21/12/2015 - 20:07

TRƯỜNG ĐẠI HỌC KỸ THUẬT - CÔNG NGHỆ CẦN THƠ

Đẩy mạnh hợp tác quốc tế để nâng cao chất lượng đào tạo

Mở rộng và tăng cường hợp tác quốc tế (HTQT) có vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học của trường đại học. Vì thế, thời gian qua, lãnh đạo Trường Đại học Kỹ thuật - Công nghệ (ĐH KT-CN) Cần Thơ nỗ lực đẩy mạnh hoạt động HTQT và bước đầu mang lại hiệu quả đáng khích lệ.

Trong tháng 9-2015, ông Trương Quang Hoài Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cùng đại diện các sở, ngành, trường đại học (ĐH), cao đẳng trên địa bàn TP Cần Thơ (trong đó có Trường ĐH KT-CN Cần Thơ), tiếp thân mật Đoàn Trường ĐH Miyagi (Nhật Bản), do GS.TS Nguyễn Trí Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực - JAVIP Club - Đại sứ Thiện chí đặc biệt của tỉnh Hyogo (Nhật), làm Trưởng đoàn. Tại buổi tiếp, ông Trương Quang Hoài Nam nhấn mạnh: Để xứng tầm là trung tâm vùng ĐBSCL ở các lĩnh vực, đòi hỏi phải có nguồn nhân lực chất lượng cao, vì thế, thành phố rất quan tâm công tác giáo dục - đào tạo. Do đó, công tác HTQT nói chung, sự hợp tác giữa Trường ĐH Miyagi với các trường ĐH, cao đẳng nói riêng sẽ tạo điều kiện thúc đẩy TP Cần Thơ phát triển. Còn lãnh đạo Trường ĐH KT-CN Cần Thơ mong muốn thành phố tạo điều kiện cho trường nói riêng, các trường ĐH tại TP Cần Thơ nói chung có cơ hội tiếp cận giao lưu với các đoàn khách quốc tế, đẩy mạnh hoạt động HTQT, đây là nền tảng để các trường ĐH phát triển bền vững.

Lãnh đạo TP Cần Thơ, cùng sở, ngành và các trường ĐH (trong đó có Trường ĐH KT-CN CT) tiếp đoàn Trường ĐH Miyagi (Nhật Bản) vào tháng 9-2015.

Xác định vai trò quan trọng của công tác HTQT, cùng với các trường ĐH khu vực ĐBSCL, lãnh đạo Trường ĐH KT- CN Cần Thơ tập trung đẩy mạnh hoạt động này. Theo lãnh đạo nhà trường, trong giai đoạn hội nhập quốc tế, việc đẩy mạnh công tác HTQT là xu hướng tất yếu của các trường nhằm đào tạo nguồn nhân lực không chỉ vững vàng về chuyên môn nghiệp vụ mà còn phải có khả năng hội nhập, đáp ứng môi trường làm việc quốc tế. Để thực hiện hiệu quả công tác HTQT, đòi hỏi nhà trường phải chuẩn bị kỹ lưỡng, đảm bảo đủ nguồn lực cơ sở vật chất, con người mới có thể hợp tác song phương với đối tác quốc tế. Thời gian qua, nhờ sự quan tâm hỗ trợ đầu tư của Thành ủy, UBND, các sở, ngành TP Cần Thơ, trường từng bước hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy phục vụ dạy và học, nghiên cứu khoa học, HTQT. Cùng với cơ sở vật chất hiện có, công trình xây dựng "Khối lớp học, phòng thí nghiệm thực hành" quy mô 1 trệt, 6 lầu, đưa vào sử dụng tháng 9-2015 là một trong những công trình thành phố đầu tư khá lớn cho trường. Bên cạnh đó, trường còn chuẩn bị nguồn nhân lực trình độ cao để đáp ứng yêu cầu phục vụ HTQT. Trường hiện có gần 200 cán bộ, giảng viên, trong đó có 15 tiến sĩ, 98 thạc sĩ. Phần lớn cán bộ có trình độ sau đại học được đào tạo ngoài nước, đây là nguồn lực quan trọng, là "cầu nối" hữu hiệu mang dự án, đề án HTQT về trường.

