23/08/2011 - 21:19

Để công tác tuyên truyền thực sự đi vào chiều sâu!

Công tác tuyên truyền phổ biến các chủ trương, chính sách hay nội dung, ý nghĩa, mục đích... của Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM) được xem là công tác quan trọng hàng đầu. Đây là mấu chốt quyết định sự thành công của XDNTM. Tuy nhiên, qua đợt kiểm tra về công tác XDNTM vừa qua, Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM (Ban chỉ đạo) TP Cần Thơ, cho rằng: Việc tuyên truyền XDNTM ở nhiều địa phương vẫn chưa tạo được sự đột phá, mang tính hình thức, chưa tạo được sự đồng thuận cao của dân và toàn xã hội chung tay XDNTM...

Còn nặng hình thức

Trưng bày thành tựu các mô hình chuyển dịch cơ cấu kinh tế huyện Phong Điền tại “Lễ phát động XD xã NTM Mỹ Khánh”. 

Bằng việc tổ chức “Lễ phát động XD xã NTM Mỹ Khánh”, có thể nói, Phong Điền là địa phương của TP Cần Thơ tổ chức công tác tuyên truyền XDNTM sớm nhất và rầm rộ nhất. Đến nay, Phong Điền đã tổ chức nhiều cuộc vận động, tuyên truyền, tập huấn về mục đích, ý nghĩa XDNTM đến trên 9.800 lượt người; vận động được 42 doanh nghiệp ký kết hỗ trợ XDNTM... Dù đạt được kết quả bước đầu nhưng bà Trương Kim Khuyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, cho rằng: Công tác tuyên truyền, vận động về XDNTM trên địa bàn huyện thời gian qua chưa thật sự đi vào dân. Việc tuyên truyền chủ yếu chỉ mang tính giới thiệu về Bộ tiêu chí quốc gia và TP Cần Thơ về NTM... Chính vì thế, đại bộ phận người dân chưa hiểu được ý nghĩa, nội dung, vai trò của mình và những lợi ích của công cuộc XDNTM đem lại cho họ. Điều này khiến việc huy động sức dân, tạo sự đồng thuận của nhân dân trong công cuộc XDNTM chưa cao...

Theo kết quả khảo sát sơ bộ, đến nay, xã Đông Thuận, huyện Cờ Đỏ chỉ đạt 2/20 tiêu chí theo Bộ tiêu chí TP Cần Thơ về NTM. Vừa qua, tại buổi làm việc với xã UBND Đông Thuận, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Đào Anh Dũng, cho rằng: Tiến độ XDNTM của xã rất chậm và còn nhiều lúng túng. Nguyên nhân chủ yếu do cán bộ xã chưa nắm được mục tiêu, ý nghĩa XDNTM; chưa tạo được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân khắc phục khó khăn, XD bộ mặt nông thôn ngày càng khang trang, giàu đẹp... Đây cũng là nhược điểm của nhiều xã XDNTM ở TP Cần Thơ.

Một thực tế khác, do còn nhiều yếu kém trong công tác tuyên truyền nên nhiều địa phương còn lúng túng trong việc phân bổ các nguồn vốn thực hiện. Bởi lẽ, phần lớn cán bộ cơ sở, người dân... hiện vẫn cho rằng: Công tác XDNTM là của Đảng, của Nhà nước nên chưa thật sự tích cực thực hiện các tiêu chí NTM... Tuy nhiên, theo quy định trong XDNTM, cơ cấu vốn là 40% từ ngân sách nhà nước cho các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình có mục tiêu trên địa bàn nông thôn (khoảng 23%) và đầu tư nước sạch môi trường, đường liên thôn (xã), liên xóm (ấp), giao thông nội đồng, hệ thống thủy lợi kênh mương nội đồng... (khoảng 17%). 60% còn lại: 30% địa phương vay của ngân hàng đầu tư sản xuất cho người dân, công trình phúc lợi...; 20% do doanh nghiệp đầu tư và 10% còn lại là từ nguồn của người dân...

Tạo sự đồng thuận

Qua đợt kiểm tra về công tác XDNTM của Thành ủy Cần Thơ ở một số địa phương trên địa bàn thành phố, xã Trung An, huyện Cờ Đỏ được đánh giá cao về tổ chức tuyên truyền.

Ông Trần Quốc Bền, Chủ tịch UBND xã Trung An, cho biết: Trong XDNTM, Trung An xác định phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận về chủ trương, chính sách trong nội bộ đảng, chính quyền, đoàn thể và nhân dân. Đây là điều kiện tiên quyết, là nền tảng để Trung An thực hiện và hoàn thành các tiêu chí XDNTM. Trong công tác tổ chức thông tin, tuyên truyền, UBND xã Trung An đã thành lập và bước đầu đưa vào hoạt động có hiệu quả nhiều tiểu ban như:Tiểu ban Tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa XDNTM; Tiểu ban xóa đói, giảm nghèo;Tiểu ban cảnh quan môi trường... Trong đó, ngoài việc thực hiện nhiệm vụ, chức năng đúng như tên gọi, Tiểu Ban Tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của việc XDNTM xã Trung An còn lập kế hoạch tuyên truyền vận động 100% nhân dân hiểu và có từ 80% trở lên nhân dân đồng tình với đề án, quy hoạch XDNTM. Để thực hiện được kế hoạch, Tiểu ban này đã soạn thảo và XD riêng tờ rơi của xã Trung An gồm những nội dung XDNTM ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu để tuyên truyền trong dân. Ngoài các hình thức tuyên truyền như phát thanh, tờ rơi, niêm yết các thông tin XDNTM tại nhà thông tin ấp và các điểm đông dân cư, Tiểu ban Tuyên truyền còn tiếp thu những ý kiến đóng góp của nhân dân qua phiếu, qua các cuộc tiếp xúc trực tiếp tại các điểm dân cư. Việc làm này, nhằm đề đạt những ý kiến xác thực nhất của người dân đến lãnh đạo địa phương giải quyết những vướng mắc, băn khoăn...góp phần thúc đẩy nhanh tiến trình XDNTM...

Ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho rằng: Ngoài việc tuyên truyền về nội dung, mục tiêu, ý nghĩa..., công tác tuyên truyền XDNTM cần đi vào chiều rộng lẫn chiều sâu. Theo đó, mỗi địa phương cần tổ chức những đợt phát động đợt thi đua cao điểm thực hiện XDNTM gắn với việc triển khai thực hiện các công trình giao thông nông thôn, XD nhà đại đoàn kết... Trong công tác tuyên truyền XDNTM, cần lưu ý đề cao chủ trương “dân biết, dân làm, dân bàn, dân kiểm tra, dân hưởng lợi”; tuyệt đối chống tư tưởng ỷ lại trong dân, coi đây là chương trình của Đảng, Nhà nước mà không nhận thức được vai trò chủ thể của mình. Điều quan trọng là làm thế nào để người dân thấy đây là chương trình của mình, mình làm chủ, mình đứng ra làm, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước... Muốn vậy, trước tiên phải quán triệt sâu sắc trong nội bộ Đảng, chính quyền, đoàn thể về công tác XDNTM. Từ đó mỗi cán bộ, đảng viên, các tổ chức xã hội... là hạt nhân trong vận động, tuyên truyền tạo sự đồng thuận trong dân và trong xã hội trong XDNTM.

Bài, ảnh: HÀ TRIỀU

Chia sẻ bài viết