21/02/2008 - 23:55

Năm Du lịch Quốc gia Mekong - Cần Thơ 2008:

Đất phương Nam mời gọi

Khai mạc ngày hội Ninh Kiều. Ảnh: SỸ HUIÊN

Sáng 21-2-2008, tại TP Cần Thơ đã diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, thể thao phong phú, sôi động, đầy màu sắc. TP Cần Thơ nói riêng và ĐBSCL nói chung đang mở rộng cửa đón chào du khách đến với Năm Du lịch Quốc gia “Miệt vườn sông nước Cửu Long” Mekong – Cần Thơ 2008.

Khởi động...

Không khí lễ hội của ngày khai mạc Năm Du lịch Quốc gia Mekong Cần Thơ 21-2 được khởi động bằng Giải xe đạp TP Cần Thơ mở rộng 2008. 7 giờ sáng, hơn 100 cua-rơ chuyên nghiệp và không chuyên của TP Cần Thơ và một số tỉnh ĐBSCL đã vào cuộc tranh tài sôi nổi, quyết liệt. Các VĐV xuất phát ở đường Lê Lợi (trước sân vận động Cần Thơ), đi qua đường Trần Văn Khéo - Nguyễn Trãi - Trần Phú và về đích trên đường Lê Lợi. Thời tiết se lạnh khiến các cua-rơ nhiều lứa tuổi cùng thi đấu đầy hào hứng ở 6 hạng. Đội đua mô-tô làm nhiệm vụ bảo vệ đường đua vừa giương cao những biểu ngữ đủ màu sắc chào mừng Năm Du lịch Quốc gia Mekong – Cần Thơ 2008.

Bếp trưởng người Pháp David của Khách sạn Victoria Cần Thơ, trong trang phục gọn gàng, “cưỡi ngựa sắt” như một cua-rơ chuyên nghiệp, hồ hởi nói: “Thật hào hứng khi được tranh tài trong bầu không khí lễ hội của Năm du lịch quốc gia, được nhiều người dân đổ ra đường cổ vũ”... Nhiều người dân hai bên đường đã được chứng kiến nhiều pha bứt phá ngoạn mục trên đường đua. Kết thúc giải, các VĐV về nhất là: Đỗ Minh Luân (hạng 51-60 tuổi), Lê Việt Thắng (hạng 41-50 tuổi); Đoàn Văn Dữ (hạng 31-40 tuổi); Võ Chí Công (hạng 25-30 tuổi); Lê Thanh Hiền (hạng trẻ nữ) và Lê Văn Động (hạng trẻ nam).

Ngày hội Ninh Kiều - đậm chất miền Tây

Ngày hội Ninh Kiều chính thức khai mạc vào 8 giờ sáng 21-2-2008, mở màn cho các hoạt động chào mừng Năm Du lịch Quốc gia “Miệt vườn sông nước Cửu Long” Mekong- Cần Thơ 2008. Sau khai hội, hàng ngàn người đổ về bến Ninh Kiều. Hoạt động của ngày hội tại đây được chia làm 4 khu: khu dân gian, khu ẩm thực, khu thương hiệu và khu sân khấu trung tâm.

Các bé hăm hở làm họa sĩ tại ngày hội Ninh Kiều. Ảnh: SỸ HUIÊN

Có thể cảm nhận chất miền Tây thấm đẫm trong từng mô hình, từng hoạt động tại khu dân gian. Mô hình cầu khỉ thu hút khá nhiều du khách, đặc biệt là các du khách nước ngoài thích thú “đi thử”. Những bước chân run run đầy háo hức, tay lần trên thanh vịn... ai qua được chiếc cầu tre lắt lẻo cũng thở phào nhưng rất thích thú. Chị Phạm Việt Hà, người tham gia thiết kế khu dân gian, cho biết: “Chúng tôi mong muốn du khách nơi khác hiểu được vùng ĐBSCL còn người dân ở ĐBSCL thì lại thấy được cuộc sống của mình trong đó”.

