nông dân là người bỏ trứng vào nhiều vỏ. Chỉ có nông dân là người tiết kiệm nhiều. Đầu tháng 5 này, Liên Việt Post Bank sẽ cho vay với lãi suất 13%/năm cho những nông dân đã vay trước đó và đã trả nợ đúng hạn ở những tỉnh Cà Mau, Sóc Trăng, Hậu Giang, Lạng Sơn...

Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia - Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa cho biết, gói sản phẩm, chuỗi giá trị toàn vùng này do NHNN đưa ra rất hấp dẫn, rất lớn. Quan trọng nhất là Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ cần có bộ máy thật sự năng động, có tầm nhìn chiến lược về phát triển cơ sở hạ tầng, tài chính, makerting, đổi mới phương thức hoạt động, thể chế...

Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình, những năm qua, vốn tín dụng tăng 10 lần cho ĐBSCL, cải thiện đời sống nhân dân khu vực này. Từ đất nước đói nghèo, lạc hậu, từ chỗ từ nằm trên vựa lúa mà thiếu lúa, nay là xuất khẩu đứng thứ 2 thế giới, trong đó có sự đóng góp của tín dụng. Tại sao chúng tôi chọn ĐBSCL làm hội thảo này? Bởi vì chúng ta mong muốn đây sẽ là điển hình, NN-NT sẽ làm giàu được. Mục tiêu như vậy, nhưng cần phải có chính sách chung của Chính phủ. Những bất cập trong đầu tư NN-NT ĐBSCL, NHNN, Chính phủ đều đã thấy và sẽ có những bước đột phá trong thời gian tới. Trong đó, cần phải có sự liên kết vùng, cần phải có “nhạc trưởng” trong vấn đề tài chính ngân hàng cho NN-NT, mà vai trò của Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ là để thực hiện nhiệm vụ. Mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã chỉ đạo Thống đốc NHNN làm thành viên Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ để hỗ trợ cấp vốn cho NN-NT vùng ĐBSCL. “Tôi khẳng định, lĩnh vực NN-NT là ưu tiên của NHNN trong nhiệm kỳ này. “Vòi sữa” - vốn dành cho nông nghiệp nông thôn sẽ không thiếu, nhưng chỉ dành cho lĩnh vực cần và phát huy hiệu quả; kiên quyết cắt “vòi sữa” này đối với những lĩnh vực đầu tư nông nghiệp không hiệu quả” - Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình khẳng định tại hội thảo.

Bài, ảnh: THIỆN KHIÊM

TP Cần Thơ là đầu mối trong lĩnh vực tài chính - tiền tệ ở ĐBSCL.

Chia sẻ bài viết