25/04/2012 - 20:39

Ông Phạm Thành Tươi, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau:

Đầu tư kết cấu hạ tầng, tạo đà thúc đẩy Cà Mau phát triển

 

Cà Mau là một trong 4 tỉnh, thành nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), với lợi thế về kinh tế biển, những năm qua Cà Mau đã đóng góp rất lớn cho sự phát triển chung của vùng. Phóng viên Báo Cần Thơ đã phỏng vấn ông Phạm Thành Tươi, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, về chiến lược phát triển thời gian tới. Ông cho biết:

-Thời gian qua, kinh tế - xã hội tỉnh Cà Mau đã có những bước tiến vượt bậc. Đặc biệt là qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng vùng ĐBSCL thời kỳ 2001-2010, kinh tế - xã hội tỉnh đã đạt nhiều thành tựu quan trọng. Tiềm lực nền kinh tế được nâng lên đáng kể, nhất là về lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp và xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật giao thông, thủy lợi, điện, trường học, trạm y tế, các công trình phúc lợi xã hội... Một số lĩnh vực đã có bước đột phá, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nhiều dự án lớn do Trung ương đầu tư trên địa bàn tỉnh được triển khai tích cực, phát huy hiệu quả đầu tư, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Cà Mau nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung.

Giai đoạn 2001-2010, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh tăng bình quân 12,39%/năm. GDP bình quân đầu người năm 2000 chỉ đạt 5,15 triệu đồng/người/năm, đến năm 2010 tăng lên mức 19,78 triệu đồng (gấp 3,84 lần). Cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch nhanh và đúng hướng; tỷ trọng nông nghiệp giảm từ 59,96% năm 2000 xuống còn 39,9% năm 2010, khu vực công nghiệp - xây dựng từ 20,73% năm 2000 lên 35,9% năm 2010, khu vực dịch vụ tăng từ 19,32% năm 2000 lên 24,2% năm 2010. Tổng kim ngạch xuất khẩu trong 10 năm đạt 5,3 tỉ USD (chủ yếu là xuất khẩu thủy sản). Với kết quả này, Cà Mau trở thành tỉnh có kim ngạch xuất khẩu thủy sản cao nhất cả nước.

* Nằm ở vùng cực Nam Tổ quốc, Cà Mau kém lợi thế trong thu hút các nguồn lực đầu tư vào tỉnh. Những hạn chế này ảnh hưởng đến sự phát triển của tỉnh như thế nào, thưa ông?

Một góc nhà máy đạm - Khu khí điện đạm
Cà Mau. Ảnh: HỮU TÙNG

-Bên cạnh những thành tựu quan trọng đã đạt được, tỉnh Cà Mau còn nhiều khó khăn, hạn chế. Đó là kết cấu hạ tầng gặp nhiều khó khăn, nhất là hệ thống giao thông, đến cuối năm 2010 tỉnh Cà Mau vẫn còn huyện Ngọc Hiển chưa có đường ô tô đến trung tâm huyện; các tuyến đường kết nối đến các cụm kinh tế ven biển, đến trung tâm các huyện chủ yếu quy mô cấp V đồng bằng, mặt đường hẹp, tải trọng thấp, các phương tiện giao thông và nhu cầu vận chuyển hàng hóa; đường ô tô mới đến được trung tâm của 63% số xã. Ngoài ra, toàn tỉnh còn hơn 2.000 km đường về ấp chưa được đầu tư nên nhiều vùng nông thôn việc đi lại của người dân chủ yếu bằng đường thủy.

Tỉnh đã tích cực vận động thực hiện xây dựng Đề án xây dựng 1.588 cầu giao thông nông thôn, nhưng một số nơi chưa có đường nên gặp nhiều khó khăn. Khả năng huy động, thu hút các nguồn vốn đầu tư phát triển còn thấp, đặc biệt là từ nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước do vị trí địa lý xa các trung tâm kinh tế lớn của cả nước, cơ sở hạ tầng yếu kém, nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu. Việc huy động xã hội hóa đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng (giao thông, thủy lợi, trường học, bệnh viện, văn hóa, thể thao...) đã được quan tâm thực hiện nhưng kết quả chưa cao. Khả năng kiểm soát, xử lý ô nhiễm môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu chưa cao. Hệ thống đê biển, đê sông chưa được đầu tư hoàn chỉnh, nhiều vùng sản xuất bị ảnh hưởng do nước biển dâng. Số hộ dân sinh sống ven biển cần di dời rất lớn.