Theo lãnh đạo Trường ĐH KT-CN Cần Thơ, thời gian gần đây, hoạt động HTQT đạt nhiều kết quả đáng khích lệ như: Tổ chức hội thảo, hội nghị quốc tế; tiếp nhiều đoàn khách quốc tế, tiếp nhận các tình nguyện viên Hàn Quốc và trợ giảng tiếng Anh... Năm 2015, trường tiếp 7 đoàn khách quốc tế, tổ chức 2 hội nghị quốc tế, đồng thời ký kết thỏa thuận hợp tác với một số đơn vị. Đó là: Ký kết với Trường ĐH Soonchunghyang (Hàn Quốc) về lĩnh vực nghiên cứu khoa học, trao đổi cán bộ, giảng viên và sinh viên, trao đổi thông tin trong lĩnh vực học thuật và xuất bản; ký kết thỏa ước hợp tác với Trường ĐH Victoria Wellington (Newzealand) về lĩnh vực nghiên cứu khoa học, trao đổi đào tạo, giảng viên và sinh viên, tổ chức các hội thảo khoa học trong lĩnh đào tạo, khoa học kỹ thuật và quản lý… Tiến sĩ Dương Thái Công, Hiệu trưởng Trường ĐH KT-CN Cần Thơ, cho biết: "Tùy theo thế mạnh mỗi đơn vị đối tác, chúng tôi thực hiện hợp tác từng lĩnh vực cụ thể. Như hợp tác với Trường ĐH Victoria Wellington (VUW), New Zealand về lĩnh vực ngôn ngữ và công nghệ thông tin, trường căn cứ những thế mạnh của khoa Ngôn ngữ học ứng dụng và khoa Hệ thống thông tin quản lý của VUW, nhu cầu của TP Cần Thơ, vùng ĐBSCL và định hướng phát triển của trường". Theo đó, trường đề ra 3 hợp tác gồm: Liên kết đào tạo trình độ thạc sĩ chuyên ngành tiếng Anh dành cho người nói tiếng nước ngoài; chương trình cử nhân TESOL 1,5 + 1,5; đào tạo tiếng Anh để thi các chứng chỉ quốc tế như IELTS, TOEFL. Còn lĩnh vực công nghệ, hệ thống thông tin, trường hợp tác đào tạo trình độ đại học 1,5 + 1,5 và sau đại học hai giai đoạn các chuyên ngành Hệ thống thông tin, Thương mại điện tử và Công nghệ phần mềm... Ngoài ra, trường dự kiến hợp tác với VUW mở các khóa học ngắn hạn đào tạo kỹ năng quản lý cho cán bộ, viên chức TP Cần Thơ và ĐBSCL, nhằm tiết kiệm hiệu quả nguồn ngân sách nhà nước.

Mặc dù còn không ít khó khăn trong thực hiện HTQT, bởi trường mới thành lập khoảng 3 năm nay, nguồn lực còn hạn chế, thế nhưng, thông qua một số hoạt động HTQT gần đây của trường cho thấy, hoạt động này mang lại hiệu quả thiết thực. Đơn cử như, trường có 10 cán bộ học sau ĐH ở các nước bằng nguồn học bổng hợp tác song phương, tiết kiệm ngân sách nhà nước khoảng 10 tỉ đồng… Tiến sĩ Dương Thái Công nhấn mạnh: "Sắp tới, trường nỗ lực đẩy mạnh công tác HTQT. Đồng thời tiếp tục tham mưu cho UBND TP Cần Thơ, xin phép Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai thực hiện các nội dung cụ thể trong bản ghi nhớ ký giữa trường và các đơn vị đối tác, qua đó trao đổi hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho TP Cần Thơ nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung theo tiêu chuẩn quốc tế".

Bài, ảnh: B.Kiên

Chia sẻ bài viết