11/01/2013 - 21:20

Dạy con biết trân trọng giá trị đồng tiền

Hiện nay, khi đời sống vật chất được nâng lên, ở nhiều gia đình, việc cha mẹ cho con tiền để sử dụng khi tuổi còn nhỏ không còn là chuyện hiếm. Nếu điều này diễn ra thường xuyên và thiếu kiểm soát sẽ vô tình tạo cho trẻ có thói quen tiêu xài tiền thoải mái và không biết trân trọng giá trị đồng tiền. Làm thế nào để giúp trẻ biết tiết kiệm, trân trọng giá trị đồng tiền là vấn đề không ít cha mẹ trăn trở...

* Được voi đòi tiên…

Vào siêu thị, một bé gái nhỏ tầm 7-8 tuổi với khuôn mặt dễ thương cố vòi vĩnh mẹ mua cho thứ này thứ nọ. "Mẹ! mua cho con hộp kẹo này nhe! Mua cho con thêm hộp bánh này nữa…". Xoa đầu con gái, bà mẹ nhỏ nhẹ: "Ở nhà còn nhiều bánh kẹo lắm mà con. Mua nhiều làm sao con ăn hết!". "Nhưng con không thích ăn bánh đó nữa. Bạn con vào lớp khoe mua bánh này nè mẹ" – đứa bé trả lời và vùng vằng đòi mẹ mua cho bằng được hộp bánh giữa siêu thị đông đúc. Thấy vậy, bà mẹ trẻ đành mua theo ý của cô bé. Chị than thở cùng cô bạn đi cùng: "Con bé cứ thích là đòi mua. Nhất là khi thấy bạn bè có gì là nó về nhà đòi mua cho bằng được". Không chỉ có trường hợp nêu trên mà hiện nay, ở nhiều gia đình, việc trẻ hay vòi vĩnh, xin tiền tiêu xài, mua những thứ không cần thiết diễn ra khá phổ biến.

Qua những lần đi chơi, mua sắm cùng con, các bậc phụ huynh có thể dạy con trẻ hiểu hơn về giá trị đồng tiền. Ảnh mang tính chất minh họa. Ảnh: P. LAM
 

Với những trẻ đòi gì cha mẹ cũng sẵn sàng đáp ứng thì bao giờ yêu cầu của trẻ cũng ngày càng cao hơn với những thứ có giá trị lớn hơn. Như trường hợp con của chị Hồng (ngụ tại quận Ninh Kiều). Kinh tế không mấy khá giả, hàng ngày chị cũng chi tiêu tiết kiệm nhưng đối với con, chị thường nuông chiều, nhượng bộ khi thằng bé vòi vĩnh thứ này, thứ nọ. Theo chị Hồng, trước đây, gia cảnh của chị khó khăn nên từ lúc nhỏ chị chịu nhiều thiệt thòi, thua sút bạn bè. Giờ đây, chị không muốn con chị phải thiếu thốn giống mình nên khi con cái cần gì, chị đều cố gắng lo đầy đủ. Thấy mẹ chiều chuộng, thằng bé ngày càng đòi hỏi nhiều hơn. Mỗi lần vào lớp, thấy bạn bè khoe nhau thứ gì thì thằng bé liền về đòi mẹ mua cho bằng được. Thằng bé có hẳn một bộ sưu tập gôm với nhiều hình khác nhau. Để có bộ sưu tập này, chị Hồng đã phải mua con thằng bé cả chục lốc sữa. Chị Hồng cho biết: "Trong nhà, lúc nào tôi cũng mua sẵn sữa để trong tủ lạnh. Chưa uống hết nhưng nó cứ đòi mua nữa để có được cục gôm khuyến mãi". Theo chị Hồng, không chỉ có vậy, thằng bé con chị còn có thêm một bộ sưu tập máy bay nhờ ăn bánh snack. Không thích ăn bánh nhưng vì thích xếp hình máy bay nên thằng bé liên tục vòi tiền mẹ mua bánh, thậm chí có hôm, thằng bé chỉ lấy chiếc máy bay còn bánh thì không rớ tới.

