23/07/2009 - 20:35

Để có thị trường tiêu thụ cá tra bền vững

Nghề nuôi cá tra ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) phát triển mạnh, sản lượng đã vượt qua hơn 1 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 1 tỉ USD. Tuy nhiên, qua hơn 10 năm có mặt trên thương trường thế giới, số phận con cá tra vẫn còn lắm long đong, khiến người nuôi và doanh nghiệp (DN) chế biến cá tra xuất khẩu phải đối mặt với nhiều thách thức…

* PHÁT TRIỂN KHÔNG BỀN VỮNG

Hiện nay, sản phẩm cá tra Việt Nam đã có mặt ở 128 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Chế biến cá tra xuất khẩu ở ĐBSCL. 

Sản xuất và tiêu thụ cá tra ở ĐBSCL nhanh chóng trở thành một trong những mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực, chỉ đứng sau con tôm. Kim ngạch xuất khẩu cá tra từ 19,7 triệu USD vào năm 1997 đã tăng lên hơn 302 triệu USD vào năm 2005. Đến năm 2007, con cá tra đã lập nên kỳ tích là sản lượng tăng vọt đến 1 triệu tấn, đạt kim ngạch xuất khẩu vượt qua 1 tỉ USD. Năm 2008, tuy gặp nhiều “sóng gió” thương trường và ảnh hưởng của “cơn bão” tài chính nhưng sản phẩm cá tra ĐBSCL vẫn là mặt hàng thủy sản xuất khẩu tăng trưởng mạnh nhất, chiếm đến 32,2% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản, đạt 640.829 tấn, trị giá hơn 1,4 tỉ USD. Riêng trong 5 tháng đầu năm 2009, tuy diện tích nuôi đã giảm khoảng 30%, DN chế biến cá tra xuất khẩu không đủ nguyên liệu để chế biến nhưng vẫn xuất khẩu khoảng 200.000 tấn cá tra, trị giá gần 478 triệu USD. Theo dự báo, năm 2009 sản phẩm cá tra vẫn có thể đạt kim ngạch xuất khẩu 1,2 tỉ USD.

Nếu nhìn một chiều theo hướng phát triển thì thấy tốc độ tăng trưởng sản xuất, tiêu thụ cá tra rất mạnh nhưng thực tế trong hơn thập niên xuất khẩu cá tra vừa qua giá cả lên xuống bất thường, thị trường nhiều bất ổn. Đỉnh cao giá xuất khẩu cá tra là vào những năm 1997-1998. Thời điểm này, giá cá tra xuất khẩu bình quân 4,93 USD/kg. Thế nhưng 5 năm sau (2003) giá cá tra xuất khẩu tuột xuống còn 2,28 USD/kg. Năm 2004, tăng lên 3,01 USD/kg, nhưng năm sau (2005) lại xuống 2,56 USD/kg. Năm 2006, lại tăng lên 3-3,2 USD/kg và năm 2009, giá cá tra xuất khẩu tuột xuống còn 2,5-2,7 USD/kg.

Trong giai đoạn 1997-2006, giá cá tra nguyên liệu trong nước trung bình dao động khoảng 9.200-12.500 đồng/kg. Giá cao nhất là 12.300 đồng (năm 2002) và thấp nhất 9.235 đồng/kg năm 2005. Năm 2007, giá cá tra nguyên liệu được các DN thu mua khoảng 15.000-16.500 đồng/kg, nhưng bước sang năm 2008 lại tuột xuống còn 14.000-14.500 đồng/kg, có thời điểm thấp nhất chỉ 13.500 đồng/kg. Trong khi đó, giá thành sản xuất đến 15.000-16.500 đồng/kg cá nguyên liệu, người nuôi lỗ hơn 1.000 đồng/kg. Giá cá tra giảm mạnh, giá thức ăn chăn nuôi lại tăng cao, làm người nuôi cá tra ĐBSCL bị lỗ nặng. Nhiều người nuôi cá tra ở ĐBSCL không khả năng trả nợ ngân hàng, thiếu vốn để tiếp tục nuôi cá tra. Theo thống kê chưa đầy đủ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tổng diện tích thả nuôi cá tra của 10 tỉnh, thành ĐBSCL đến tháng 6-2009 là 5.001 ha, chỉ đạt 76% kế hoạch thả nuôi năm 2009.

