21/03/2019 - 11:20

ĐBSCL khẩn trương ứng phó hạn, mặn 

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, từ tháng 3 đến tháng 5, Nam bộ vào cao điểm nắng nóng. Đặc biệt các tỉnh giáp biển và cận biển, tình trạng xâm nhập mặn sẽ sâu vào nội đồng, có khả năng ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Nhiều tuyến kênh nội đồng tại An Giang đang kiệt nước. Ảnh: BÌNH NGUYÊN

Nhiều tuyến kênh nội đồng tại An Giang đang kiệt nước. Ảnh: BÌNH NGUYÊN

 

Tập trung bảo vệ sản xuất

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh An Giang, tình hình khô hạn và xâm nhập mặn đang diễn biến phức tạp, đe dọa khoảng 254.000ha lúa đông xuân muộn. Nước mặn từ Kiên Giang đã lấn sâu vào nội đồng có khả năng ảnh hưởng đến 9.300ha đất nông nghiệp tại huyện Thoại Sơn, Tri Tôn. Trong khi đó, các khu vực có khả năng chịu ảnh hưởng của khô hạn tập trung ở các xã vùng Bảy Núi với hơn 7.000ha.

Ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh An Giang, cho biết: Nhằm kịp thời chống hạn vụ đông xuân và hè thu 2019, ngành nông nghiệp kết hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố và Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi An Giang chủ động lập kế hoạch triển khai phòng, chống hạn, xâm nhập mặn bảo vệ sản xuất. Cụ thể, nạo vét khoảng 146 kênh mương, dự phòng xây dựng các đập tạm phòng chống xâm nhập mặn sâu vào các kênh nội đồng vùng giáp ranh với Kiên Giang để bảo vệ 7.400ha đất sản xuất. Đối với vùng cao ở huyện Tri Tôn và Tịnh Biên, khi hạn xảy ra, dự kiến bơm chống hạn cứu 4.256ha lúa và tổ chức bơm cấp 2 cho khoảng 3.570ha có khả năng thiếu nước cục bộ.

Tại Vĩnh Long, ngành nông nghiệp cũng dự phòng 3 kịch bản hạn và mặn xảy ra trên địa bàn với cấp độ ảnh hưởng tăng dần cùng với các giải pháp ứng phó bằng công trình và phi công trình. Theo đó, nếu hạn, mặn xâm nhập ảnh hưởng cấp độ nhẹ sẽ có 12.723ha lúa, rau, màu, cây lâu năm tại các huyện Vũng Liêm, Trà Ôn, Tam Bình bị thiếu nước. Dự kiến, tỉnh sẽ thực hiện 78 công trình thủy lợi (nạo vét kênh tạo nguồn, kênh rạch nội đồng và tu sửa cống) và hỗ trợ bơm tát với kinh phí 53 tỉ đồng. Đến nay, ngành nông nghiệp tỉnh đã triển khai được 22 công trình lớn phòng chống hạn, mặn và chủ động lấy nước đảm bảo tưới tiêu. Đồng thời ưu tiên nạo vét các kênh thủy lợi nội đồng để đảm bảo cấp nước tưới phục vụ sản xuất vụ hè thu năm 2019 kết hợp cấp nước sinh hoạt cho người dân trong điều kiện khô hạn, xâm nhập mặn gay gắt. Đặc biệt, chú trọng cấp nước sinh hoạt cho hơn 62.065 hộ ở nông thôn hiện chưa có nước máy sử dụng, hộ ở nội đồng xa kênh, rạch lớn sẽ gặp khó khăn về nguồn nước sinh hoạt do nguồn nước bị cạn kiệt, ô nhiễm và nhiễm mặn.

Ngăn mặn từ hướng biển

Nhằm hạn chế hạn, mặn gây thiệt hại trong sản xuất và ảnh hưởng đến đời sống người dân, trong mùa khô 2019, Hậu Giang thực hiện mới và nâng cấp, sửa chữa 120 cống, đập thời vụ; nạo vét 71 kênh cấp 2, cấp 3 để trữ nước ngọt ở những vùng bị hạn và xâm nhập mặn, với tổng kinh phí thực hiện gần 67,6 tỉ đồng. Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, nhiều khả năng nước mặn sẽ xâm nhập vào Hậu Giang hướng từ biển Đông theo sông Hậu, mặn có thể vượt qua kênh Cái Côn, Mái Dầm và từ Sóc Trăng qua các trục kênh cấp 2 uy hiếp huyện Châu Thành, thị xã Ngã Bảy, một phần huyện Phụng Hiệp. Bên cạnh đó, từ các trục kênh chính qua địa bàn Sóc Trăng, Bạc Liêu ảnh hưởng đến huyện Long Mỹ, thị xã Long Mỹ và một phần huyện Phụng Hiệp. Còn từ biển Tây theo sông Cái Lớn (Kiên Giang) và sông Nước Trong, nước mặn sẽ ảnh hưởng đến huyện Long Mỹ, Vị Thủy, thị xã Long Mỹ và TP Vị Thanh. Do đó, từ đầu mùa khô năm 2019, ngành chức năng đã lập kế hoạch đóng, mở các cửa cống từ Ba Voi đến cống 8.000 thuộc tiểu Dự án Ô Môn - Xà No và tuyến đê bao ngăn mặn Long Mỹ - Vị Thanh (xã Hỏa Tiến, Hỏa Lựu, phường 7, TP Vị Thanh). Việc đóng, mở các cống sẽ dựa theo diễn biến của mặn, nhưng khi mặn ngoài kênh đạt mức 1,5‰ sẽ tiến hành đóng các cửa cống lại. 

