28/07/2024 - 08:13

Tuyên Trung hầu Nguyễn Văn Tuyên

Danh tướng có nhiều công lao với đất Nam Kỳ 

Theo gia phả của dòng họ, ông Nguyễn Văn Tuyên tên thật là Phan Văn Tuyên(1). Ông sinh năm Quý Tỵ (1763), nguyên quán làng Kiêm Toàn, huyện Phú Xuân, tỉnh Thừa Thiên. Do lập được nhiều chiến công cho Nguyễn Vương - Phúc Ánh để gây dựng nên cơ nghiệp triều Nguyễn sau này nên ông được vua Gia Long ban họ Nguyễn (tức cho theo họ nhà vua). Vì vậy mà sử sách triều Nguyễn mới ghi chép ông là Nguyễn Văn Tuyên, tước Tuyên Trung hầu.

Chánh điện thờ Tuyên Trung hầu tại Ðền thờ Tuyên Trung hầu, thuộc xã Mỹ An Hưng A, huyện Lấp Vò, tỉnh Ðồng Tháp.  Ảnh: Võ Hữu Nghị

Cha ông là cụ Phan Văn Hậu, và mẹ là bà Võ Thị Đức từ sớm đã theo các Chúa Nguyễn vào Nam lập nghiệp. Buổi đầu, gia đình ông dừng chân ở đất Gia Định để sanh sống, sau một thời gian gia đình ông tiến về vùng Sa Đéc rồi định cư ở thôn Tòng Sơn thuộc huyện Vĩnh An, phủ Tân Thành, tỉnh An Giang (nay là xã Mỹ An Hưng A, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp)(2). Ông Nguyễn Văn Tuyên là anh cả trong gia đình nên từ nhỏ ông đã phụ giúp cha mẹ khai phá ruộng đồng để sanh cơ lập nghiệp. Nhờ vậy ông có thân hình cường tráng, sức khỏe hơn người, cộng với tánh tình phóng khoáng, nghĩa hiệp, trọng đạo nghĩa, lại biết võ nghệ... nên ông có uy tín cao trong vùng(3). Lớn lên trong cảnh chiến tranh loạn lạc, ông đã sớm có chí theo đường binh nghiệp để tạo lập công danh.

Năm 25 tuổi, ông theo về đầu quân Nguyễn Vương. Trải qua nhiều trận chiến quyết liệt và lập được nhiều chiến công vang dội, đặc biệt là chiến công khi theo Tả quân Lê Văn Duyệt đánh dẹp ác man ở Quảng Ngãi, ông được vua tin tưởng và cho giữ nhiều chức vụ trong quân và thăng trải dần đến những vị trí quan trọng trong triều đình về sau.

Sách Đại Nam nhất thống chí cho biết: “Nguyễn Văn Tuyên, người huyện Vĩnh An, đầu đời trung hưng theo quân đi đánh giặc, lập nhiều chiến công, làm đến Vệ úy Vệ Hữu bảo quan Chấn võ, theo Lê Văn Duyệt đi đánh ác man ở Quảng Ngãi, lại đem quân vào đào sông Vĩnh Tế, sau ra làm Trấn thủ hai tỉnh Định Tường và Vĩnh Thanh, lại làm Án thủ Châu Đốc, bảo hộ nước Cao Miên”(4).

Sách Đại Nam liệt truyện ghi chép cụ thể hơn: “Người huyện Vĩnh An, trấn An Giang, đầu năm Mậu Thân (1788) ra tòng quân đi đánh giặc, từng làm Phó vệ úy vệ Hổ uy quân Thần sách, có tội phải cách chức, rồi lại khởi phục nguyên hàm theo quân đi đánh giặc, năm Tân Dậu thăng Vệ úy, bỗng thăng Vệ úy vệ Kinh uy doanh Tiền quân. Gia Long năm thứ 11 thăng Vệ úy vệ Kiên uy doanh Tiền quân. Gia Long năm thứ 11, thăng Vệ úy vệ Chấn bảo nhất quân Chấn vũ Khâm sai chưởng cơ. Năm thứ 15, kiêm quản Vệ úy Hữu bảo nhất Hữu quân, đem quân hai vệ Hữu bảo nhất, Hữu bảo nhị theo Lê Văn Duyệt di đánh ác man ở Quảng Ngãi; chém được hơn trăm đầu giặc, được thưởng 300 quan tiền. Mùa đông năm thứ 18, đào sông Vĩnh Tế, sung làm Phó đổng lý. Minh Mạng năm thứ 3 theo chức cũ làm Trấn thủ Biên Hòa, vì có tang cha, xin từ chức, khi hết tang được điện bổ Trấn thủ Định Tường. Mùa đông năm thứ 4, hội đồng với Thống chế Nguyễn Văn Thụy và Trần Công Lại trông coi việc đào sông Vĩnh Tế, rồi được triệu về Kinh. Năm thứ 5, ra Trấn thủ Vĩnh Thanh, rồi bổ Thống chế coi biền binh thành Gia Định. Năm thứ 8 Tổng trấn Lê Văn Duyệt về Kinh, quyền nhiếp Tổng trấn vụ. Năm thứ 9, Duyệt trở về, Tuyên lại cung chúc như cũ. Năm thứ 10, bảo hộ Chân Lạp quốc ấn, đóng giữ đồn Chu Đốc. Kiêm lĩnh việc biên giới Hà Tiên”(5).

