UBND TP Cần Thơ vừa phối hợp với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP Cần Thơ tổ chức Hội nghị Kết nối doanh nghiệp (DN) và ngân hàng năm 2016 với chủ đề "Những giải pháp tài chính hỗ trợ DN nhỏ và vừa". Đây được xem là cầu nối giúp các ngân hàng đưa vốn vào nền kinh tế, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn gắn với đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng. Đồng thời, giúp cộng đồng DN, nhất là các DN nhỏ và vừa có cơ hội tiếp cận vốn, tăng đầu tư công nghệ, đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đưa vốn vào sản xuất
|
Hoạt động sản xuất của DNTN Nhựa Hoàng Thắng, quận Thốt Nốt. |
TP Cần Thơ hiện có hơn 11.700 DN hoạt động, chiếm trên 17% số DN tại khu vực ĐBSCL, tập trung ở các lĩnh vực: kinh doanh bán buôn, bán lẻ và dịch vụ sửa chữa; xây dựng; công nghiệp chế biến; dịch vụ lưu trú, ăn uống
Phân loại theo vốn đầu tư, DN nhỏ và siêu nhỏ hiện chiếm 92,96%; còn lại là DN lớn và vừa. Theo ông Huỳnh Văn Tùng, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế-Xã hội TP Cần Thơ, đa số DN trên địa bàn thành phố là DN nhỏ và vừa nên còn gặp nhiều trở ngại trong tiếp cận thị trường, vốn (đặc biệt là vốn vay ngân hàng), trình độ công nghệ, công tác quản trị DN hạn chế. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được xem là ngành chiếm ưu thế và đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế của thành phố. Tuy nhiên, nút thắt của DN chế biến, chế tạo là thiếu công nghệ dẫn đến sản phẩm xuất khẩu khó cạnh tranh. DN thiếu vốn để đầu tư công nghệ mới, gặp khó khăn khi sản xuất theo chuỗi, khó tận dụng các chính sách ưu đãi do thủ tục phức tạp.
TP Cần Thơ được xem là trung tâm thanh toán của khu vực ĐBSCL với 57 tổ chức tín dụng (TCTD) và chi nhánh đang hoạt động cùng 252 địa điểm có giao dịch ngân hàng. Thời gian qua, ngành ngân hàng đã chủ động liên kết cùng DN để tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận vốn tín dụng, tập trung vốn cho các lĩnh vực ưu tiên và các lĩnh vực thế mạnh; ưu tiên vốn tín dụng cho DN xuất khẩu, DN nhỏ và vừa, công nghệ hỗ trợ, ứng dụng công nghệ cao. Ở lĩnh vực cho vay xuất khẩu, tính đến ngày 31-10-2016, có 24 TCTD tham gia với dư nợ 11.475 tỉ đồng, chiếm 19,22% tổng dư nợ trên địa bàn và tăng 9,2% so với cuối năm 2015. Cho vay hỗ trợ DN nhỏ và vừa có 41 TCTD tham gia với dư nợ 15.793 tỉ đồng, tăng 14,16%. Cho vay công nghiệp hỗ trợ có 6 TCTD tham gia với dư nợ 179 tỉ đồng
Ông Trần Quốc Hà, Giám đốc NHNN Chi nhánh TP Cần Thơ, cho biết: Đến cuối tháng 10-2016, dư nợ cho vay của các TCTD tăng 10,44% so với cuối năm 2015 và tăng 13,95% so với cùng kỳ 2015. Bên cạnh những kết quả đạt được, phải nhìn nhận một thực tế rằng các DN và ngân hàng trên địa bàn hoạt động chưa tương xứng với tiềm năng, vị thế của thành phố. Dư nợ tín dụng 10 tháng năm 2016 tăng 10,44% song vẫn còn thấp hơn trung bình toàn quốc (toàn quốc 10 tháng tăng 12,52%). Vẫn còn DN phản ảnh khó tiếp cận vốn ngân hàng. Ngân hàng và DN chưa thực sự hỗ trợ nhau trong hoạt động, thông tin giữa DN và ngân hàng còn hạn chế