Khách tham quan háo hức qua cầu khỉ. Ảnh: SỸ HUIÊN

Ở khu triển lãm ảnh nghệ thuật chủ đề “Một thoáng quê hương”, người xem hiểu rõ hơn về đời sống lao động sản xuất, đời sống văn hóa, tâm linh của người miền Tây qua các tác phẩm “Mùa nước nổi” của Tô Hoàng Vũ, “Se trân dệt chiếu” của Cữu Tỵ, “Lễ hội Nghinh ông sông Đốc” của Quang Minh, “Khai hội vía bà” của Trung Kiên... Những người xa quê lâu ngày sẽ bâng khuâng khi đứng trước một mái nhà tranh, trước sân là bàn thờ ông thiên, bên hông là bụi chuối, bụi môn, chiếc cối xay bột, mảnh lưới còn đẫm nước như vừa được kéo từ sông lên... gợi nhớ một vùng ký ức tưởng như đã xa lắm. Hình ảnh đám cưới chuột được tái hiện hết sức ngộ nghĩnh với bảng vu qui, cổng hoa; cũng có cô dâu, chú rể nhưng đó là những chú chuột bằng rơm, khoác trên mình chiếc áo được làm từ đệm, chiếu...

Các gian hàng đan đát, dệt chiếu, tráng bánh... luôn tấp nập khách tham quan, trò chuyện với những người thợ, tìm hiểu về nghề truyền thống. Vợ chồng bác Trần Văn Năm – Nguyễn Thị Xíu vừa thoăn thoắt đan thúng, vừa vui vẻ giới thiệu nghề đan đát đến nhiều người. Bác Xíu tâm sự: “Quê tui ở Thới Long, Ô Môn. Tính đến đời con tui, gia đình đã có 4 đời làm nghề đan thúng, rổ. Ở xóm tui bây giờ chỉ còn gia đình tui làm nghề này. Đan thúng, rổ phải khéo léo, kiên trì và có ý tứ”.

Vợ chồng bác Trần Văn Năm - Nguyễn Thị Xíu, ở Thới Long, biểu diễn đan thúng. Ảnh: SỸ HUIÊN

Gần đó là gian hàng làm bánh tráng. Các thành viên trong gia đình chị Năm Hơn, ở ấp Mỹ Phước, xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, cứ liền tay tráng, cuốn bánh nhưng vẫn không kịp phục vụ khách. Khi chị Năm Hơn nhấc chiếc vung lên, những làn khói trắng bốc lên cùng mùi bánh lan tỏa, khiến mọi người hít hà trầm trồ. Vợ chồng bác Huỳnh Phước Văn, 68 tuổi, ở đường Trần Phú, quận Ninh Kiều quê ở Vĩnh Long, xuýt xoa: “Thấy nhà tranh, cầu khỉ và mấy món ăn này nhớ quê quá!”.

Tráng bánh tráng. Ảnh: SỸ HUIÊN

Khu thương hiệu lúc nào cũng sôi động với các trò chơi: bé giúp mẹ, nhảy hiphop trên máy nhảy F Pump, hát với Davita Bone... Bạn Nguyễn Hữu Khang, sau khi tham gia hát với Davita Bone ở sân chơi Davita Bone, liền sang sân chơi Hapacol tham gia tiếp các trò chơi, nói: “Các trò chơi đều rất sôi động, rất vui. Nhóm chúng tôi sẽ tìm thêm một vài người để tham gia các trò chơi dân gian trên đường phố”. Tham quan, thử tài ở các trò chơi xong, du khách khó có thể bỏ qua khu ẩm thực. Với giá từ 3.000 đồng đến 15.000 đồng/ món, khách có thể thưởng thức những món ngon đặc sản Nam bộ,như: ốc nướng tiêu, bánh xèo, bánh khọt, cánh gà quay lu, nem nướng... Khách rất thú vị khi ngồi trên những chiếc ghế cóc, thưởng thức khoai lang nướng, đón gió sông Hậu lồng lộng thổi vào.

Bà Phạm Thị Việt Nga, Tổng Giám đốc Dược Hậu Giang, cho biết: “Dược Hậu Giang đã đầu tư khoảng 2 tỉ đồng để tổ chức ngày hội Ninh Kiều nhằm giới thiệu với du khách những đặc trưng của vùng sông nước Cửu Long. Để tổ chức thành công sự kiện này, từ 6 tháng trước, chúng tôi đã chuẩn bị nội dung, thiết kế, mời người tham gia... Ước tính mỗi ngày sẽ có khoảng 3.000 lượt khách đến với ngày hội Ninh Kiều”.

