26/10/2009 - 07:41

Tham dự Hội nghị cấp cao Đông Á lần thứ 4, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng:

Đề nghị lập trung tâm giáo dục về môi trường Đông Á đặt tại Việt Nam, đẩy mạnh phòng chống và giảm nhẹ thiên tai

* Việt Nam sẽ đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN từ ngày 1-1-2010
* Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Thủ tướng Ấn Độ

 

 Thủ tướng Nguyên Tấn Dũng phát biểu về việc Việt Nam
đảm nhiệm chức Chủ tịch ASEAN 2010. Ảnh: ĐỨC TÁM-TTXVN

Theo đặc phái viên TTXVN, sáng 25-10, tại Chaam - Hua Hin, Vương quốc Thái Lan, đã diễn ra Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 4 với sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, lãnh đạo các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, New Zealand, Australia.

Tại Hội nghị, các nhà lãnh đạo đều đánh giá khuôn khổ Cấp cao Đông Á đã phát triển tích cực, đặc biệt là giúp tăng cường đối thoại và hợp tác khu vực, vì hòa bình, an ninh và thịnh vượng ở Đông Á. Các nhà lãnh đạo khẳng định quyết tâm tiếp tục đẩy mạnh hợp tác và phối hợp hành động, nhằm sớm vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính hiện nay và phục hồi bền vững sau khủng hoảng. Theo đó, các nhà lãnh đạo hoan nghênh kết quả tích cực của Hội nghị Thượng đỉnh nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) vừa qua; nhất trí cần đẩy mạnh hợp tác khu vực về kinh tế, thương mại, đầu tư, tài chính, hạ tầng giao thông; tiếp tục nghiên cứu khả thi lập Đối tác Kinh tế Toàn diện Đông Á (CEPEA). Các nhà lãnh đạo cũng cam kết đẩy mạnh hợp tác khu vực để đối phó có hiệu quả với những thách thức toàn cầu như an ninh năng lượng và lương thực, môi trường và biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh; đồng thời gia tăng hợp tác về giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực, giao lưu văn hóa và nhân dân.

Kết thúc hội nghị, các nhà lãnh đạo đã ra Tuyên bố Cấp cao Đông Á về kiểm soát thiên tai, và Tuyên bố báo chí chung về việc khôi phục Đại học Nalanda tại Ấn Độ.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh hợp tác trong khuôn khổ Cấp cao Đông Á cần ưu tiên đẩy mạnh hợp tác về giáo dục và đào tạo, phục vụ sự phát triển của nền kinh tế tri thức và đối phó có hiệu quả với các thách thức toàn cầu. Thủ tướng đề nghị các nước có thế mạnh về giáo dục và đào tạo đi đầu thúc đẩy hợp tác và hỗ trợ ASEAN, đặc biệt là các nước đang phát triển như Việt Nam, trong lĩnh vực này. Thủ tướng cũng nêu rõ ý nghĩa của việc gắn kết giữa hợp tác giáo dục và nâng cao nhận thức, ý thức của người dân trong khu vực về các vấn đề cụ thể như phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ môi trường, phòng tránh dịch bệnh... Theo đó, Thủ tướng đề nghị các nước cùng xây dựng một chương trình giáo dục cộng đồng, để nâng cao nhận thức của người dân về nguy cơ thiên tai, chuẩn bị kỹ năng phòng chống và ứng phó với hậu quả thiên tai. Ngoài ra, trước hiện tượng biến đổi khí hậu và nguy cơ nước biển dâng, Thủ tướng cũng đề nghị các nước đối tác tham gia và hỗ trợ việc lập một Trung tâm giáo dục về môi trường Đông Á đặt tại Việt Nam và hỗ trợ Việt Nam thực hiện Chương trình quốc gia về đối phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Cùng ngày, lãnh đạo các nước liên quan đã chứng kiến lễ ký Hiệp định Ưu đãi và Miễn trừ ASEAN; và các Bản ghi nhớ về thành lập Trung tâm ASEAN - Trung Quốc, về Hợp tác trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ và về Tăng cường hợp tác trong lĩnh vực hài hòa hóa các tiêu chuẩn kỹ thuật.

