23/10/2019 - 09:25

Dạy nghề trồng trọt cho nông dân 

Xác định công tác đào tạo nghề cho nông dân là khâu then chốt để thúc đẩy phát triển sản xuất, Hội Nông dân (HND) quận Bình Thủy đã hướng dẫn các cấp hội quan tâm đào tạo nghề cho nông dân trên địa bàn. Qua đó, tạo điều kiện cho bà con nông dân nắm được kiến thức, áp dụng khoa học kỹ thuật vào lao động sản xuất.

Từ sau lớp nghề trồng cây ăn trái, anh Phạm Trường Thọ, ngụ tại khu vực Bình Yên B, phường Long Hòa (bên trái) đã ứng dụng tốt các kỹ thuật trồng trọt vào vườn mận An Phước của gia đình.

Chúng tôi tham quan vườn mận An Phước sum suê của gia đình anh Phạm Trường Thọ, ngụ tại khu vực Bình Yên B, phường Long Hòa. Anh chia sẻ: "Trước đây, gia đình tôi trồng chanh đào. Sau đợt cây bị chết, tôi bắt đầu trồng lại 130 gốc mận. So với nhiều loại cây trồng khác, mận khá phù hợp với thổ nhưỡng nơi đây. Hiện nay, mỗi năm tôi thu hoạch 5-6 đợt trái, thu nhập trên 150 triệu đồng".

Anh Thọ là một trong những hộ nông dân tham gia lớp nghề trồng cây ăn trái do HND phường Long Hòa phối hợp tổ chức vào năm 2018. Theo anh Thọ, từ kiến thức thu nhận được tại lớp nghề, cộng thêm kinh nghiệm thực tiễn và kỹ thuật trồng trọt tìm hiểu qua mạng internet, anh vận dụng để vườn mận của mình ngày càng đạt hiệu quả, năng suất cao. Đặc biệt, tại vườn mận của anh, chim sâu được nuôi ngay trong màng trồng mận, giúp giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật và anh không cần xịt thuốc trừ sâu. Anh Thọ chia sẻ: "Ngoài những kinh nghiệm cá nhân, trong 3 tháng học tập, tôi đã được hướng dẫn, cung cấp nhiều thông tin bổ ích: cách xử lý ra hoa, cách phun phân thuốc vào từng thời điểm phù hợp. Những kinh nghiệm này không chỉ áp dụng hiệu quả vào vườn nhà mà còn là kiến thức hay để ứng dụng vào các loại cây ăn trái khác về sau".

Cùng tham gia lớp nghề trồng cây ăn trái, chú Nguyễn Văn Ngân, ngụ tại khu vực Bình Yên A, phường Long Hòa, quận Bình Thủy, bộc bạch: "Trước đây tôi trồng chanh nhưng bị nước ngập chết hết. Từ 8 năm nay, tôi chuyển sang trồng mít Thái và xoài Đài Loan. Không chỉ được HND phường hướng dẫn tham gia lớp dạy nghề với nhiều kiến thức trồng trọt hay, bổ ích mà tôi còn được Hội hướng dẫn thủ tục trợ giá 60% tiền của 400 cây giống mít Thái. Nhờ vậy, gia đình tôi phát triển mô hình trồng mít hiệu quả. Chỉ tính riêng giá trị vườn mít, bình quân mỗi năm tôi dễ dàng bỏ túi trên 150 triệu đồng".

Thời gian qua, trên địa bàn quận Bình Thủy, đã có nhiều hội viên nông dân khác phát huy được nghề đã học. Thống kê từ năm 2018 đến tháng 9-2019, các cấp HND quận đã phối hợp tổ chức 43 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 1.300 hội viên nông dân; tổ chức 27 lớp dạy nghề cho 264 hội viên nông dân. Đa số học viên học nghề đều có việc làm. Tỷ lệ học viên có việc làm sau lớp nghề nông nghiệp đạt 100%. Phần lớn, các hội viên sau khi hoàn thành khóa học, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quá trình trồng trọt, chăn nuôi, đạt hiệu quả cao; từ đó đem lại nguồn thu nhập ổn định, nâng cao mức sống. Một trong những kết quả nổi bật nhất khi nông dân tham gia học nghề chính là sự thay đổi nhận thức, ngày càng chủ động hơn trong việc tiếp cận các tiến bộ khoa học kỹ thuật để từ đó áp dụng vào thực tiễn sản xuất, mở rộng quy mô, nâng cao thu nhập.

Theo ông Lê Hoàng Tua, Chủ tịch HND quận Bình Thủy, điểm mạnh trong công tác đào tạo nghề cho nông dân trên địa bàn quận chính là sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp các ngành và sự phối hợp chặt chẽ giữa quận và phường trong việc mở lớp dạy nghề… Các lớp đào tạo nghề cho hội viên nông dân đã và đang phát huy hiệu quả, trao "cần câu" giúp nông dân tự tin phát triển kinh tế gia đình, nâng cao sản xuất, cải thiện thu nhập. Tuy nhiên, công tác đào tạo nghề vẫn còn nhiều mặt hạn chế. Ông Lê Hoàng Tua nhận định: "Đa số hội viên nông dân đã lớn tuổi nên việc tiếp thu bài giảng còn chậm. Một vướng mắc nữa là hiện nay, công tác đào tạo nghề còn gặp khó ở việc mở lớp vì theo quy định, học viên đã học nghề rồi thì không được học nghề thứ hai. Song song đó, số tiền hỗ trợ còn thấp cũng ảnh hưởng ít nhiều đến công tác mở lớp dạy nghề".

Thời gian tới, các cấp HND quận Bình Thủy xác định sẽ tập trung đổi mới theo hướng gắn dạy nghề với hỗ trợ việc làm và bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Qua đó, giúp nông dân ứng dụng tốt nghề đã học vào thực tế sản xuất, nâng cao năng suất, hiệu quả trồng trọt, chăn nuôi, tạo ra được nông sản có chất lượng, an toàn…

Bài, ảnh: Hồng Vân

Chia sẻ bài viết