25/09/2015 - 14:34

SÓC TRĂNG

Đầu tư phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc

Nhiều năm nay, bên cạnh việc đầu tư phát triển kinh tế vùng đồng bào Khmer thì công tác giáo dục dân tộc cũng được tỉnh Sóc Trăng đặc biệt quan tâm. Qua đó, từng bước nâng cao dân trí, tạo nguồn đào tạo cán bộ người dân tộc phục vụ cho địa phương.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sóc Trăng, từ khi tái lập tỉnh năm 1992, công tác giáo dục dân tộc đã được Đảng, Nhà nước quan tâm. Công tác đào tạo giáo viên 2 thứ tiếng Việt - Khmer, hệ thống cơ sở trường lớp được đầu tư để tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh vùng dân tộc Khmer đến trường. Năm 1992, tỉnh đã đầu tư xây dựng Trường THPT dân tộc nội trú (DTNT) Sóc Trăng (nay trường THPT DTNT Huỳnh Cương) để đào tạo học sinh dân tộc Khmer trên địa bàn. Theo thầy Thạch Song, Hiệu trưởng Trường THPT DTNT Huỳnh Cương, khi mới thành lập, trường được tỉnh sửa chữa, cải tạo một số công trình nhà ở cũ được xây dựng từ trước giải phóng gồm 10 phòng để đáp ứng tạm thời các hoạt động dạy học của nhà trường và chỗ ở cho học sinh. Những năm về sau tỉnh tiếp tục đầu tư xây dựng mới. Đặc biệt, năm 2008, tỉnh đầu tư trên 15 tỉ đồng xây dựng công trình gồm: 6 phòng chức năng, khu ký túc xá học sinh gồm 40 phòng (3 tầng) và nhà ăn tập thể. Hiện nay, trường được tỉnh đầu tư đầy đủ cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ giáo viên được đào tạo đạt và trên chuẩn nên chất lượng giảng dạy ngày càng được nâng lên. Thầy Thạch Song cho biết: "Với sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, năm 2014 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Hơn 23 năm xây dựng và phát triển, tính đến hết năm học 2014-2015, trường đã đào tạo được trên 2.000 học sinh học xong chương trình lớp 12. Đặc biệt, học sinh sau khi tốt nghiệp THPT được ưu tiên xét cử tuyển vào các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và hệ dự bị đại học ở trung ương, khu vực và các trường ở địa phương. Theo thống kê của trường, có khoảng 70% học sinh của trường sau khi tốt nghiệp THPT được đi học các trường đại học, cao đẳng trung học chuyên nghiệp và hệ dự bị đại học".

Học sinh biểu diễn nhạc ngũ âm trong lễ khai giảng Trường THPT DTNT Huỳnh Cương.

Thực hiện Đề án củng cố và phát triển hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2011-2015, thời gian qua tỉnh đã đầu tư 256 tỉ đồng xây dựng hệ thống các trường THCS dân tộc ở các huyện, thị xã, thành phố có đông đồng bào Khmer. Tính đến nay, toàn tỉnh có 9 trường dân tộc nội trú, trong đó có 8 trường THCS và 1 trường THPT, gồm 85 lớp với 2.703 học sinh. Với số lượng trên, Sóc Trăng có gần 12% tổng số học sinh dân tộc Khmer được học ở các trường DTNT trên địa bàn tỉnh. Thầy Trần Khánh - Trưởng phòng Giáo dục Dân tộc, Sở Giáo dục - Đào tạo Sóc Trăng, cho biết: "Để đảm bảo học sinh con em dân tộc Khmer nghèo, vùng đặc biệt khó khăn ở các huyện đều được tham gia học tập tại các trường DTNT, hàng năm tỉnh đều có chỉ tiêu phân bổ cho tất cả các huyện. Đối với trường DTNT cấp THCS thực hiện tuyển sinh bằng hình thức xét tuyển ưu tiên cho học sinh nghèo, vùng đặc biệt khó khăn; đối với trường DTNT THPT thực hiện việc tuyển sinh bằng hình thức thi tuyển kết hợp xét tuyển, với số lượng 60% thi tuyển lấy điểm từ cao xuống thấp, còn lại 40% xét tuyển".