Lễ hội đường phố tưng bừng

Lần đầu tiên TP Cần Thơ tổ chức một lễ hội đường phố tưng bừng hương sắc với chủ đề “Miệt vườn sông nước Cửu Long”. Trước 18 giờ, hàng ngàn người dân đã tề tựu trên các ngã đường dẫn đến khu vực lễ hội (phía trước UBND TP Cần Thơ).

Tiếng trống lân rộn ràng và màn biểu diễn độc đáo do đoàn lân sư rồng Việt Anh Đường- Trung tâm Văn hóa – Thể dục thể thao quận Ninh Kiều “phát pháo” khai cuộc. Tiếp đó là những màn múa võ thể hiện hào khí người đồng bằng. Đúng 18 giờ, ông Phạm Phước Như, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ, công bố khai mạc Lễ hội. Sau những phút sôi động, không khí lễ hội chợt lắng lại với sự xuất hiện uyển chuyển, duyên dáng của những cô gái xinh tươi múa nón. Tiếp đó là màn giới thiệu xoài vàng rực, chuối vàng ươm, thanh long đỏ tươi, mận đỏ thắm, bưởi da xanh, măng cụt nâu sẫm... tạo nên một bức tranh đa sắc giữa lòng thành phố, nói lên sự trù phú của đồng bằng và mời gọi du khách qua mô hình du lịch miệt vườn. Lễ hội đường phố còn hấp dẫn với những màn trình diễn, giới thiệu những tua du lịch biển và sản vật phong phú qua mô hình các loại sinh vật biển như tôm, cua, cá...

Biểu diễn đờn ca tài tử. Ảnh: SỸ HUIÊN

Tiếp thêm cho sự hồ hởi của hàng ngàn người dân xem lễ hội là sự xuất hiện của đoàn diễu hành gồm 15 xe hoa được trang hoàng lộng lẫy. Mỗi xe hoa là một tác phẩm nghệ thuật mang biểu tượng riêng của từng tỉnh, thành ĐBSCL, TP Hồ Chí Minh và sáu quốc gia chung dòng Mekong. Các chủ đề du lịch thành phố, du lịch vườn, du lịch văn hóa các dân tộc, du lịch biển đảo, du lịch 6 nước sông Mekong đan xen nhau làm bật lên sức hấp dẫn của vùng lưu vực sông Mekong.

Trời vừa tối, hàng ngàn người dân đã cùng đoàn hành diễn đi trên “con đường lễ hội” từ Đại lộ Hòa Bình- đường Nguyễn Trãi- đường Trần Văn Khéo. Con đường rực rỡ hẳn lên với cờ hoa, đèn lồng... Sau gần một giờ diễu hành trên đường phố, đoàn kết thúc lễ hội đường phố tại ngã tư đường Lê Lợi- đường Trần Văn Khéo, để tham dự lễ công bố khai mạc Năm Du lịch Quốc gia Mekong – Cần Thơ 2008.

Được biết, 18 giờ 30 phút tối nay (22-2-2008) và tối mai (23-2-2008), lễ hội đường phố còn tiếp tục. Đoàn xe mô hình sẽ diễu hành theo 2 hướng: Từ khán đài đến phường Ba Láng, quận Cái Răng và từ khán đài đến quận Ô Môn.

Lễ công bố khai mạc NDLQG Mekong – Cần Thơ 2008: Rực rỡ, hoành tráng

Đúng 20 giờ ngày 21-2-2008, Lễ công bố khai mạc Năm Du lịch Quốc gia (NDLQG) Mekong – Cần Thơ 2008 chính thức diễn ra. Mở màn là tiết mục khai từ “Những dòng sông hò hẹn” mang đậm dấu ấn của miệt vườn sông nước Cửu Long. Dưới ánh sáng mạnh mẽ của những dải lụa xanh, trắng biểu trưng vườn cây và dòng sông, sinh hoạt của người nông dân miền Tây Nam bộ được tái hiện, hòa cùng điệu hò giao duyên khoan nhặt... Sau phần tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu, đồng chí Nguyễn Tấn Quyên – Ủy viên Trung ương Đảng – Bí thư Thành ủy TP Cần Thơ, đọc lời khai mạc. Sau khi tặng hoa cho lãnh đạo 13 tỉnh, thành ĐBSCL, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng đã long trọng công bố khai mạc NDLQG Mekong - Cần Thơ 2008.