Tương tự, chị Bích (cùng ngụ tại quận Ninh Kiều) cũng rất bối rối không biết phải giáo dục con như thế nào về việc sử dụng tiết kiệm tiền bạc. Kinh tế gia đình chị tương đối khá giả. Vợ chồng chị thường xuyên đi làm nên ít chăm sóc cho con. Chính vì thế nên chị thường cho con nhiều tiền như một cách để bù đắp cho con. Có tiền, con chị thỏa sức mua những thứ nó thích. Không chỉ thế, cháu còn dùng tiền mẹ cho để chơi game cùng bè bạn. Chị chia sẻ: "Cháu nó biết xài tiền từ khi còn học tiểu học. Khuyến khích con biết sống tiết kiệm, ngoài tiền cho đi học hàng ngày, tôi còn thường cho tiền cháu khi thì 10 ngàn, khi thì 20 ngàn,… để cho cháu bỏ ống heo. Không ngờ, cháu lại lấy tiền đó để đi chơi điện tử". Phát hiện ra điều này, vợ chồng chị Bích vô cùng tức giận và đã đánh đòn con mình. Tuy nhiên, chứng nào tật đó, thằng bé vẫn thường lén mẹ lấy tiền để dành phung phí vào những trò chơi điện tử vô bổ.

* Dạy con quý trọng giá trị đồng tiền

Theo các chuyên gia tâm lý, trẻ em ở độ 7 - 8 tuổi đã bắt đầu biết sử dụng tiền vì ở độ tuổi này, trẻ đã làm quen với những phép tính toán đơn giản. Vì vậy, các bậc phụ huynh cần dạy trẻ sử dụng tiền sao hợp lý, tiết kiệm, qua đó giúp cho trẻ hình thành một nhận thức đúng đắn về giá trị đồng tiền.

Chia sẻ về bí quyết dạy con biết quý trọng đồng tiền, chị Hằng (ngụ tại quận Bình Thủy) cho biết: "Ngay khi các con còn nhỏ, tôi luôn nghiêm khắc trong việc cho các con tôi xài tiền. Đứa con gái mới học tiểu học thì nhất quyết không cho tiền vì gia đình đã lo ăn uống đầy đủ. Đứa con trai 18 tuổi thì tôi chỉ cho 15 ngàn đồng một ngày, để thỉnh thoảng uống nước với bạn bè, hoặc phòng hờ khi xe hư. Mọi chi phí khác tôi đã lo chu đáo". Mỗi tuần, chị đổ sẵn cho con trai một bình xăng để quản lý việc đi lại của cháu. Trừ tiền cho hàng ngày, nếu con đi sinh nhật cùng bè bạn thì chị mới cho thêm tiền. Còn tiền lì xì Tết của các con, chị để cho các cháu tự quản lý nhưng quan sát và nhắc nhở các con tiêu xài hợp lý. Không chỉ nhắc con tiết kiệm tiền, trong cuộc sống hàng ngày, chị Hằng luôn tập cho con mình thói quen tiết kiệm khác như: phải tắt đèn khi ra khỏi phòng, không được bỏ cơm thừa,... Nhờ vậy, các con của chị chưa bao giờ mua sắm hoang phí.

Thấy tiền lì xì Tết của con gái cứ vơi dần, chị Trang (ngụ tại quận Ninh Kiều) hốt hoảng vì phát hiện ra con gái mình tự lấy tiền tiêu xài. Trước đây, khi con cần mua bánh, kẹo chị thường kêu con vào túi áo hoặc tủ để tự lấy tiền. Do quen tự do tiêu xài số tiền để sẵn của cha mẹ nên con gái chị quen tay, sử dụng tiền mà không hỏi ý kiến chị. Chị chia sẻ: "Khi phát hiện con lấy nhiều tiền để tiêu xài mà không hỏi xin mẹ, tôi mới nhận ra sai lầm của mình. Sau lần đó, tôi chủ động trò chuyện, liệt kê các nhu cầu chi tiêu để cùng con lập kế hoạch chi tiêu cụ thể. Chẳng hạn: một ngày tôi cho con 5 ngàn đồng. Nếu con muốn mua quyển truyện thì phải tự biết tiết kiệm dành dụm tiền để mua sách…". Để rèn tính tiết kiệm cho con mình, chị Trang còn kể cho con nghe về các khoản chi tiêu trong gia đình, về công sức lao động của cha mẹ để kiếm được đồng tiền;… Chị cũng mua cho con một con heo đất để cháu bỏ ống tiết kiệm. Chị cho biết thêm: " Tôi còn khuyến khích cháu phụ tiếp tôi việc nhà. Mỗi khi cháu hoàn thành tốt công việc, tôi cũng cho cháu vài ngàn đồng để khích lệ. Cháu ngày càng siêng năng hơn và hiểu được giá trị của sức lao động".

Có thể thấy, mỗi gia đình có cách quản lý chi tiêu của con khác nhau. Bên cạnh chú ý dạy trẻ biết xài tiền hợp lý, biết trân trọng giá trị đồng tiền, thì việc cha mẹ nêu gương, chi xài tiền tiết kiệm, đúng mục đích chính là cách giáo dục trẻ tốt nhất.

Hạ Vy

Chia sẻ bài viết