Những năm qua, tỉnh Sóc Trăng đã thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ chính sách đối với học sinh dân tộc thiểu số, nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục công tác ở vùng dân tộc theo đúng quy định. Hiện nay, toàn tỉnh đã có 3/9 trường DTNT đạt chuẩn quốc gia. Trong năm học 2014-2015, chỉ riêng các học sinh dân tộc Khmer học chữ Khmer được cấp sách giáo khoa tiếng Khmer, tập, viết... với kinh phí trên 2,3 tỉ đồng. Theo thầy Thạch Song, trường THPT DTNT Huỳnh Cương luôn đảm bảo thực hiện đúng, đầy đủ và kịp thời tất cả các chế độ mà các đối tượng được hưởng. Cụ thể: Đối với giáo viên và cán bộ quản lý được hưởng phụ cấp ưu đãi với mức 70% và phụ cấp trách nhiệm với mức hệ số 0,3. Đối với học sinh, các em được hưởng các chế độ như: Học bổng với mức bằng 80% mức lương tối thiểu chung (đủ 12 tháng trong năm); khen thưởng học sinh giỏi, tiên tiến; hỗ trợ mua đồng phục, chi tiền tàu xe về thăm gia đình vào dịp Tết, hỗ trợ tiền học phẩm, chi bảo vệ sức khỏe (mua bảo hiểm y tế, mua thuốc phòng, chữa bệnh thông thường), chi tiền điện, nước; chi mua sách giáo khoa dùng chung; chi các hoạt động văn hóa, thể thao, mua sắm các vật dụng sinh hoạt,… Cô Sơn Thị Vành Đa, Hiệu trưởng trường THCS DTNT Mỹ Tú, cho biết: "Hơn 15 năm thành lập, trường luôn được tỉnh quan tâm đầu tư đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học và đội ngũ giáo viên. Năm 2006, trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia đầu tiên của tỉnh thì chất lượng giáo dục nâng lên rõ rệt. Hiện nay, trường có đầy đủ phòng học, phòng máy, thiết bị dạy...và 100% học sinh ở nội trú. Hằng năm, tỷ lệ học sinh lên lớp đạt 100%, trong đó, có trên 70% học sinh khá, giỏi. Đặc biệt, trình độ giáo viên của trường đều được đào tạo đạt chuẩn và trên chuẩn".

Giờ thực hành trên máy vi tính ở Trường THCS DTNT Thạnh Phú.

Trường THCS dân tộc nội trú Thạnh Phú đưa vào sử dụng năm học 2012-2013 cũng có đầy đủ trang thiết dạy học, phòng học, ký túc xá. Trường luôn thực hiện đầy đủ chính sách dành cho học sinh nên không có học sinh bỏ học và 100% học sinh ở nội trú... Tuy nhiên, theo thầy Dương Sà Phol, Phó hiệu trưởng của trường THCS DTNT Thạnh Phú, khó khăn của trường hiện nay là "sau khi các em hoàn thành THCS thì không thể tiếp tục vào THPT DTNT Huỳnh Cương, vì chỉ tiêu tuyển sinh quá ít. Mặt khác, vì khi tuyển đầu vào THCS DTNT thì xét tuyển ưu tiên học sinh nghèo, vùng đặc biệt khó khăn nên chất lượng học chưa đồng đều, vì vậy nhiều học sinh có học lực trung bình nên khi thi tuyển khó đạt kết quả tốt. Năm học 2015-2016, đa số học sinh của trường sau khi tốt nghiệp vào học Trường THPT Văn Ngọc Chính chứ không vào được Trường THPT DTNT Huỳnh Cương. Vì vậy, ngành giáo dục cần có hướng nâng trường THCS lên THPT để đảm bảo cho con em Khmer nghèo có điều kiện học tiếp". Khó khăn mà Phó hiệu trưởng của trường THCS dân tộc nội trú Thạnh Phú vừa nêu cũng là khó khăn chung của các trường THCS DTNT. Vì vậy, từ năm 2011 đến nay, thực hiện đề án củng cố và phát triển hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú, tỉnh Sóc Trăng đã có hướng đầu tư xây dựng trường theo hướng đạt chuẩn quốc gia và có hướng nâng cấp lên THPT. Theo ngành giáo dục tỉnh, toàn tỉnh chỉ có một trường THPT DTNT hằng năm tuyển sinh chỉ khoảng 200 học sinh trong khi có đến gần 3.000 học sinh dân tộc Khmer học trường THCS DTNT. Vì vậy, để sử dụng hết nguồn học sinh THCS DTNT, từ năm 2011 đến nay, tỉnh đầu tư xây dựng trường khang trang hơn và đảm bảo trường lớp, ký túc xá cho học sinh 2 cấp học. Hiện nay, tỉnh đã đưa vào sử dụng thêm 2 trường dân tộc nội trú Châu Thành và Thạnh Phú có cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đầy đủ và đội ngũ giáo viên đều đạt trên chuẩn. Theo kế hoạch sắp tới sẽ nâng 2 trường lên vừa THCS vừa THPT.