Mặt khác, chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế; đến cuối năm 2010, tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh mới đạt khoảng 30%; tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia chiếm 10% tổng số trường trong tỉnh. Chính vì vậy, việc chuyển dịch cơ cấu sử dụng lao động chậm, tỷ lệ lao động nông nghiệp còn chiếm trên 70%, đây là một trở ngại lớn trong việc nâng cao năng suất lao động và thực hiện xây dựng nông thôn mới. Mức độ đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất chưa cao dẫn đến năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh các sản phẩm của tỉnh còn hạn chế.

* Như vậy, để phát triển nhanh và bền vững, tỉnh đã có những đối sách gì cho thời gian tới?

-Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Cà Mau giai đoạn 2011-2015 là tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, nâng cao hiệu quả và tính bền vững của sự phát triển, huy động mọi nguồn lực của xã hội để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới. Phấn đấu sớm đưa Cà Mau trở thành tỉnh phát triển trung bình khá của cả nước; từ nay đến năm 2015, đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 13,5%/năm...

Để đạt được mục tiêu, nhiệm vụ trên, tỉnh Cà Mau tập trung khai thác có hiệu quả tiềm năng lợi thế của tỉnh, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở một số ngành và lĩnh vực then chốt. Tập trung xây dựng, phát triển nhanh kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, ưu tiên phát triển hạ tầng đô thị, giao thông, thủy lợi và các khu công nghiệp, khu kinh tế. Triển khai mạnh việc ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật và công nghệ, nhất là công nghệ sinh học, công nghệ sạch vào sản xuất. Chú trọng phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và đảm bảo tính bền vững.

* Nhiều ý kiến cho rằng trong xu thế hội nhập, việc liên kết, hợp tác cùng phát triển sẽ giúp các địa phương hội nhập bền vững hơn. Ông nhận định gì về vấn đề này?

-Năm 2011, tỉnh Cà Mau đăng cai tổ chức Diễn đàn MDEC Cà Mau 2011 với chủ đề “ĐBSCL - Liên kết phát triển bền vững”. Tại các sự kiện, đại biểu đã tập trung thảo luận các giải pháp để liên kết phát triển vùng, kết hợp giới thiệu tiềm năng và kêu gọi đầu tư vào vùng ĐBSCL nói chung và tỉnh Cà Mau nói riêng. Đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành đã trao 7 Giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn trên 5.234 tỉ đồng và 530 triệu USD; ký kết thỏa thuận hợp tác đầu tư 4 dự án với tổng vốn 500 tỉ đồng và 936 triệu USD; ký kết 1 văn bản ghi nhớ đầu tư. Tuy nhiên, sự hợp tác, liên kết giữa các địa phương vùng ĐBSCL cũng còn nhiều hạn chế, chưa đi vào chiều sâu, chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế phát triển của từng địa phương. Để phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế của vùng ĐBSCL nói chung và từng địa phương nói riêng, Chính phủ cần phải có những cơ chế, chính sách điều phối, liên kết để khai thác các thế mạnh của vùng ĐBSCL về kinh tế biển, về nông nghiệp, du lịch... Nếu từng tỉnh đều có quy hoạch, định hướng phát triển riêng thì không phát huy được lợi thế cạnh tranh về số lượng, chủng loại đối với các mặt hàng xuất khẩu của vùng.

Các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL cũng đã nhận thức được rằng, trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng thì không thể một mình có thể tự thân phát triển nhanh được mà phải hợp tác, liên kết với nhau để cùng phát triển một cách bền vững. Tôi nghĩ rằng trong thời gian tới các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL sẽ tăng cường hơn nữa sự hợp tác, liên kết với nhau. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả cao cần có sự hỗ trợ hơn nữa từ Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương về các cơ chế, chính sách ưu đãi riêng cho vùng ĐBSCL, ví dụ như cơ chế, chính sách đặc thù về thu hút đầu tư trên địa bàn vùng ĐBSCL.

* Xin cảm ơn ông!

ANH KHOA (thực hiện)

Chia sẻ bài viết