22/09/2021 - 21:28

ĐBSCL cùng ngồi chung thuyền để vượt “cơn sóng dữ” 

Trong 3 đợt bùng dịch COVID-19 trước, ngành công nghiệp, thương mại - dịch vụ chịu tác động nặng nề nhất thì trong lần thứ 4 này đã xuất hiện những “đứt gãy” trong chuỗi cung ứng và tiêu thụ nông sản do thực hiện giãn cách xã hội. Nghiêm trọng nhất là tại ĐBSCL - vùng sản xuất lương thực trọng điểm cả nước. Sự tổn thương từ cuộc khủng hoảng chưa có tiền lệ này cũng là bài học đắt giá để nhìn lại toàn bộ chuỗi cung ứng, sản xuất trong nông nghiệp. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan đã dành cho Báo Cần Thơ cuộc phỏng vấn xung quanh vấn đề làm gì để hạn chế tổn thương trước các cú sốc.

Sự đứt gãy trong chuỗi cung ứng và tiêu thụ nông sản ở ĐBSCL, nếu nhìn bề ngoài thì đó là sự đứt gãy trong lưu thông, nhưng bên trong nó là sự yếu kém và đứt gãy của chuỗi logistics hậu cần cho nông sản. 

Với đặc điểm chung của nhiều mặt hàng nông sản như tính mùa vụ, nhanh hỏng, thời gian bảo quản, sử dụng ngắn, chất lượng không đồng nhất, logistics giữ vai trò kết nối các khâu trong chuỗi giá trị nông sản, bảo đảm chất lượng sản phẩm đến tay người tiêu dùng, tối ưu hóa các chi phí, giúp cải thiện thêm thu nhập cho người nông dân.

* Mới đây, trong tọa đàm trực tuyến kết nối cung - cầu nông sản giữa ĐBSCL và TP Hồ Chí Minh, Bộ trưởng đã chia sẻ để hạn chế các rủi ro do dịch bệnh gây ra, các địa phương ĐBSCL cần phải là một thực thể và sống chung với dịch. Như vậy tinh thần “Sống chung với dịch và sống chung với nhau” mà Bộ trưởng nêu, cụ thể là gì?

- Để chuẩn bị sẵn sàng cho việc sống chung với dịch bệnh, chúng ta cần biết, cần hiểu cách sống chung với nhau. Theo đó, lãnh đạo địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã, thương lái và người nông dân cần đồng thuận tư duy sống chung với nhau, cùng ngồi lại để trải lòng, chia sẻ, gỡ rối, thảo luận, đi đến giải pháp chung. Tôi quan niệm rằng, không gian phát triển kinh tế nói chung, trong đó có kinh tế nông nghiệp, không phụ thuộc vào không gian hành chính xã, huyện, tỉnh. ĐBSCL cần tư duy lại chủ trương liên kết vùng. Cần xem cả vùng châu thổ là một thực thể, các địa phương phụ thuộc lẫn nhau các yếu tố đầu vào và yếu tố đầu ra, bổ trợ cho nhau. Các chuỗi ngành hàng nông sản vận hành một cách vô hình trên một không gian cả 13 tỉnh thành như những mạch máu li ti trong cơ thể con người. Chỉ cần một “mạch máu” nào đó dù nhỏ đến mấy bị dồn ứ có thể mất đi cả sự sống cho cả đồng bằng.

Mỗi vấn đề đều có sẵn giải pháp. Vấn đề là cùng nhau tìm kiếm được giải pháp đó. Một giải pháp hài hòa đạt được yêu cầu, mong muốn của mỗi bên tham gia, bắt đầu từ sự thông cảm, thấu hiểu và sẻ chia. Những người đồng hành cùng ngồi trên chiếc thuyền muốn vượt qua những cơn sóng dữ, thì càng cần phối hợp nhịp nhàng, tạo ra sự cân bằng. Ngược lại, chỉ cần một thoáng thiếu ăn ý, gắn kết sẽ dễ dẫn đến chao đảo, chông chênh, thậm chí khiến thuyền bị lật.

Các địa phương ĐBSCL cần liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản. Ảnh: V.CÔNG

Các địa phương ĐBSCL cần liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản. Ảnh: V.CÔNG

* Thưa Bộ trưởng, sự kết nối của ĐBSCL trong tiêu thụ nông sản thôi chưa đủ, bởi cần liên kết thêm nhiều thị trường lớn. Nhìn rộng hơn, thì vai trò của các thị trường lớn, trong đó có TP Hồ Chí Minh, đối với ĐBSCL cần được xây dựng trên các trụ cột nào, thưa Bộ trưởng?

