27/06/2010 - 21:16

TP CẦN THƠ

Đẩy mạnh thực hiện tiết kiệm năng lượng

Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả do Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành... triển khai thực hiện từ năm 2006 đến 2015. Mục tiêu của chương trình là tiết kiệm 3-5% tổng mức tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai đoạn 2006-2010 và 5-8% tổng mức tiêu thụ năng lượng trong giai đoạn 2011-2015. Thực hiện Chương trình này, TP Cần Thơ đã tiến hành thành lập Trung tâm Tiết kiệm năng lượng (TKNL) trực thuộc Sở Công Thương thành phố và triển khai nhiều hoạt động nhằm đẩy mạnh việc thực hiện tiết kiệm năng lượng trên địa bàn...

TRIỂN KHAI NHIỀU DỰ ÁN TKNL

Theo ông Dương Nghĩa Hiệp, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ, kiêm Giám đốc Trung tâm TKNL Cần Thơ, thực hiện TKNL chẳng những mang lại lợi ích cho quốc gia, giúp giảm áp lực tình trạng thiếu hụt năng lượng (nhất là điện) phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt, mà nó còn mang lại lợi ích về kinh tế cho từng gia đình và doanh nghiệp. Thời gian qua, nhằm đẩy mạnh việc thực hiện TKNL trên địa bàn, UBND TP Cần Thơ đã quyết định thành lập Trung tâm TKNL Cần Thơ trực thuộc Sở Công Thương TP Cần Thơ và chỉ đạo cho Trung tâm TKNL, cũng như Sở Công Thương thành phố tăng cường triển khai các biện pháp và các hoạt động nhằm TKNL.

Thời gian qua, Trung tâm TKNL Cần Thơ đã triển khai tổ chức các lớp đào tạo và hội thảo về TKNL nhằm phổ biến đến các tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố về các biện pháp thực hiện TKNL. (Ảnh: Do Trung tâm TKNL Cần Thơ cung cấp). 

Trung tâm TKNL Cần Thơ được thành lập theo Quyết định số 3532/QĐ-UBND (ngày 2-12-2009) của UBND TP Cần Thơ. Đây là đơn vị có chức năng tư vấn, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả theo quy định của pháp luật. Trung tâm TKNL Cần Thơ có nhiệm vụ xây dựng chương trình, kế hoạch, đề án về TKNL trên địa bàn thành phố trình Sở Công Thương và các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện khi được phê duyệt; phổ biến và tuyên truyền các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật về TKNL và hoạt động tư vấn TKNL tại địa phương; phổ biến thông tin, kinh nghiệm, vận động tổ chức, cá nhân về sử dụng NLTK và hiệu quả; nghiên cứu, học tập, cập nhật thông tin về sử dụng NLTK và hiệu quả. Đồng thời, giới thiệu phương pháp, kỹ năng và thiết bị công nghệ mới phục vụ các hoạt động TKNL và sản xuất sạch hơn; tư vấn, hướng dẫn và hỗ trợ cho tổ chức cá nhân trên địa bàn thực hiện TKNL; làm đầu mối tiếp nhận và triển khai các chương trình TKNL của quốc gia, các tổ chức quốc tế tài trợ...

Sau khi tổ chức và sắp xếp nhân sự, tháng 1-2010, Trung tâm TKNL Cần Thơ (thuộc Sở Công Thương TP Cần Thơ) đã chính thức đi vào hoạt động. Ông Trần Quốc Hưng, Phó Giám đốc Trung tâm TKNL Cần Thơ, cho biết: “Khi đi vào hoạt động, Trung tâm đã đồng loạt triển khai nhiều hoạt động nhằm thực hiện chương trình TKNL như: tiến hành Dự án triển khai thực hiện TKNL trên địa bàn TP Cần Thơ do Bộ Công Thương quản lý từ nguồn ngân sách trung ương hỗ trợ. Hợp tác với một số tỉnh phía Nam (đã có Trung tâm TKNL hoặc đơn vị tương đương) về TKNL thông qua Dự án ANEP II (Hỗ trợ thực hiện chính sách năng lượng quốc gia ở một số tỉnh, thành phố phía Nam) do Văn phòng TKNL- Bộ Công Thương phối hợp với một số đơn vị, tài trợ. Đồng thời, triển khai các biện pháp nhằm hỗ trợ các tổ chức và cá nhân trong việc sử dụng các công nghệ và các thiết bị TKNL và không tiêu tốn điện năng như: máy nước nóng năng lượng mặt trời...”.