Quang cảnh Lễ giỗ Tuyên Trung hầu lần thứ 193 diễn ra trước Khu lăng mộ Tuyên Trung hầu, tại xã Mỹ An Hưng A, huyện Lấp Vò, tỉnh Ðồng Tháp. Ảnh: Võ Hữu Nghị

Đến năm Minh Mạng thứ 11 (1831), ông lâm trọng bệnh rồi mất tại Châu Đốc khi đang tại nhiệm, thọ 68 tuổi. Sau khi ông mất, vua Minh Mạng thương tiếc ban 100 lạng bạc, 3 cây gấm Tống. Thi hài ông được đưa về thôn Mỹ An, phủ Tân Thành, huyện Vĩnh An để an táng và xây lăng mộ.

Vua Minh Mạng cho 2 con trai ông là Nguyễn Trường Cửu và Nguyễn Trường Trinh được hưởng chế độ “tập ấm”. Ông Nguyễn Trường Cửu làm quan đến chức Phó Lãnh binh ở phủ Hải Tây, ông Nguyễn Trường Trinh làm đến chức ngoại úy Cai cơ Trung dũng.

Năm 1971 khu vực chôn cất Tuyên Trung hầu và gia tộc thuộc ấp Thạnh Phú, xã Mỹ An Hưng, quận Lấp Vò, tỉnh Sa Đéc nằm trên phần đất bị sạt lở buộc phải di dời đến vị trí hiện tại (xã Mỹ An Hưng A, huyện Lấp Vò)(6). Qua thời gian, khu mộ và đền thờ Tuyên Trung hầu được trùng tu, tôn tạo để đạt đến dáng vẻ uy nghiêm, khang trang như hiện nay.

Năm 2017, Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Đồng Tháp và UBND huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức hội thảo khoa học “Tuyên Trung hầu Nguyễn Văn Tuyên và gia tộc với đất Nam Kỳ”. Nhân hội thảo này và lễ giỗ lần thứ 186 của Tuyên Trung hầu, UBND tỉnh Đồng Tháp đã phụng cúng cho đền thờ bức hoành phi “Nam Phương Gia Tướng” cùng với bức khánh vị bằng gỗ chạm danh hiệu, phẩm tước của các danh tướng trong gia tộc Tuyên Trung hầu để tri ân những công lao đóng góp của Tuyên Trung hầu và gia tộc với đất Nam Kỳ.

ThS. Nguyễn Thanh Thuận 
(Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử  tỉnh Ðồng Tháp)

----------------

(1) Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Đồng Tháp (2009), Đồng Tháp đất và người, Tập 2, Nxb Trẻ; trang 75.

(2) Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Đồng Tháp (2009), Đồng Tháp đất và người, Tập 2, Nxb Trẻ; trang 75.

(3) Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Đồng Tháp (2009), Đồng Tháp đất và người, Tập 2, Nxb Trẻ; trang 80.

(4) Quốc sử quán triều Nguyễn (1992), Đại Nam nhất thống chí, Tập 5, Nxb Thuận Hóa, Huế, trang 196.

(5) Quốc sử quán triều Nguyễn (1993), Đại Nam liệt truyện, Tập 2, Nxb Thuận Hóa, trang 304.

(6) Xem Nguyễn Văn Hầu (1971), Tuyên Trung Hầu Nguyễn Văn Tuyên, Ủy ban xây cất lăng miếu Tuyên Trung Hầu ấn hành.

Chia sẻ bài viết