02/03/2011 - 21:37

Đăng ký, đăng kiểm phương tiện thủy nội địa

Dễ, nhưng người dân chưa quan tâm

Đăng ký, đăng kiểm phương tiện thủy nội địa (PT TNĐ) là nhằm đưa phương tiện vào quản lý theo quy định; đồng thời, xác lập quyền chủ sở hữu đối với tài sản. Thời gian qua, ngành chức năng ở TP Cần Thơ đã và đang triển khai, thực hiện nhiều giải pháp, tạo thuận lợi cho người dân thực hiện các thủ tục hành chính về đăng ký, đăng kiểm PT TNĐ theo quy định. Thế nhưng đến nay, công tác đăng ký, đăng kiểm các phương tiện này vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức của người dân còn hạn chế, chưa chấp hành đúng các quy định pháp luật về đăng ký, đăng kiểm PT TNĐ...

Đơn giản hóa thủ tục

Theo Quyết định số 15/2008/QĐ-BGTVT ngày 29-8-2008 của Bộ Giao thông Vận tải quy định về đăng ký PT TNĐ, gồm các loại hồ sơ như: hồ sơ đăng ký phương tiện lần đầu; hồ sơ đăng ký lại phương tiện; hồ sơ cấp lại giấy chứng nhận đăng ký phương tiện; hồ sơ đổi giấy chứng nhận đăng ký phương tiện và hồ sơ xóa đăng ký PT TNĐ, thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Giao thông Vận tải cấp tỉnh. Tương ứng với từng loại hồ sơ đều có thành phần hồ sơ, quy trình, thủ tục và thời gian giải quyết cụ thể. Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện nay, các biểu mẫu, hồ sơ có liên quan đến việc đăng ký PT TNĐ đều được niêm yết công khai tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả của Sở Giao thông Vận tải TP Cần Thơ, người dân tiện nghiên cứu, theo dõi...

Cán bộ Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả Sở Giao thông Vận tải TP Cần Thơ đang tiếp công dân. 

Nhiều năm nay, vợ chồng anh Ngô Văn Hải, nhà ở quận Ô Môn, TP Cần Thơ, kiếm sống bằng nghề mua bán lúa gạo, phương tiện là chiếc ghe có tải trọng khoảng 15 tấn. Được chính quyền địa phương vận động, tuyên truyền, anh Hải tiến hành lập thủ tục đăng ký PT TNĐ theo quy định. Anh Hải nói: “Lúc mới sắm ghe, tôi cứ sợ thủ tục khó khăn và phiền phức, nên chưa dám đăng ký. Bây giờ đi làm thủ tục mới thấy không khó như mình nghĩ. Cái gì không biết hoặc không hiểu, tôi hỏi thì được cán bộ ở đây hướng dẫn tận tình, đến nơi đến chốn, không phải mất thời gian đi tới lui nhiều lần. Nay, chiếc ghe của tôi đã được cấp Sổ đăng kiểm, Giấy chứng nhận An toàn kỹ thuật và Bảo vệ môi trường, Giấy chứng nhận đăng ký PT TNĐ”.

Theo quy trình đăng ký PT TNĐ, đối với các phương tiện thuộc diện phải đăng ký, đăng kiểm, trước hết chủ phương tiện phải làm thủ tục đăng kiểm, để được cấp Sổ đăng kiểm và Giấy chứng nhận An toàn kỹ thuật và Bảo vệ môi trường PT TNĐ. Kế đó, chủ phương tiện đến Chi cục Thuế nơi thường trú để nộp lệ phí trước bạ; sau cùng đến Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả của Sở Giao thông Vận tải thành phố để làm thủ tục đăng ký phương tiện. Sau 3 ngày làm việc, chủ phương tiện được giải quyết trả nhận kết quả Giấy chứng nhận đăng ký PT TNĐ. Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc đi lại, thời gian qua, Trung tâm kiểm định kỹ thuật phương tiện thủy bộ thuộc Sở Giao thông Vận tải TP Cần Thơ đã tổ chức các đợt đăng kiểm lưu động tại các quận, huyện như: Ô Môn, Thới Lai và Thốt Nốt lần lượt vào các ngày 10, 20 và 30 hàng tháng. Ông Huỳnh Văn Thanh, ở quận Thốt Nốt, cho biết: “Làm thủ tục đăng kiểm ghe, thay vì phải đem phương tiện đến Trung tâm kiểm định kỹ thuật phương tiện thủy bộ ở TP Cần Thơ, nhưng nay có cán bộ trực tiếp đến làm việc ở địa phương. Điều này giúp người dân tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại”...

Những khó khăn cần tháo gỡ

Năm 2010, Sở Giao thông Vận tải TP Cần Thơ đã cấp 564 Giấy đăng ký PT TNĐ, đạt khoảng 67% so với kế hoạch năm. Theo ông Hồ Văn Thích, Trưởng phòng Quản lý Vận tải, Phương tiện và Người lái, thời gian qua, mặc dù các cấp, các ngành đã có nhiều cố gắng trong công tác vận động, tuyên truyền, thế nhưng đến nay, vẫn còn một tỷ lệ khá lớn PT TNĐ chưa đăng ký, đăng kiểm theo quy định. Theo số liệu tổng hợp từ cuộc tổng điều tra số PT TNĐ trên phạm vi cả nước vào năm 2007, ở TP Cần Thơ, có khoảng 34.000 phương tiện thuộc diện đăng ký, nhưng không thuộc diện đăng kiểm (như ghe tam bản, vỏ lãi có tải trọng dưới 5 tấn). Nhưng đến nay, chỉ có khoảng 10 phương tiện được đăng ký. Trong khoảng 25.000 phương tiện thuộc diện phải đăng ký, đăng kiểm, đến nay, chỉ có khoảng 6.000 phương tiện đăng ký...

Nguyên nhân của thực trạng trên là do các chủ phương tiện PT TNĐ chưa có sự hiểu biết đầy đủ về trách nhiệm của mình trong việc chấp hành quy định của nhà nước về đăng ký, đăng kiểm phương tiện. Mặt khác, hiện nay thủ tục đăng ký PT TNĐ theo quy định của Quyết định số 15/2008/QĐ-BGTVT, chủ phương tiện cần phải có các loại giấy tờ như hóa đơn nộp thuế trước bạ, hợp đồng mua phương tiện, giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (đối với phương tiện thuộc dạng đăng kiểm). Nhưng thực tế, nhiều phương tiện không đủ các giấy tờ trên, đặc biệt là hóa đơn nộp thuế trước bạ và hợp đồng mua phương tiện... Đây là khó khăn, rất cần được các ngành chức năng tìm giải pháp tháo gỡ...

Để khắc phục tình trạng nhiều PT TNĐ không đăng ký, đăng kiểm khi tham gia giao thông đường thủy nội địa, đồng thời nâng cao hiệu quả của công tác này, theo ông Hồ Văn Thích, bên cạnh việc các cấp, các ngành, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền, thì các ngành chức năng cần tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Từ đó, giúp người dân nâng cao ý thức chấp hành nghiêm những quy định về đăng ký, đăng điểm PT TNĐ...

Bài, ảnh: CHẤN HƯNG

Chia sẻ bài viết