* GIẢI PHÁP CĂN CƠ

Quyết định “Phê duyệt Quy hoạch phát triển sản xuất và tiêu thụ cá tra vùng ĐBSCL đến năm 2010, định hướng đến năm 2020” của Bộ NN&PTNT đã xác định: Khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên vùng ĐBSCL để phát triển nuôi cá tra bền vững phù hợp với Quy hoạch phát triển ngành thủy sản Việt Nam đến năm 2020, quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội địa phương và qui hoạch phát triển kinh tế xã hội vùng ĐBSCL. Phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ cá tra theo định hướng thị trường, gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất với chế biến và mở rộng thị trường tiêu thụ theo hướng hiện đại hóa, tạo sản phẩm có khả năng cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu. Phát triển nuôi chế biến, tiêu thụ cá tra thành ngành kinh tế quan trọng của thủy sản Việt Nam theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thân thiện với môi trường. Sản phẩm cá tra phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu góp phần giải quyết việc làm, tăng thu ngoại tệ cho đất nước...

Theo đó, mục tiêu đến năm 2010, diện tích nuôi cá tra ĐBSCL sẽ là 8.600 ha, với sản lượng 1.250.000 tấn, chế biến thành phẩm 500.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu 1,3-1,5 tỉ USD, giải quyết việc làm cho 200.000 người. Đến năm 2020, diện tích nuôi cá tra tăng lên 13.000 ha, sản lượng 1.850.000 tấn, giá trị kim ngạch xuất khẩu 2,1-2,3 tỉ USD. Mặc dù quy hoạch như vậy nhưng năm nay, cả người nuôi và nhà chế biến cá tra xuất khẩu ở ĐBSCL gặp nhiều khó khăn nên có thể diện tích thả nuôi giảm hơn so với năm trước. Với tình hình như hiện nay, mục tiêu nuôi cá tra 8.600 ha vào năm 2010 khó có thể đạt được.

Cần xây dựng một hệ thống bao gồm các tiêu chuẩn về sản xuất nuôi trồng thủy sản có trách nhiệm và một tiến trình cấp chứng nhận cho các nhà sản xuất đạt được các tiêu chuẩn đang là vấn đề cấp bách được đặt ra. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) dự báo, tình hình xuất khẩu cá tra sẽ sáng sủa hơn trong những tháng cuối năm 2009. Nguyên nhân do xu hướng lên giá của đồng euro so với đô-la Mỹ, trong khi EU là thị trường xuất khẩu chính, chiếm gần một nửa kim ngạch xuất khẩu của cá tra. Ngoài ra, thị trường Nga có tiềm năng lớn trong tiêu thụ cá tra, mở cửa trở lại vào giữa tháng 5 vừa qua sẽ tạo nhiều thuận lợi cho tăng trưởng xuất khẩu cá tra của ĐBSCL...

Tuy nhiên, theo Bộ NN&PTNT, nuôi trồng thủy sản nói chung và sản xuất, tiêu thụ cá tra nói riêng sẽ còn gặp nhiều khó khăn hơn do giá cả thị trường khủng hoảng tài chính toàn cầu có nhiều biến động khó lường. Các nước nhập khẩu tăng cường các rào cản kỹ thuật và đưa ra những tiêu chuẩn khắt khe về an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc...

Để sản xuất và tiêu thụ cá tra ổn định và bền vững, giải pháp trước mắt của Bộ NN&PTNT đưa ra là: Bám sát thị trường tiêu thụ sản phẩm ngoài nước, chú trọng thị trường trong nước, tổ chức tốt mối liên kết giữa nhà chế biến xuất khẩu và người nuôi cá tra, hỗ trợ lẫn nhau trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng chia sẻ rủi ro và lợi nhuận, cùng tồn tại và phát triển; áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong nuôi cá tra thương phẩm, bảo vệ môi trường vùng nuôi; nâng cao chất lượng con giống, nuôi với mật độ vừa phải giảm tỷ lệ chết, tăng chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn thực phẩm, giảm chi phí đầu vào để hạ giá thành sản xuất.

Bài, ảnh: QUANG HẢI

Chia sẻ bài viết