Công tác chống hạn, mặn và thiếu nước ngọt mùa khô đang được Trà Vinh khẩn trương triển khai. Ông Lê Quang Răng, Quyền Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Trà Vinh, cho biết: Từ nguồn thủy lợi phí, vốn chống hạn cấp bù, tỉnh tập trung nạo vét hệ thống kinh chính cấp 2, thường xuyên kiểm tra việc vận hành các cửa cống ngăn mặn. Đối với vùng trồng cây ăn trái như Càng Long, Cầu Kè, tỉnh chủ yếu cải tạo, nạo vét kênh cấp 2 tạo nguồn dẫn nước. Đối với vùng ven biển như Duyên Hải, Cầu Ngang, sẽ chủ động ứng phó với tình trạng thiếu nước sản xuất và sinh hoạt, chủ yếu là cải tạo nạo nét sử dụng hệ thống kênh tưới tiêu kết hợp, mạch nước ngầm sẵn có. Theo kịch bản khi có khô hạn, mặn xâm nhập xảy ra, tỉnh sẽ cho đóng các cống và phối hợp với Sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Long lấy nước ngọt từ cống Cái Hốp ở huyện Vũng Liêm, Vĩnh Long.

Là tỉnh giáp biển nên Kiên Giang đối mặt với tình trạng xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt sinh hoạt, phục vụ sản xuất, nuôi thủy sản khá nghiêm trọng. Ông Nguyễn Huỳnh Trung, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Thủy lợi tỉnh Kiên Giang, cho biết: Mực nước nội đồng từ tháng 12-2018 đến nay hầu hết ở mức thấp hơn cùng kỳ năm 2018 từ 5 - 25cm, xâm nhập mặn đang lấn sâu vào các cửa sông ven biển. Trước tình hình khô hạn và xâm nhập mặn, từ cuối năm 2018, Kiên Giang đã chủ động đóng các cống ngăn mặn trên tuyến đê ven biển. Đồng thời, triển khai đắp đập tạm bằng cừ thép larsen trên kênh Rạch Giá - Hà Tiên (tại xã Hòa Điền, huyện Kiên Lương) để bảo đảm ngăn mặn, giữ ngọt cho sản xuất lúa đông xuân và hè thu trong khu vực. Đắp đập tạm trên kênh Nhánh (TP Rạch Giá), kết hợp vận hành cống Sông Kiên, Kênh Cụt, đảm bảo ngăn mặn, tạo nguồn nước ngọt cho nhà máy nước TP Rạch Giá. Bên cạnh đó, các địa phương đã hoàn thành gia cố, đắp mới 48/66 đập ngăn mặn, các đập còn lại sẽ triển khai khi mặn tăng cao.

Để đảm bảo đủ nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất lúa hè thu 2019, Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang và Sở NN&PTNT tỉnh An Giang đã tính toán lịch thời vụ xuống giống xen kẽ giữa 2 tỉnh, luân phiên lấy nước tưới nhằm tránh tình trạng khai thác cùng lúc khiến nước trên các sông xuống quá thấp. Ông Nguyễn Văn Tâm, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang, cho biết: Sở đã chỉ đạo Chi cục Thủy lợi tổ chức quản lý vận hành tốt việc đóng mở hệ thống cống ven biển để ngăn mặn, giữ ngọt, điều tiết hợp lý giữa các vùng chuyên lúa, chuyên tôm, tôm - lúa theo yêu cầu thực tế tại từng thời điểm sản xuất, từng khu vực… Phối hợp với các huyện chỉ đạo rà soát lại các hệ thống công trình cống, đập, chỉ đạo nạo vét kênh mương trữ nước khi cần thiết. Theo dõi chặt chẽ tình hình xâm nhập mặn trong mùa khô, nhất là các đợt nắng hạn kéo dài để kịp thời thông báo cho địa phương và người dân chủ động ứng phó.

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, mùa khô năm 2019, nền nhiệt độ ở ĐBSCL có xu thế cao hơn trung bình nhiều năm 0,5 - 1°C, nhiệt độ cao nhất ở mức 33 - 37°C. Từ tháng 3-2019 đến cuối mùa khô, có khả năng xuất hiện những đợt mưa trái mùa nhưng xảy ra phạm vi cục bộ, lượng mưa không đáng kể.

​Dự báo mùa mưa ở ĐBSCL có khả năng xuất hiện muộn hơn so với trung bình nhiều năm. Xâm nhập mặn ít gay gắt hơn so với năm 2016 nhưng vẫn ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, cao hơn năm 2018. Độ mặn cao nhất trên các sông ở Nam bộ phổ biến xuất hiện trong tháng 3-2019, riêng hệ thống sông Vàm Cỏ và vùng bán đảo Cà Mau - Kiên Giang độ mặn cao nhất xuất hiện vào tháng 5-2019. Các địa phương ở khu vực đồng bằng Nam bộ cần chủ động trong công tác phòng chống hạn hán và xâm nhập mặn.

 

BÌNH NGUYÊN

Chia sẻ bài viết