09/11/2009 - 20:55

Đào tạo và thu hút nguồn nhân lực cho các quận, huyện

Liên kết với các cơ sở đào tạo để bồi dưỡng nâng cao trình độ cán bộ, viên chức. Đây là một trong những giải pháp khắc phục yếu kém năng lực.
Trong ảnh: Giờ học ở Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ.

Nguồn nhân lực ở cấp cơ sở đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế- xã hội của các địa phương. Thời gian qua, khi TP Cần Thơ tiến hành chia tách địa giới hành chính, thành lập các quận, huyện mới, nhu cầu nguồn lực cán bộ cho các đơn vị này tăng cao dẫn đến tình trạng thiếu hụt cán bộ công chức, cán bộ công chức chưa đạt chuẩn. Nhiều giải pháp đã được thực thi ở cả hai khía cạnh đào tạo và thu hút nguồn nhân lực.

* Thiếu hụt trầm trọng

Tháng 12 năm 2008, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ, được thành lập trên cơ sở một phần diện tích tự nhiên và nhân khẩu của huyện Cờ Đỏ, huyện Thốt Nốt (cũ). Sau khi chia tách, huyện mới phải đối mặt với những khó khăn về nguồn lực cán bộ. Ông Lê Minh Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Thới Lai, cho biết: “Hiện nay, chỉ khoảng 50% cán bộ công tác ở các đơn vị xã, thị trấn thuộc huyện, đạt chuẩn. Cán bộ ở 3 xã mới: Tân Thạnh, Trường Thắng, Trường Xuân B, đều là cán bộ mới, kinh nghiệm công tác còn hạn chế”. Theo ông Sơn, mặc dù huyện Thới Lai đã thực hiện nhiều biện pháp ưu đãi: sinh viên có trình độ đại học về công tác tại huyện được hưởng 100% lương, không phải qua giai đoạn tập sự, bố trí công việc hợp lý,... nhưng vẫn chưa thu hút được nguồn nhân lực có trình độ. Ông Sơn nói: “Lĩnh vực y tế thiếu trầm trọng y, bác sĩ. Năm 2010, Bệnh viện Đa khoa huyện Thới Lai được thành lập với qui mô 150 giường nhưng hiện nay chỉ mới có 10 bác sĩ. Trong tương lai, 3 trạm y tế của 3 xã mới cũng sẽ được thành lập nhưng nguồn lực y, bác sĩ thì chưa có”.

Theo thống kê của Phòng Nội vụ huyện Thới Lai, toàn huyện có 345 cán bộ, công chức, viên chức chuyên trách xã, thị trấn. Năm 2009, có 103 người đi học nâng cao trình độ ở bậc đại học, sau đại học. Từ năm 2006 đến nay, có 201 cán bộ đi học các lớp từ trung cấp đến thạc sĩ. Ông Trần Quốc Phục, Trưởng phòng Nội vụ huyện Thới Lai, cho biết: “Đối với phần lớn sinh viên mới ra trường, để đáp ứng tốt yêu cầu công việc, phải mất khoảng 3 năm”. Chính vì vậy, huyện vừa thiếu cán bộ lại vừa mất thời gian đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ công chức mới. Huyện Thới Lai phấn đấu đến năm 2013, 100% cán bộ cấp xã, thị trấn đến cấp huyện đạt chuẩn theo qui định.

Tình trạng thiếu hụt về số lượng cán bộ, cán bộ chưa đạt chuẩn xảy ra ở hầu hết các đơn vị sau khi chia địa giới hành chính. Ông Trần Hoàng Việt, Trưởng phòng Nội vụ quận Thốt Nốt, cho biết: “Quận rất cần đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên sâu. Do chia tách địa giới hành chính, nguồn cán bộ của quận “hụt” cả về số lượng lẫn chất lượng, nhất là đội ngũ cán bộ ở các phường”. Toàn quận Thốt Nốt có gần 300 cán bộ, viên chức; trong đó chỉ mới có 72 cán bộ có trình độ đại học trở lên và có đến 36 cán bộ chưa đạt chuẩn.