Dự án “Triển khai thực hiện TKNL trên địa bàn TP Cần Thơ” được triển khai thực hiện trong thời gian 8 tháng (tháng 11-2009 đến tháng 6-2010), tổng kinh phí thực hiện 400 triệu đồng, do ngân sách trung ương hỗ trợ. Thực hiện Dự án này, Trung tâm TKNL Cần Thơ đã khảo sát, điều tra, thu thập số liệu từ các cơ quan liên quan trong thành phố để đánh giá thực trạng tiêu thụ điện, mức độ tiết kiệm năng lượng trên địa bàn thành phố. Từ đó, xây dựng chương trình hành động TKNL của TP Cần Thơ, tổ chức đào tạo, hội thảo về TKNL cho chủ doanh nghiệp (DN) và cán bộ phụ trách năng lượng của 50 DN trên địa bàn thành phố. Mặt khác, tiến hành kiểm toán năng lượng và tư vấn giải pháp TKNL cho 5 doanh nghiệp trên địa bàn thành phố được lựa chọn. Thu thập số liệu để phân tích, đề xuất, kiến nghị các nhóm giải pháp TKNL trên địa bàn thành phố và tổ chức tuyên truyền về TKNL trên địa bàn thông qua các phương tiện truyền thông.

Còn Dự án ANNEP II do Văn Phòng TKNL-Bộ Công Thương, Sở Khoa học Công nghệ Đồng Nai và ADEME tài trợ, được thực hiện từ tháng 12-2009 đến tháng 4-2012. Đây là dự án dựa trên sự hợp tác giữa các tỉnh, thành phía Nam đã có Trung tâm TKNL như: TP Cần Thơ, tỉnh Tiền Giang, Đồng Tháp... Tham gia dự án này, các cán bộ chuyên trách và phụ trách và TKNL của TP Cần Thơ, các tổ chức, cá nhân tại các địa phương sẽ được giao lưu học hỏi kinh nghiệm với nhau; được tham gia các lớp đào tạo tổng quát về TKNL; được trợ giúp lập báo cáo đầu tư và thiết lập hệ thống quản lý năng lượng; hỗ trợ các nhà máy thực hiện các giải pháp kỹ thuật về TKNL...

CẦN SỰ THAM GIA TÍCH CỰC CỦA CÁC TỔ CHỨC, DOANH NGHIỆP

Doanh nghiệp ở TP Cần Thơ bắt đầu quan tâm đến các sản phẩm thiết bị tiết kiệm điện. Trong ảnh: Các sản phẩm tiết kiệm năng lượng trưng bày tại một Hội nghị triển khai tiết kiệm năng lượng được tổ chức gần đây ở TP Cần Thơ. Ảnh: ANH KHOA 

Trong bối cảnh giá cả các nguồn năng lượng và nhiên liệu (như xăng dầu, điện, ga...) tăng cao, thì việc TKNL là việc rất cần thiết và nó thể hiện rõ hiệu quả kinh tế. Theo Trung tâm TKNL Cần Thơ, sau 6 tháng triển khai thực hiện các dự án và các chương trình TKNL, nhiều cá nhân, DN trên địa bàn thành phố đã có sự thay đổi về nhận thức và tích cực tham gia thực hiện các biện pháp nhằm TKNL. Từ đầu năm đến nay, TP Cần Thơ đã tiết kiệm được một lượng điện năng trên 9,5 triệu Kwh.

Theo ông Trần Quốc Hưng, hiện nay nhiều hộ gia đình và cơ quan, đơn vị, DN đã không còn cho rằng TKNL là chuyện “nhỏ nhặt”, mà coi nó như là một biện pháp chủ yếu trong việc tiết giảm các khoản chi tiêu, giảm chi phí và tăng cường hiệu quả của việc sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tổ chức, cá nhân và DN trên địa bàn thành phố còn xem nhẹ việc thực hiện TKNL. Để đẩy mạnh thực hiện TKNL trên địa bàn thành phố và góp phần thực hiện thành công các mục tiêu về TKNL mà Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đưa ra, đòi hỏi sự tham gia tích cực hơn nữa của các cá nhân và đơn vị, DN trên địa bàn.

Tới đây, Trung tâm TKNL Cần Thơ sẽ tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền và phổ biến sâu rộng hơn nữa đến người dân về các kiến thức và các biện pháp nhằm thực hiện TKNL. Bên cạnh đó, Trung tâm TKNL Cần Thơ cũng tiếp tục tranh thủ các nguồn tài trợ và các dự án hỗ trợ về TKNL do trung ương và các tổ chức quốc tế tài trợ. Đồng thời, có các biện pháp hỗ trợ các cá nhân và đơn vị, DN trong việc thực hiện TKNL như: giới thiệu các mô hình TKNL hiệu quả, giới thiệu các công nghệ và thiết bị TKNL. Ngoài ra, Trung tâm cũng sẽ vận động các nhà sản xuất và kinh doanh các thiết bị, công nghệ ít tiêu tốn điện năng hoặc không sử dụng điện năng (như đèn chiếu sáng tiết kiệm điện, sử dụng năng lượng mặt trời, tua bin gió, máy nước nóng năng lượng mặt trời...) để họ có thể giới thiệu, cung cấp cho người dân tại thành phố với giá ưu đãi.

VĂN CÔNG

Chia sẻ bài viết