Bên cạnh việc quan tâm nâng cao chất lượng giáo dục, các trường còn đẩy mạnh các hoạt động văn nghệ, thể thao; phối hợp tổ chức nhiều hoạt động giáo dục truyền thống thế hệ trẻ; duy trì luyện tập cho các em học sinh sử dụng nhạc cụ dân gian của đồng bào dân tộc như: Ngũ âm, trống Sa dăm... Thầy Thạch Hoàng Tha, Hiệu trưởng trường THCS DTNT Long Phú, cho biết: "Bên cạnh công tác giáo dục văn hóa thì văn nghệ cũng rất quan trọng. Vì các em còn nhỏ, vào trường học sống tự lập và xa gia đình nên rất cần chăm lo về mặt tinh thần. Hiện nay, trường được ngành giáo dục trang bị bộ nhạc ngũ âm, trống Sa dăm, hằng năm cứ đến lễ tết của đồng bào Khmer trường đều tổ chức văn nghệ cho các em vui chơi. Vì vậy, các em đều có tinh thần tốt, xem nhà trường như là ngôi nhà và cố gắng học tập tốt. đồng thới, góp phần giữ gìn văn hóa truyền thống của dân tộc". Các trường còn xây dựng kế hoạch cụ thể và đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và dạy học, tăng cường các hoạt động giáo dục cho học sinh; chú trọng công tác bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên và cán bộ quản lý, như: xây dựng kế hoạch qui hoạch cán bộ quản lý, giáo viên đi học nâng chuẩn về trình độ chuyên môn; thường xuyên tổ chức các hoạt động bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và cán bộ chuyên trách; tổ chức các chuyên đề về nâng cao chất lượng ở các môn học trong các trường vùng đồng bào dân tộc và giữa các trường DTNT…

Với sự chăm lo của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, chất lượng giáo dục, trình độ học vấn vùng đồng bào Khmer ở tỉnh Sóc Trăng ngày càng được nâng lên. Tỷ lệ huy động trẻ em trong độ tuổi đến trường đều đạt kế hoạch đã đề ra. Tỷ lệ tuyển sinh học sinh của các trường THCS DTNT đều đạt và vượt chỉ tiêu. Năm học 2014-2015, toàn tỉnh có gần 22.000 học sinh dân tộc cấp THCS, có trên 11.300 em đạt loại khá giỏi. Cấp THPT có tổng số 6.425 học sinh, trên 2.130 em học lực khá, giỏi. Đặc biệt, hằng năm tỉnh có khoảng 500 em học sinh dân tộc Khmer được học hệ đại học cử tuyển... Theo Thạc sĩ Lý Ro Tha, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Sóc Trăng, tỉnh đang đầu tư trên 64 tỉ đồng xây dựng trường THCS DTNT Trần Đề. Trường đưa vào sử dụng sẽ nâng tổng số trường DTNT của tỉnh lên 10 trường, với khoảng 34.000 học sinh dân tộc Khmer theo học nội trú. "Có thể khẳng định rằng, Đề án củng cố và phát triển hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú trên địa tỉnh Sóc Trăng đã phát huy hiệu quả và góp phần rất lớn trong việc nâng cao trình độ dân trí vùng đồng bào Khmer; thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo nguồn cán bộ dân tộc vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc có chất lượng, đáp ứng như cầu phát triển kinh tế-xã hội trong thời kỳ hội nhập" - Thạc sĩ Lý Ro Tha nhấn mạnh.

Bài, ảnh: LÝ THEN

Chia sẻ bài viết