* Vừa đào tạo, vừa thu hút

UBND quận Thốt Nốt vừa triển khai đề án “Đào tạo nguồn nhân lực và sử dụng nhân tài quận Thốt Nốt giai đoạn 2010-2015” (gọi tắt là Đề án 30+3). Theo Đề án này, mỗi năm, quận Thốt Nốt sẽ hỗ trợ 30 sinh viên đang theo học đại học chính qui với mức không quá 6 triệu đồng/ năm/ sinh viên. Sinh viên tốt nghiệp đại học, vào công tác tại các đơn vị hành chính của quận sẽ được hỗ trợ khoảng 15 triệu đồng/ người. Với cách làm này, dự kiến, đến năm 2015, các đơn vị hành chính của quận Thốt Nốt sẽ có thêm 90 cán bộ có trình độ đại học. Ông Trần Hoàng Việt, Trưởng phòng Nội vụ quận Thốt Nốt, cho biết: “Vừa qua, đề án đã thu hút 16 sinh viên tốt nghiệp đại học về quận công tác tại các đơn vị hành chính”. Điển hình là trường hợp Nguyễn Nhựt Bằng, tốt nghiệp Học viện Chính trị hành chính TP Hồ Chí Minh, hiện là chuyên viên Văn phòng UBND quận Thốt Nốt. Bằng nói: “Công việc phù hợp với chuyên môn mà tôi được đào tạo. Tôi cũng hy vọng sẽ có điều kiện để tiếp tục học nâng cao trình độ”.

Đề án 30+3 cũng khuyến khích cán bộ, viên chức của quận Thốt Nốt học tập nâng cao trình độ chuyên môn, chính trị... Cán bộ đi học tại TP Cần Thơ được hỗ trợ không quá 3 triệu đồng/ năm; đi học tại TP Hồ Chí Minh được hỗ trợ không quá 5 triệu đồng/ năm; đi học tại Hà Nội hoặc các tỉnh phía Bắc thì mức hỗ trợ không quá 7 triệu đồng/ năm. Ngoài ra, những sinh viên khó khăn về nhà ở, quận sẽ tạo điều kiện bố trí nhà công vụ trong thời gian học tập...

Để chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, công chức, lãnh đạo huyện Thới Lai chỉ đạo Trung tâm Giáo dục Thường xuyên huyện phối hợp đào tạo tại chỗ bậc trung cấp, đại học chính trị, luật, kế toán,... Ông Lê Minh Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết: “Chúng tôi cố gắng làm tốt công tác qui hoạch cán bộ, đồng thời qui định nếu cán bộ công chức chưa đạt chuẩn mà không đi học sẽ không được cơ cấu vào vị trí công tác. Huyện sẽ tạo điều kiện về thời gian, công việc để cán bộ an tâm đi học”. Bên cạnh đó, hằng năm huyện Thới Lai đều tổ chức họp mặt sinh viên, trao học bổng khuyến học, khuyến tài cho sinh viên vượt khó, học giỏi để động viên sinh viên về địa phương công tác.

Một trong những đơn vị liên kết với huyện Thới Lai là Trường Cao đẳng Kinh tế- Kỹ thuật Cần Thơ. Hiện nay, 64 cán bộ, công chức của huyện đang theo học các lớp kế toán, quản lý tài chính... ở trường này. Ông Nguyễn Thành Long, Phó Hiệu trưởng trường, cho biết: “Việc liên kết đào tạo với các đơn vị sẽ giúp cán bộ, giáo viên học hỏi thêm được nhiều kinh nghiệm thực tế. Học viên theo học cũng phát huy hiệu quả lao động, học tập. Đây là những cán bộ, viên chức đang kiêm nhiệm nên những kiến thức học ở trường sẽ áp dụng ngay vào thực tế công việc”.

* * *

Thực tế cho thấy, các địa phương đều nỗ lực thu hút nguồn nhân lực có trình độ về công tác trong các đơn vị hành chính của quận, huyện hoặc công tác tại các xã, phường, thị trấn; đồng thời, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ công chức sẵn có. Tuy nhiên, hiệu quả thật sự vẫn chưa đạt như mong muốn. Điều mà các trí thức trẻ ngại trở về địa phương chính là: môi trường công tác để phát huy năng lực, sở trường; điều kiện học tập để nâng cao trình độ; thu nhập... Giải quyết được những vấn đề này một cách hài hòa sẽ giải quyết được bài toán về nguồn lực cán bộ công chức cho các quận, huyện, đặc biệt là những đơn vị hành chính mới chia tách.

Bài, ảnh: B.KIÊN

Chia sẻ bài viết