22/09/2014 - 19:47

Đào tạo nhân lực y tế - đa nhưng phải tinh

Chuyện thiếu hụt nguồn nhân lực y tế vùng ĐBSCL không mới, nhưng lại trở thành vấn đề “nóng” trong thời gian gần đây. Theo khảo sát của Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, toàn vùng còn hơn 320 xã và trạm y tế xã thiếu bác sĩ. Các địa phương thiếu bác sĩ, dược sĩ đại học trầm trọng là: An Giang, Sóc Trăng, Tiền Giang, Kiên Giang. Đặc biệt ở một số huyện vùng xa, hải đảo của tỉnh Kiên Giang như: Kiên Hải, Phú Quốc, nhiều trạm y tế hầu như không có bác sĩ. Trong báo cáo của Trường Đại học Y Dược Cần Thơ (ĐHYD CT) ghi rõ: Nguồn nhân lực y tế các tỉnh vùng ĐBSCL còn thấp so với Quyết định số 122 và Quyết định 2166 của Chính phủ. Theo ông Võ Trọng Hữu, Vụ trưởng Vụ Văn hóa - Xã hội, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, so với các quyết định của Chính phủ về đào tạo nhân lực cho vùng, ĐBSCL chưa đạt yêu cầu. Vùng đang thiếu trầm trọng nguồn nhân lực ở 5 chuyên ngành: lao, phong, tâm thần, pháp y, giải phẫu bệnh lý. Giai đoạn 2014-2015, toàn vùng cần đào tạo 961 bác sĩ 5 chuyên ngành trên (trong đó năm 2014 cần 451 bác sĩ; năm 2015 cần 510 bác sĩ).

Tại Hội nghị đào tạo nhân lực y tế vùng ĐBSCL năm 2014 do Trường ĐHYD CT tổ chức trong tháng 8-2014 vừa qua, lãnh đạo Sở y tế các tỉnh, thành ĐBSCL đã bày tỏ nỗi lo này. Giám đốc Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long Trần Văn Út nói: Tỉnh đề ra chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2015 sẽ đạt 7 bác sĩ/vạn dân nhưng đến nay chỉ đạt tỷ lệ khoảng 5,3 bác sĩ. Trong khi đó, đầu năm 2015, tỉnh sẽ có 3 đến 4 bệnh viện đi vào hoạt động. Tỉnh đang lo tìm đâu ra cùng lúc hàng trăm bác sĩ?! Giám đốc Sở Y tế tỉnh Sóc Trăng Trương Hoài Phong bày tỏ: 4 năm qua, ngành y tế tỉnh không nhận được hồ sơ xin việc của bác sĩ. Trong khi có trường hợp bác sĩ ở Sóc Trăng xin chuyển công tác đến các tỉnh, thành khác. Tương tự, tại TP Cần Thơ, trung tâm vùng ĐBSCL, đang thiếu trầm trọng cán bộ y tế chuyên ngành: tâm thần, pháp y, giải phẫu bệnh lý…

Để giải bài toán nhân lực y tế cho vùng, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ phối hợp với Trường ĐHYD CT, Trường ĐHYD TP Hồ Chí Minh đào tạo nguồn nhân lực y tế cho vùng. Thời gian qua, Trường ĐHYD CT đa dạng hóa ngành nghề, hình thức đào tạo. Quy mô đào tạo của trường tăng hằng năm (các năm: 2004, 2005, 2006, chỉ tiêu tuyển chỉ vài trăm sinh viên, đến các năm: 2012, 2013, 2014 chỉ tiêu tuyển hơn 1.100 sinh viên). Hằng năm, trường đào tạo hàng trăm bác sĩ, dược sĩ, cử nhân hệ chính quy cho vùng; chưa kể số bác sĩ, dược sĩ, cử nhân ngoài chính quy nhưng chỉ đáp ứng khoảng 20%-30% theo nhu cầu các tỉnh. Để đẩy nhanh tốc độ đào tạo nguồn nhân lực y tế cho vùng, nhiều lãnh đạo ngành y tế các tỉnh, thành hiến kế: Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ và Trường ĐHYD CT nên đề xuất với Bộ tăng chỉ tiêu tuyển sinh cho hệ chính quy và liên thông, hạ điểm chuẩn trúng tuyển; có cơ chế chính sách đặc biệt cho vùng, nhất là một số tỉnh còn khó khăn, hải đảo… Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, ngành y khoa thuộc lĩnh vực đặc thù, đòi hỏi phải đảm bảo chất lượng đào tạo. Ông Quách Việt Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, cho biết: Một số trường ĐH ngoài công lập tại ĐBSCL đã mở ngành y, dược và lấy điểm đầu vào khá thấp. Tuy nhiên, tỉnh còn lo ngại chất lượng đào tạo ở các trường này. Giáo sư Phạm Văn Lình, Hiệu trưởng Trường ĐHYD CT, nhấn mạnh: “Thời gian tới, trường tiếp tục đa dạng hóa các loại hình đào tạo; cân đối, điều chỉnh chỉ tiêu phù hợp theo đề xuất cụ thể của các địa phương. Tuy nhiên, trường không thể hạ mức điểm xét tuyển (trừ một số chuyên ngành đặc biệt) để đảm bảo chất lượng đào tạo”.

Công bằng mà nói, để điều trị và chăm sóc sức khỏe bệnh nhân hiệu quả, bên cạnh cơ sở vật chất, trang thiết bị thì vai trò đội ngũ y, bác sĩ rất quan trọng. Vì vậy, vấn đề bức thiết là đẩy nhanh tốc độ nguồn nhân lực y tế cho vùng ĐBSCL. Theo các chuyên gia y tế, các cơ sở đào tạo cần cung cấp nguồn nhân lực y tế “đa nhưng phải tinh” để giữ “thương hiệu” đơn vị; quan trọng hơn, đây còn là lĩnh vực đặc thù, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân.

Ng.Ngân

Chia sẻ bài viết