* Tại Lễ bế mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN 15 và các Cấp cao liên quan ở Cha-am - Hua Hin, Vương quốc Thái Lan, cùng việc chính thức công bố Việt Nam sẽ đảm nhiệm cương vị Chủ tịch ASEAN bắt đầu từ ngày 1-1-2010, Thủ tướng cũng khẳng định Việt Nam sẽ quyết tâm và ưu tiên cao nhất để thực hiện thành công trọng trách Chủ tịch ASEAN 2010.

Thủ tướng nhấn mạnh: “Chúng tôi nhận thức rất rõ việc đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN vừa là vinh dự to lớn, song cũng là trách nhiệm nặng nề đối với đất nước Việt Nam. Năm 2010 là năm bản lề quan trọng để ASEAN đẩy mạnh các nỗ lực xây dựng Cộng đồng trong 5 năm còn lại. Đồng thời, đây cũng là năm Hiệp hội cần đẩy nhanh hoàn tất việc đưa Hiến chương vào cuộc sống, tạo cơ sở pháp lý và khuôn khổ thể chế cho Cộng đồng ASEAN. Năm 2010 cũng là mốc đánh dấu 15 năm Việt Nam đồng hành cùng ASEAN và đây thực sự là một trùng hợp thú vị và rất có ý nghĩa đối với chúng tôi. Theo đó, Việt Nam sẽ dành quyết tâm và ưu tiên cao nhất nhằm thực hiện thành công trọng trách này.

Theo hướng đó, chúng tôi đã lựa chọn Chủ đề cho năm 2010 là: “Hướng tới Cộng đồng ASEAN: Từ Tầm nhìn đến Hành động”, thể hiện mục tiêu xuyên suốt của ASEAN trong năm 2010 bằng các hành động cụ thể, đẩy mạnh việc hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN.

Để chuẩn bị khởi động cho năm 2010 và thể hiện chủ đề trên, chúng tôi đã xây dựng Biểu trưng về năm Chủ tịch ASEAN của Việt Nam. Chúng tôi cũng đã lập một website riêng cho năm 2010. Các thông tin cụ thể về công tác chuẩn bị cho năm Chủ tịch ASEAN của Việt Nam sẽ được chúng tôi cập nhật trên website bắt đầu từ thời điểm này”. Thủ tướng cũng thông báo kế hoạch tổ chức các hoạt động chính của ASEAN tại Việt Nam trong năm 2010: dự kiến Cấp cao ASEAN lần thứ 16 sẽ được tổ chức tại Hà Nội tháng 4-2010; Hội nghị Cấp cao ASEAN 17 và các Cấp cao liên quan sẽ diễn ra tại Hà Nội tháng 10-2010.

* Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh.

Tại buổi tiếp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Manmohan Singh đều bày tỏ hài lòng trước quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Ấn Độ phát triển tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực, nhất là trên lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao hợp tác với Ấn Độ trên các lĩnh vực kinh tế, chuyển giao thiết bị, công nghệ và giáo dục đào tạo, đồng thời đề nghị hai bên tiếp tục thúc đẩy triển khai các cơ chế hợp tác sẵn có và thiết lập các cơ chế hợp tác mới.

Thủ tướng Manmohan Singh khẳng định Chính phủ và nhân dân Ấn Độ luôn có tình cảm sâu đậm với Việt Nam và coi trọng quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Ấn Độ. Giới doanh nghiệp Ấn Độ cũng rất quan tâm đến hợp tác kinh doanh và đầu tư tại Việt Nam.

Ngay sau cuộc gặp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Manmohan Singh đã chứng kiến Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ về việc Ấn Độ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường đầy đủ.

Chia sẻ bài viết