04/11/2021 - 17:08

ĐBSCL cần khắc phục 3 thách thức lớn để phát triển bền vững 

(CTO) - ĐBSCL cần phải có giải pháp cho các vấn đề về biến đổi khí hậu, nước biển dâng, phát triển không bền vững nguồn tài nguyên, dòng chảy sông Mekong bị chặn để hướng tới phát triển bền vững. Nội dung này được đưa ra tại Diễn đàn Hợp tác và Phát triển Bền vững ĐBSCL do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức sáng 4-11.

Biến đổi khí hậu là một trong những thác thức lớn của vùng ĐBSCL.

ĐBSCL có dân số hơn 17 triệu người, là vùng đất sản xuất nông, thủy sản lớn nhất cả nước. Tuy nhiên, trong tiến trình phát triển vùng ĐBSCL đang đứng trước nhiều thách thức. Năm 2017, Chính phủ ban hành Nghị quyết 120 để phát triển bền vững vùng ĐBSCL, đến nay nghị quyết đã tạo ra những chuyển biến tích cực.

Tại diễn đàn, các đại biểu đã đánh giá rất cao tinh thần mà Nghị quyết 120 hướng đến như: thuận thiên, thay đổi theo tự nhiên; lấy con người làm trung tâm, sản xuất để phục vụ con người; chuyển hướng nền nông nghiệp, không thuần túy là sản lượng mà hướng đến chất lượng; xoay trục ưu tiên, lấy thủy sản là số 1 thay cho cây lúa... Tuy nhiên, các đại biểu cũng chỉ ra rằng, thực hiện Nghị quyết 120 chỉ xử lý được vấn đề nội tại của vùng ĐBSCL. Vẫn còn những vấn đề về các đập thủy điện làm thiếu phù sa, biến đổi dòng chảy, do đó Chính Phủ cần phải có thêm các giải pháp xoay quanh để đảm bảo phát triển bền vững.

Theo PGS-TS Lê Anh Tuấn (Trường Đại học Cần Thơ), vấn đề đáng quan ngại của vùng ĐBSCL là cùng lúc phải chịu 3 thách thức lớn là biến đổi khí hậu, nước biển dâng; phát triển không bền vững, khai thác tài nguyên quá mức dẫn đến suy thoái; các đập thủy điện ở thượng nguồn chặn dòng chảy sông Mekong. Để vùng đất chiếm khoảng 54% sản lượng gạo, 80% thủy sản và 75% trái cây của cả nước phát triển, PGS.TS Lê Anh Tuấn cho rằng vấn đề quy hoạch cần hướng đến sự phát triển linh động; hình dung và ứng phó được các tình huống, xu hướng sẽ xảy ra. Bên cạnh đó cần quy hoạch tích hợp phát triển các ngành, lĩnh vực có lợi thế, tiềm năng; bảo vệ môi trường, duy trì các hệ sinh thái tự nhiên; phát triển và bảo tồn các giá trị văn hóa xã hội. ĐBSCL cũng không còn 2 vùng mặn ngọt nữa mà sẽ phân thành 3 vùng: ngọt, chuyển tiếp ngọt - lợ - mặn và vùng lợ - mặn. Trên cơ sở 3 vùng sinh thái nước sẽ tiếp tục quy hoạch thành 36 tiểu vùng sinh thái khác nhau. Trong từng tiểu vùng sẽ đề xuất và có những định hướng sinh kế, hoạt động kinh tế phù hợp với sự khác biệt của tiểu vùng đó. Trên cơ sở phát triển kinh tế nông nghiệp này của các vùng, tiểu vùng có thể điều chỉnh lại hướng sử dụng đất nông nghiệp phù hợp đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050.

Tin, ảnh: HIẾU NGHĨA

Chia sẻ bài viết