15/07/2011 - 15:07

Để Đồng bằng sông Cửu Long phát triển

Trong 10 năm thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW của Bộ Chính trị “về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2001-2010” (viết tắt là NQ21) đã tạo cho ĐBSCL một diện mạo mới về kinh tế - xã hội; quốc phòng an ninh tiếp tục được củng cố, kiện toàn. Tuy nhiên, thực tiễn quá trình thực hiện NQ21 cho thấy, sự phát triển ấy có mặt chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đề ra; chưa tương xứng với tiềm năng và các lợi thế của vùng. Tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 21, do Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ tổ chức ngày hôm qua, 14-7-2011, các đại biểu đã dành nhiều thời gian phân tích nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế; tìm giải pháp, kế sách góp phần vào mục tiêu “chắp cánh” cho ĐBSCL phát triển.

Chưa như kỳ vọng:

Sau 25 năm đổi mới và 10 năm thực hiện NQ21, ĐBSCL ngày càng khẳng định vị thế là vùng chủ yếu đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp hàng hóa của cả nước. Tuy nhiên, mặc dù được Đảng, Nhà nước quan tâm, có nhiều chủ trương, chính sách nhằm hỗ trợ ĐBSCL khai thác các tiềm năng, lợi thế... nhưng ĐBSCL phát triển chưa như kỳ vọng. Kinh tế của vùng phát triển chưa bền vững, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh còn thấp; yếu tố rủi ro còn cao. Chưa khai thác tốt tiềm năng và phát huy hiệu quả các mặt hàng nông sản chủ lực, kinh tế mũi nhọn của vùng, chưa tạo được nhiều thương hiệu mạnh. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nhận xét: “Sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL còn manh mún, tự phát và thiếu tính chuyên nghiệp, thiếu đồng bộ từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm, nên sản xuất không ổn định, bấp bênh, hiệu quả bình quân thấp, chỉ khoảng 35-38 triệu đồng/ha đất canh tác”.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng (thứ 5, từ phải sang) trò chuyện thân mật với đại biểu dự Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị. Ảnh: KIM XUÂN 

Bên cạnh đó, quy mô công nghiệp của vùng ĐBSCL nhỏ, giá trị gia tăng thấp, chủ yếu công nghiệp địa phương. Số doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm đến 80% tổng số doanh nghiệp trên địa bàn. Hệ thống trung tâm siêu thị, trung tâm thương mại hiện đại còn hạn chế. Kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi vùng ĐBSCL tuy được tập trung đầu tư trong các năm qua, nhưng cơ bản vẫn còn yếu, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Một số công trình trọng điểm về giao thông được xác định trong NQ21 như cầu Vàm Cống, tuyến đường cao tốc Trung Lương - Cần Thơ, tuyến đường sắt TP Hồ Chí Minh đi Mỹ Tho, các cảng nằm dọc trên tuyến sông Tiền, sông Hậu; cảng biển Đại Ngãi, Hòn Chông chưa được đầu tư xây dựng; 144 xã chưa có đường ô tô đến trung tâm xã; nhiều công trình trọng điểm chậm tiến độ...

Đánh giá cao những chuyển biến về giáo dục - đào tạo (GD&ĐT) của ĐBSCL, tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận thẳng thắn chỉ ra rằng: “So với các vùng khác, các chỉ số giáo dục - đào tạo và dạy nghề trong vùng còn thấp; chất lượng nguồn nhân lực chưa đạt yêu cầu”. Ông nêu dẫn chứng: Tính đến cuối năm 2010, tỷ lệ huy động học sinh trung học phổ thông của vùng mới đạt 44,3% (bình quân cả nước là 50%). Số sinh viên trên một vạn dân là 135, chỉ đạt 90% chỉ tiêu Quyết định số 20 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển giáo dục - đào tạo và dạy nghề vùng ĐBSCL đến năm 2010. Tỷ lệ đầu tư cho giáo dục - đào tạo và dạy nghề chỉ chiếm 18% tổng chi ngân sách, trong khi quy định là 20%. Về y tế, đến nay, chỉ có 71% xã trong vùng có bác sĩ, thấp hơn khá xa so với chỉ tiêu NQ21 (100%). Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của không ít tổ chức cơ sở đảng trong vùng còn yếu kém; hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước chưa cao. Việc qui hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng cán bộ người dân tộc thiểu số trong hệ thống chính trị còn có mặt bất cập...

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Lương Lê Phương cho rằng: Những tồn tại, yếu kém và hạn chế đó đã tác động trực tiếp đến đời sống của người dân vùng ĐBSCL, vì thế đời sống người dân tuy đã được cải thiện một bước nhưng chưa tương xứng với tiềm năng của vùng và có nguy cơ tụt hậu. Cụ thể: giai đoạn 1999 - 2002, thu nhập bình quân đầu người của vùng ĐBSCL cao hơn mức bình quân cả nước. Nhưng năm 2004 thu nhập của người dân trong vùng chỉ bằng 97,3% và năm 2008 tiếp tục xuống thấp hơn, chỉ còn bằng 94,5% mức bình quân chung cả nước.

Tạo bước đột phá:

Đại đa số các ý kiến tại hội nghị đều thống nhất: Với lợi thế đặc biệt về nông lâm thủy sản và vai trò đảm bảo an ninh lương thực của cả nước, trong thời gian tới, phát triển nông nghiệp vẫn là mặt trận hàng đầu của vùng ĐBSCL. Tuy nhiên, theo ý kiến của ông Nguyễn Hữu Lợi, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Cần Thơ, “là vùng trọng điểm an ninh lương thực quốc gia nhưng Nhà nước chưa có chính sách đồng bộ bảo hộ cho nông dân ĐBSCL sản xuất nông nghiệp và ứng phó biến đổi khí hậu trong tương lai”. Đồng tình với ý kiến này, lãnh đạo nhiều địa phương ở khu vực ĐBSCL cho rằng, để ĐBSCL làm tốt trọng trách của mình, Đảng, Nhà nước cần quan tâm, có cơ chế, chính sách hợp lý để sản xuất nông lâm - ngư nghiệp ở ĐBSCL phát triển. Ông Huỳnh Văn Be, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, nói: “Làm thế nào cho nông nghiệp tốt hơn và đời sống nông dân được nâng lên vẫn đang ở trong vòng lẩn quẩn; điệp khúc “được mùa -mất giá; được giá - thất mùa” vẫn diễn ra thường xuyên. Nông dân vẫn loay hoay với việc trồng cây gì, nuôi con gì để đảm bảo đầu ra ổn định”. Ông Phan Văn Sáu, Bí thư Tỉnh ủy An Giang, mang đến Hội nghị một câu hỏi mà ông không thể trả lời khi bị một nông dân chất vấn: “Tôi đảm bảo an ninh lương thực cho cả nước, vậy Nhà nước có đảm bảo đời sống cho tôi?”.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, để tạo ra sự chuyển biến căn bản trong lĩnh vực nông nghiệp, ĐBSCL cần chú trọng sản xuất với trình độ thâm canh kỹ thuật cao, gắn sản xuất nguyên liệu với công nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm (kể cả xuất khẩu); hạn chế tối đa việc xuất khẩu sản phẩm thô chưa qua chế biến. Phấn đấu đến năm 2015 - 2020 thu nhập bình quân/ha đất canh tác nông nghiệp đạt từ 100 đến 150 triệu đồng. Ông Vinh đề xuất: “Để đạt mục tiêu trên, cần nhân rộng các mô hình như dự án nuôi tôm công nghiệp quy mô lớn và Dự án cụm công nghiệp lúa gạo của Công ty TNHH đầu tư phát triển sản xuất Hạ Long tại tỉnh Kiên Giang hoặc mô hình cánh đồng mẫu lớn tại An Giang...”. Tiến sĩ Nguyễn Văn Sánh (Đại học Cần Thơ), đề xuất vấn đề liên kết vùng ĐBSCL để thực hiện Nghị quyết 26 về nông nghiệp, nông dân và nông thôn (Tam nông). Theo Tiến sĩ Sánh, nông nghiệp, nông dân và nông thôn vùng ĐBSCL sẽ bị áp lực rất lớn trong tiến trình hội nhập kinh tế thế giới và tác động biến đổi khí hậu. Nếu không có giải pháp ngay từ bây giờ thì rất khó tận dụng cơ hội để phát triển “Tam nông” vùng ĐBSCL một cách bền vững trong tương lai. Tạo bước đột phá qua liên kết vùng và tham gia “4 nhà” thực hiện một đề án tổng thể với 5 dự án nhằm phát triển sản xuất lúa - gạo, cây ăn trái, cá da trơn, tôm nước mặn và nâng cao thu nhập nông dân qua đào tạo nghề và cơ chế tổ chức và chính sách hợp lý thực hiện đề án là nền tảng quan trọng góp phần thực hiện chương trình “Tam nông” địa phương hiệu quả hơn.

Cùng với phát triển kinh tế nông nghiệp, vấn đề phát triển giáo dục - đào tạo, nâng cao dân trí cùng ĐBSCL cũng được các đại biểu rất quan tâm. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: “Không phát triển giáo dục thì đừng nói gì đến phát triển kinh tế - xã hội. Các địa phương phải xác định giáo dục - đào tạo là chiến lược chính để phát triển vùng này”. Trước câu hỏi của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ về các giải pháp để “trong vòng 5 năm tới, các chỉ tiêu giáo dục - đào tạo của ĐBSCL phải bằng hoặc cao hơn mức trung bình cả nước, nguồn nhân lực không chỉ đủ đáp ứng thị trường lao động của vùng mà còn cung cấp nhân lực cho vùng miền khác”, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận cho rằng, cần tập trung vào ba nhiệm vụ trọng tâm: “Hoàn thiện mạng lưới trường học, thực hiện kiên cố hóa, chuẩn hóa cơ sở vật chất trường, lớp học ở tất cả các lớp học, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; Đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục và kiểm tra đánh giá”. Theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, dự kiến đến năm 2015, ĐBSCL sẽ nâng cấp và thành lập mới từ 10 đến 12 trường đại học và 11 trường cao đẳng. Tuy nhiên, Nhà nước cần tiếp tục ưu tiên đầu tư cho giáo dục - đào tạo, dạy nghề vùng ĐBSCL, phấn đấu mức chi phí ngân sách cho giáo dục - đào tạo và dạy nghề của vùng đến năm 2015 đạt 20% tổng chi ngân sách nhà nước lĩnh vực này.

Ngoài ra, các đại biểu cũng đề xuất nhiều ý kiến nhằm phát triển và từng bước hoàn thiện hệ thống giao thông, thủy lợi; xây dựng hệ thống chính trị, giữ gìn quốc phòng an ninh trong vùng ĐBSCL và khu vực Tây Nam bộ...

HOÀNG THANH

Chia sẻ bài viết