Chương trình nghệ thuật dành cho đêm lễ hội gồm 3 chương “Dấu ấn không phai”, “Sức sống Cửu Long Giang” và “Hội nhập và phát triển” được dàn dựng công phu với thông điệp gởi đến người xem là hình ảnh vùng ĐBSCL giàu tiềm năng.

“Một thoáng Phù Nam” đưa người xem ngược dòng thời gian đến Vương quốc Phù Nam với nền văn minh rực rỡ cách đây gần ngàn năm. Đến thế kỷ 17, cư dân người Việt, Khmer, Hoa, Chăm về đây khẩn hoang, sinh cơ lập nghiệp. Với những nỗ lực và sáng tạo trong lao động họ đã hình thành nên nhiều giá trị mới: “Văn minh miệt vườn”, “Văn minh thương mại” và “Văn minh đô thị”. Giai đoạn chống giặc ngoại xâm của người đồng bằng cũng được tái hiện qua hình ảnh bất khuất của những vị anh hùng dân tộc Nguyễn Đình Chiểu, Bùi Hữu Nghĩa, Nguyễn Trung Trực... Phần này dẫn dắt người xem khái quát quá trình khai hoang, lập nghiệp của cha ông ngày trước, đồng thời nêu bật sức mạnh, chí khí, lòng yêu nước của quân dân Tây Nam bộ...

Bốn tiết mục: “Điểm hẹn màu xanh”, “Giai điệu phương Nam”, “Đất lành chim đậu” và “Người đẹp đồng bằng” trong phần 2 của chương trình tái hiện quá trình xây dựng quê hương của người dân Nam bộ. Với các tiết mục dân ca Nam bộ, ca cổ, hòa tấu nhạc tài tử, người xem được đến với văn hóa truyền thống của 4 dân tộc Việt – Khmer – Chăm – Hoa cùng chung sống trên vùng đất châu thổ hiền hòa.

Du khách nước ngoài rất thích thú nếm thử các món ăn đặc sản Nam bộ. Ảnh: SỸ HUIÊN

Tình hữu nghị các quốc gia trong khu vực Mekong còn được thể hiện qua hình ảnh những chàng trai, cô gái trong trang phục các dân tộc dừng chân trên bến Ninh Kiều. Sức hấp dẫn của những điểm hẹn màu xanh như lời thúc giục: “Miệt vườn sông nước gọi”. Những cánh chim bay lên, những con tàu lướt sóng thể hiện khát vọng: Con tàu du lịch ĐBSCL sẽ vươn ra biển lớn. Hòa trong không khí đó, TP Cần Thơ - thành phố trẻ đang tăng tốc phát triển với bao công trình mới: cảng biển quốc tế Cái Cui, sân bay quốc tế Trà Nóc, đặc biệt là cây cầu dây văng Cần Thơ dài nhất Đông Nam Á sừng sững giữa trời nước sông Hậu hiền hòa, tôn vinh Tây Đô trong bình minh đầy sức sống. Đó cũng là điểm nhấn của cả chương trình.

NSND Ngô Đặng Cường – Tổng đạo diễn chương trình – cho biết: “So với các chương trình khai mạc năm du lịch khác, chương trình này phong phú và nhiều màu sắc hơn vì quy tụ được nét đặc trưng của cả 13 tỉnh, thành ĐBSCL. Hy vọng chương trình sẽ mang đến những dấu ấn sâu sắc cho người xem, qua đó vẫy gọi, thu hút du khách gần xa và các nhà đầu tư đến với ĐBSCL”.

•Nhóm PV

•Nhóm PV

Chia sẻ bài viết