25/05/2008 - 09:59

Dấu ấn mới của “vua cầu treo”

Cầu treo Phú Vĩnh.

Dấu ấn ấy là một chiếc cầu treo được bắc ngang con sông Long Xuyên, nối liền hai xã Phú Hòa và Vĩnh Thành của hai huyện Thoại Sơn và Châu Thành (An Giang). Chiếc cầu mang tên Phú Vĩnh, do “Vua cầu treo” Phạm Ngọc Quý thiết kế, thi công...

Do đặc thù của vùng sông nước, hệ thống kinh rạch chằng chịt ở An Giang phải thường xuyên nạo vét. Tuy nhiên, những chiếc xáng cạp thì rất to, khi quơ cần cẩu, quăng gàu múc đất gặp cầu rất vướng, đi lại không được; có lúc phải “nhổ” cầu đi, nạo vét kinh xong mới “trồng” cầu lại, hư hao, lãng phí... Thời gian qua, mô hình cầu treo của anh Phạm Ngọc Quý (Sáu Quý - được nhiều người gọi là “Vua cầu treo”) đã giải quyết được khó khăn này. Những chiếc cầu treo do anh thiết kế, thi công thường có trụ cầu sát gần bờ sông, độ thông thuyền rộng, độ tĩnh không lớn, không cản trở ghe tàu qua lại, kể cả những chiếc xáng cạp lui tới nạo vét kinh rạch. Mặt khác, giá thành một cây cầu treo thường chỉ bằng khoảng 2/3 giá xây dựng một cây cầu bê tông kích cỡ và tải trọng tương tự.

Cầu treo do anh Sáu Quý thực hiện có giá thành rẻ vì nó không phải tốn các khoản chi phí như: khảo sát, tư vấn thiết kế, thẩm định, giám sát thi công, nghiệm thu... Hầu hết cầu treo này do nhân dân đóng góp kinh phí xây dựng, nhân dân phân công nhau liên hệ mua vật tư, giám sát thi công và nhân dân nghiệm thu một cách công khai, dân chủ nên chẳng lãng phí. Tùy tình hình kinh phí địa phương và hoàn cảnh đặc biệt của khu vực cần xây cầu mà anh Sáu Quý thu một khoản tiền công tương ứng với mức từ 10 đến 20% tổng kinh phí vật tư bỏ ra xây dựng, để trả lương công nhân và mua sắm thiết bị...

Chị Võ Thị Mười, vợ của anh Sáu Quý, bộc bạch: “Nơi nào vận động tiền xây dựng cầu quá khó khăn thì ổng chỉ lấy tiền công đủ để trả lương cho công nhân và những chi phí cần thiết phải có. Ổng nói, coi như phần tiền công, tiền lời của gia đình mình đóng góp vô xây cầu, tạo phúc đức cho con cháu”. Vợ chồng anh chị Sáu Quý có 4 người con trai. Con lớn nhất là Phạm Hoài Ngọc, 25 tuổi, đã có vợ. Ngọc theo cha xây dựng cầu từ lúc còn nhỏ, nay đã thành một thợ lành nghề, có thể thay cha điều hành công việc xây cầu. Con trai kế là Phạm Thanh Ngà đang học đại học, chuyên ngành cầu đường, với mong ước nối nghiệp cha mình thiết kế, xây dựng những cây cầu hiện đại.

Hiện nay, những chiếc cầu treo do anh Sáu Quý thực hiện ngày càng “chuyên nghiệp” hơn nhờ ở kinh nghiệm được anh tích lũy và cá tính dám nghĩ, dám làm, ham học hỏi... Anh đã tự trang bị cho mình một số thiết bị như máy hàn, xà lan, máy ép cọc (dựng trụ cầu là những cọc bê tông dài 12 mét) với tổng vốn đầu tư có trên 150 triệu đồng... Lực lượng lao động đi theo anh Sáu Quý đã trở nên chuyên nghiệp, tay nghề và kinh nghiệm đạt mức thành thạo. Đặc biệt, họ rất hiểu ý anh Sáu Quý nên luôn thao tác chính xác, chất lượng bảo đảm, hạn chế sự lãn công, luôn hoàn thành công trình với thời gian ngắn nhất. Từ năm 1990 đến nay, anh Sáu Quý đã xây dựng được 140 cây cầu treo.

Ông Dương Văn Hoe ở ấp Bình Phú, xã Bình Hòa, huyện Châu Thành (An Giang) là rể của sư cô Phúc Đại (tên thật là Ngô Thị Nở, sinh năm 1918, đang sống ở bang California - Hoa Kỳ), đang thay mẹ vợ trực tiếp theo dõi việc xây dựng cây cầu treo ở chợ Vĩnh Khánh, huyện Thoại Sơn, cho biết: “Sư cô Phúc Đại và tôi rất tin tưởng ở tay nghề và trách nhiệm của Sáu Quý. Gần 40 cây cầu ở An Giang do sư cô bỏ vốn ra làm đều nhờ Sáu Quý thiết kế, thi công”.

Tôi đến cây cầu Phú Vĩnh mà anh Sáu Quý vừa hoàn thành hôm trước Tết Mậu Tý, tận mắt quan sát cây cầu có chiều dài 145 mét, rộng 3 mét, tải trọng trên 2 tấn. Đứng trước cây cầu bề thế này mà lòng tôi không khỏi khâm phục Sáu Quý, anh nông dân học chưa hết cấp I trường làng. Cầu Phú Vĩnh xây dựng rất giống cầu treo Mỹ Thuận, nối liền hai bờ sông cách nhau 110 mét. Bốn trụ cầu được làm bằng 64 cọc bê tông dài 12 mét (trụ điện lực) cắm sâu xuống đáy sông, với mỗi trụ có 16 cọc liên kết nhau. Phía trên những cọc bê tông này là trụ bê tông cao 5,5 mét, nối liền với trụ thép cao 16 mét, trên đỉnh có điểm tựa để đỡ cho 72 sợi cáp đường kính 22 ly treo cả sàn cầu lên cao. Sườn khung sàn cầu làm bằng thép; sàn cầu được trải bằng loại tôn 6 ly, có gờ để tráng lên một lớp nhựa dày... Cầu này có độ thông thuyền 55 mét, độ cao tĩnh không 5,5 mét (tính từ mực nước bằng mặt đường lộ lên dạ cầu) và với chiều dài 145 mét, bốn trụ đỡ dây cáp treo cao vút tạo nên một hình ảnh thật bề thế cho một công trình nổi trội hiện lên giữa vùng nông thôn An Giang.

Ông Lê Minh Quan, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Thoại Sơn, cho biết: Tổng kinh phí xây dựng cây cầu Phú Vĩnh này gần 1,7 tỉ đồng, do nhân dân hai huyện Châu Thành và Thoại Sơn đóng góp. Lãnh đạo cả hai huyện biết được khả năng và nhiệt tình của Sáu Quý nên thống nhất giao cho anh thiết kế, thi công và đã thành công. Công trình này như một “ấn tín” khẳng định tay nghề của “Vua Cầu Treo” Sáu Quý.

Bài, ảnh: MAI BỬU MINH

Chia sẻ bài viết