20/10/2014 - 20:47

TRƯỜNG ĐẠI HỌC CẦN THƠ

Đào tạo nguồn nhân lực chuyên môn sâu cho ĐBSCL

Hằng năm, Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT) luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực cho ĐBSCL và cả nước. Song song đó, Trường ĐHCT còn quan tâm đẩy mạnh công tác đào tạo sau ĐH nhằm góp phần nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học, kỹ năng nghề nghiệp cho lực lượng trí thức trẻ. 5 năm qua (2010-2014), Trường ĐHCT gặt hái nhiều kết quả khả quan và sẽ mở rộng đào tạo sau ĐH thời gian tới...

* ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC ĐÀO TẠO SAU ĐH

Ban Giám hiệu Trường ĐH Cần Thơ tổ chức trao bằng tiến sĩ, thạc sĩ cho học viên vào tháng 5-2014. 

Theo Trường ĐH Cần Thơ, công tác đào tạo sau ĐH của Trường bắt đầu từ năm 1982. Khi đó, Trường ĐH Cần Thơ được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao nhiệm vụ đào tạo bậc tiến sĩ với 2 chuyên ngành là vi sinh học và nông hóa - thổ nhưỡng. Năm 1993, trường triển khai đào tạo cao học bậc thạc sĩ, gồm 4 chuyên ngành: nông học, chăn nuôi, thú y và sinh thái học. Thời gian này, ít học viên theo học các bậc tiến sĩ, thạc sĩ do cán bộ, giảng viên của trường có học vị, học hàm còn thấp, chưa đáp ứng nhu cầu mở thêm các ngành đào tạo sau ĐH.

PGS.TS Mai Văn Nam, Trưởng Khoa sau ĐH, Trường ĐHCT, cho biết: “Thời gian qua, Trường ĐHCT tích cực tham gia các chương trình nghiên cứu khoa học, ứng dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật để giải quyết những vấn đề về khoa học, công nghệ, kinh tế, văn hóa và xã hội ĐBSCL. Đặc biệt, trường sớm tạo mối quan hệ hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học với các trường ĐH, viện và tổ chức quốc tế. Đồng thời, Nghị quyết Đảng ủy Trường ĐHCT nhiệm kỳ 2010-2015 khẳng định, đào tạo sau ĐH là một trong những nhiệm vụ quan trọng; Kế hoạch phát triển trường giai đoạn 2012-2017 và tầm nhìn đến năm 2020 cũng đặt mục tiêu đẩy mạnh công tác đào tạo sau ĐH... Nhờ đó, công tác này được quan tâm đầu tư mạnh và gặt hái kết quả khả quan”.

Hiện Trường ĐHCT có 14 khoa, 3 viện nghiên cứu, 7 đơn vị trực thuộc và 12 phòng, ban chức năng đảm nhận đào tạo 93 chuyên ngành bậc đại học, 32 chuyên ngành trình độ thạc sĩ, 13 chuyên ngành trình độ tiến sĩ. Quy mô đào tạo đại học: 55.020 sinh viên; sau ĐH: 3.950 học viên, trong đó có 287 nghiên cứu sinh, 3.663 học viên cao học... Giai đoạn 2010 - 2014, Trường ĐHCT tuyển sinh sau ĐH đạt kế hoạch đề ra. Điển hình, năm 2010 chỉ tiêu tuyển sinh: 1.000 thạc sĩ và 30 tiến sĩ; năm 2012: 1.500 thạc sĩ và 100 tiến sĩ; năm 2014: 976 thạc sĩ và 130 tiến sĩ... Đối với trình độ thạc sĩ, hằng năm số lượng trúng tuyển chiếm tỷ lệ từ 29% - 44% so với số lượng đăng ký dự thi. Các học viên trúng tuyển sau ĐH được đào tạo gồm các ngành: trình độ tiến sĩ có các ngành Kinh doanh và quản lý, Khoa học sự sống, Khoa học tự nhiên, Nông - lâm nghiệp và thủy sản, sản xuất và chế biến, thú y; trình độ thạc sĩ gồm các ngành Khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên, Kinh doanh và quản lý, Pháp luật, Toán và thống kê, Khoa học sự sống, Khoa học tự nhiên, máy tính và công nghệ thông tin... Trong đó có nhiều ngành đào tạo sau ĐH liên kết với các trường ĐH trong nước và quốc tế. Giai đoạn 2010 - 2014, Trường ĐHCT đào tạo 35 tiến sĩ và 3.841 thạc sĩ. Trong đó hằng năm, học viên cao học tốt nghiệp loại xuất sắc, giỏi rất cao, chiếm tỷ lệ trên 80%, góp phần bổ sung, phát triển nguồn nhân lực có học vị cao cho ĐBSCL và cả nước.