- Một trong những “điểm nghẽn” của việc kết nối, tiêu thụ nông sản nằm ở sự thiếu hụt thông tin, dẫn đến sự phân mảnh, chia cắt chuỗi ngành hàng trong kết nối cung - cầu. Khâu nuôi trồng cứ gói gọn trong nuôi trồng, khâu mua bán cứ xoay quanh mua bán. Tính gắn kết, hỗ trợ, đồng bộ giữa các khâu gần như không có... 

Để kết nối, tiêu thụ nông sản thông suốt, cần quan tâm, thực hiện tốt việc ghi nhận, tích hợp đầy đủ thông tin, cập nhật thường xuyên và chuyển tải kịp thời từ “đầu cung” đến cơ quan chuyên ngành, rồi từ cơ quan chuyên môn đến “đầu cầu”. Cần khởi tạo nền tảng thông tin minh bạch, đầy đủ, kịp thời, phục vụ thông tin hữu ích cho người sản xuất, cho người kinh doanh, cho người tiêu dùng nông sản và cho cơ quan quản lý chuyên ngành.

* Các “mắt xích” trong liên kết tiêu thụ nông sản không chỉ là sự liên kết của các cấp chính quyền, bộ ngành mà còn là sự liên kết của những nông dân với nhau để cùng ngồi trên một con thuyền. Như vậy, nông dân cần chuyển đổi tư duy như thế nào để thích ứng “xu thế tiêu dùng mới”, thưa Bộ trưởng?

- Như nhiều lần chia sẻ, tôi mong muốn gửi gắm đến bà con nông dân: chúng ta phải cùng nhau thay đổi. Điểm nghẽn của một nền sản xuất “manh mún, nhỏ lẻ, tự phát” cần được vượt qua dựa trên tinh thần “liên kết - hợp tác”, đáp ứng các nhu cầu, chuẩn mực của “thị trường”. Việc tham gia vào các mô hình kinh tế hợp tác, liên kết sản xuất - tiêu thụ với các doanh nghiệp có thể giúp giảm thiểu các rủi ro mùa vụ. Cần khuyến khích sự tham gia chủ động, tích cực của người nông dân vào các thiết chế tự quản cộng đồng dân cư nông thôn, Hội quán Nông dân để trước hết nông dân ngồi lại với nhau chia sẻ từ chuyện xóm chuyện làng, cuộc sống sinh hoạt ngày thường, cho đến cách thức hợp tác sản xuất, kinh doanh hiệu quả.

Bên cạnh vai trò hoạch định chính sách, tìm kiếm, đàm phán, kết nối thị trường của Bộ NN&PTNT, cùng sự dẫn dắt, định hướng của doanh nghiệp, chính nông dân cần quan tâm đến câu chuyện sản xuất nông sản an toàn, chất lượng, trách nhiệm, để đáp ứng các nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của thị trường, của người tiêu dùng...

Công tác kết nối tiêu thụ nông sản của Tổ công tác của Bộ NN&PTNT thông qua “Diễn đàn 970” và các “Túi combo nông sản” cho thấy nông sản nào có xuất phát từ các hợp tác xã có truy xuất nguồn gốc rõ ràng, có đăng ký nhãn hiệu hàng hóa thì dễ dàng có được đơn hàng từ các doanh nghiệp tiêu thụ, các trung tâm thu mua, phân phối.

* Thưa Bộ trưởng, để hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp kết nối tiêu thụ nông sản, Tổ công tác 970 vừa qua đã có những “thương vụ” rất thành công. Trên cơ sở này, thương mại điện tử, biến nông dân truyền thống thành những nông dân hiện đại, Bộ có chiến lược gì để phát triển điều này?

- Tôi được dịp trao đổi, trò chuyện với bà con nông dân. Tôi vô cùng xúc động và ấn tượng khi nhiều người nông dân chịu khó, ham học hỏi, tìm tòi điều mới, ứng dụng kỹ thuật hiệu quả hơn… Và trong khủng hoảng chuỗi cung ứng nông sản vừa qua, thật ấn tượng với nhiều thông tin đây đó bà con nông dân đã sử dụng các phần mềm để tự quảng bá, giới thiệu sản phẩm của mình làm ra và cả sản phẩm của bà con khác. Tôi cho đây là những tín hiệu tích cực, nếu được dẫn dắt sẽ trở thành những doanh nghiệp kinh doanh nông nghiệp trên nền tảng thương mại điện tử, chuyển đổi số.

Thương mại điện tử và chuyển đổi số là một trong những kênh tiện ích hỗ trợ người nông dân kết nối, tiêu thụ nông sản. Hơn hết, tôi quan tâm đến các giải pháp căn cơ, đồng bộ, giúp người nông dân có thể chủ động, nhanh chóng tiếp cận với những tiện ích, ứng dụng mới, với các thiết bị “thông minh”.

Thông qua các chương trình, kế hoạch nâng cao năng lực cộng đồng dân cư nông thôn, ngành Nông nghiệp xác định yêu cầu tri thức hóa người dân nông thôn là nền móng vững chắc cho làng quê ngày mai, cho nền nông nghiệp tương lai. Điều này bắt đầu từ việc hỗ trợ bà con tiếp cận các công cụ, thiết bị thông minh để công việc canh tác, sản xuất, kinh doanh nông sản hằng ngày trở nên “thông minh”, ít tốn sức hơn, tạo ra giá trị cao hơn. Nói cách khác, người nông dân vừa là người sản xuất, vừa là “thương lái 4.0”. Kế đến là những khóa tập huấn, bồi dưỡng về cách thức làm nông mới, về kiến thức, kỹ năng và thái độ nghề nghiệp... 

* Vấn đề cuối cùng là vốn, tất cả các điểm gút trên nếu được giải quyết hiệu quả thì khâu vốn là điểm then chốt để thành công cho cả chu trình. Thưa Bộ trưởng, vai trò của Bộ NN&PTNT trong việc kết nối với hệ thống ngân hàng để khơi thông vốn cho nông nghiệp như thế nào?

- Bộ NN&PTNT đã có buổi làm việc với Ngân hàng Nhà nước, cùng các bộ, ngành, đơn vị liên quan để trao đổi, thảo luận về các giải pháp khả thi, thiết thực hỗ trợ nguồn vốn, tiếp thêm nguồn lực cho nông nghiệp. 

Nguồn vốn tài chính là rất quan trọng, trong bất cứ công việc, ngành nghề nào. Song cách thức sử dụng nguồn vốn hiệu quả lại càng quan trọng hơn. Từ góc độ cảm nhận cá nhân, tôi chú trọng nhiều hơn đến các nguồn vốn, nguồn lực vô hình. Tôi tâm đắc với quan điểm nhìn nhận của một vị lãnh đạo: “Tiền trong túi là tiền hữu hạn, tiền trong đầu là tiền vô hạn”. Ông bà ta cũng thường nhắc nhở nhau: “liệu cơm gắp mắm”. Nếu biết cách cân đối, điều chỉnh, sử dụng hiệu quả từng đồng vốn hạn hẹp, vẫn có thể tạo ra lợi nhuận, giá trị cao hơn.

Nguồn vốn, nguồn lực cho nông nghiệp còn đến từ “liên kết - hợp tác” trong sản xuất, kinh doanh. Sức mạnh của “mua chung, bán chung” giúp giảm thiểu chi phí đầu vào, giảm thiểu thất thoát, lãng phí, chia sẻ rủi ro mùa vụ,… Nếu tất cả trông chờ vào nguồn vốn hữu hạn của Nhà nước thì sẽ không bao giờ đáp ứng đủ cho nhu cầu vô hạn của xã hội. Huy động vốn từ cộng đồng, hợp tác xã, doanh nghiệp đối tác sẽ là một giải pháp cơ bản trong nền kinh tế thị trường mà cả thế giới đã làm trăm năm nay. Vấn đề là nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp nông nghiệp vừa và nhỏ phải có đủ kiến thức lập phương án sản xuất kinh doanh, mang tính khả thi, bảng cân đối tài chính minh bạch, thuyết phục được người tham gia góp vốn về lợi ích mang lại. Vai trò của Nhà nước, thông qua các chương trình hỗ trợ nông dân, hợp tác xã nông nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp trong nông nghiệp là ở chỗ đó.

Một khi nhận diện và tiếp cận đa dạng nguồn lực khác, ngoài nguồn vốn tài chính, nhiều cơ hội phát triển mới lại mở ra.

* Cảm ơn Bộ trưởng!

GIA BẢO (thực hiện)

Chia sẻ bài viết