Phát huy vai trò cầu nối
DN nhỏ và vừa là một nhân tố quan trọng trong nền kinh tế. Song đây cũng là thành phần kinh tế dễ bị tổn thương trước những biến động tiêu cực của thị trường. Tại hội nghị "Kết nối DN và ngân hàng năm 2016", đại diện Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam Chi nhánh Tây Nam (BIDV Tây Nam), chia sẻ: Các DN nhỏ và vừa thường không có hoặc có rất ít mối quan hệ từ trước với ngân hàng. Điều này có thể làm giảm khả năng tiếp cận nguồn vốn bởi lẽ các ngân hàng chưa có nhiều thông tin cần thiết liên quan đến kế hoạch vay vốn, tình hình sản xuất kinh doanh, lịch sử quan hệ tín dụng
của DN. Do đó, bản thân các DN nhỏ và vừa cần nâng cao năng lực quản lý và kiểm soát nội bộ trong DN. Đồng thời, cũng cần phải có một hệ thống sổ sách kế toán tài chính rõ ràng, minh bạch để ngân hàng có thể dễ dàng nắm bắt tình hình tài chính cũng như hiệu quả kinh doanh trong quá trình xét duyệt cho vay.
Ngân hàng thương mại cũng là một loại hình DN, khi nền kinh tế gặp khó khăn, doanh nghiệp gặp khó thì ngân hàng cũng gặp khó. Vì vậy, để càng hiểu nhau hơn, cùng chia sẻ khó khăn chung, đòi hỏi phải có sự chung sức của cả DN và ngân hàng. Ông Trần Quốc Hà, Giám đốc NHNN Chi nhánh TP Cần Thơ, chia sẻ: DN cần hạn chế đầu tư dự án chưa bức thiết, rủi ro cao, hiệu quả thấp và tiết giảm chi phí. Ngân hàng cần tham gia hỗ trợ DN trong tìm kiếm thị trường, tư vấn sử dụng vốn, hỗ trợ giảm chi phí dịch vụ, đồng thời tiết giảm chi phí vốn; đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các dịch vụ tín dụng để đáp ứng tốt hơn nhu cầu vốn cho phát triển sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của nền kinh tế. Ngân hàng phải gắn tăng trưởng tín dụng với phát triển dịch vụ ngân hàng, chất lượng nợ, nâng cao năng lực thẩm định các dự án. Cần có các giải pháp hiệu quả đáp ứng đủ nhu cầu vốn cho DN, tăng được dư nợ an toàn cho ngân hàng để cùng nhau đồng hành, phát triển.
Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Thanh Dũng, cho rằng: Các ngân hàng nên chủ động lựa chọn các DN, dự án, phương án sản xuất kinh doanh khả thi, hiệu quả để ký kết hợp đồng tín dụng; tích cực triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN. Cần đẩy mạnh triển khai Chương trình kết nối ngân hàng-DN gắn với việc thực hiện kế hoạch tăng trưởng tín dụng được giao của từng chi nhánh ngân hàng. DN cần nâng cao năng lực quản trị, công khai minh bạch thông tin hoạt động để làm cơ sở cho các chi nhánh ngân hàng thương mại đánh giá, xem xét quyết định cho vay. Đồng thời, phải chủ động rà soát, cơ cấu lại các khoản đầu tư, kiểm soát dòng vốn, tập trung vào các lĩnh vực kinh doanh chính, không đầu tư dàn trải, xác định rõ chiến lược, xây dựng các phương án kinh doanh khả thi, hiệu quả, cân đối được nguồn vốn trả nợ
tạo được niềm tin với ngân hàng, bạn hàng, thị trường và công chúng.
Bài, ảnh: MINH HUYỀN