* KHÔNG NGỪNG PHÁT HUY HIỆU QUẢ

Thời gian qua, các khoa, viện, phòng ban của Trường ĐHCT không ngừng đổi mới, đầu tư trang thiết bị, phòng thí nghiệm, nghiên cứu hiện đại để phục vụ đào tạo sinh viên, học viên sau ĐH. PGS.TS Mai Văn Nam cho biết thêm: “Công tác đào tạo sau ĐH của trường ngày càng được chú trọng. Trường ĐHCT tập hợp các cán bộ có học hàm (giáo sư, phó giáo sư), học vị (tiến sĩ khoa học, tiến sĩ và thạc sĩ) đủ điều kiện và khả năng đào tạo sau ĐH. Đây là những nhà nghiên cứu, giảng viên chính nhiều kinh nghiệm nên thuận lợi trong truyền thụ kiến thức, phương pháp nghiên cứu, gợi mở cho nghiên cứu sinh và học viên cao học ý tưởng khoa học, định hướng nghiên cứu mới, cập nhật thông tin… Nhờ vậy, đảm bảo chất lượng và nâng cao hiệu quả đào tạo sau ĐH”.

Là một trong những khoa được giao nhiệm vụ đào tạo sau ĐH từ năm 2006, Khoa Thủy sản đào tạo 21 khóa cao học và 8 khóa nghiên cứu sinh. Hiện khoa đang đào tạo 2 ngành cao học là nuôi trồng thủy sản và quản lý nguồn lợi thủy sản, với 157 học viên; 40 nghiên cứu sinh được đào tạo trình độ tiến sĩ ngành nuôi trồng thủy sản. PGS.TS Vũ Ngọc Út, Phó Trưởng khoa Thủy sản, cho biết: “Hiện khoa có 54 cán bộ, giảng viên, trong đó có 33 giảng viên có trình độ tiến sĩ (chiếm tỷ lệ 60%) là giảng viên đầu ngành về giảng dạy, nghiên cứu khoa học, đào tạo sau ĐH. Hầu hết giảng viên này đều tốt nghiệp tiến sĩ ở các nước như: Úc, Bỉ, Đan Mạch, Nhật, Mỹ, Anh, Pháp... tạo sự đa dạng về nguồn nhân lực và kiến thức, kinh nghiệm áp dụng vào giảng dạy từ những nghiên cứu trong và ngoài nước. Thời gian tới, khoa rất cần sự hỗ trợ, tạo điều kiện của trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo để cán bộ, giảng viên tiếp tục được nâng cao kiến thức, học tập và trao đổi kinh nghiệm giảng dạy, nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước, đóng góp nguồn nhân lực có trình độ tiến sĩ, phục vụ tốt công tác đào tạo đại học và sau ĐH”.

Từ nay đến năm 2022, Trường ĐHCT sẽ mở thêm 44 ngành đào tạo trình độ thạc sĩ, 16 ngành trình độ tiến sĩ. Trong đó có 2 ngành trình độ thạc sĩ và 3 ngành trình độ tiến sĩ được đào tạo bằng tiếng Anh để thu hút học viên nước ngoài tham gia học tập, nghiên cứu... PGS.TS Nguyễn Thanh Phương, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHCT, khẳng định: “Tập trung đẩy mạnh đào tạo sau ĐH là một trong những mục tiêu hàng đầu của Trường ĐHCT thời gian tới. Ban Giám hiệu, tập thể cán bộ, viên chức, giảng viên Trường quyết tâm nâng cao tinh thần trách nhiệm, đầu tư nghiên cứu, nâng cao chất lượng giảng dạy... để đào tạo lực lượng tri thức, có học vị cao, chuyên môn sâu, phục vụ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết