15/05/2021 - 17:46

Đánh giá đúng thực tế để giải ngân vốn đầu tư công hiệu quả

Trong 4 tháng năm 2021, theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được giữ vững. Năm 2020, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công được xem là giải pháp, động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vĩ mô. Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành và các địa phương đã thực hiện rất nhiều giải pháp để giải ngân. Nhờ đó, kết quả giải ngân đạt 91,1% kế hoạch vốn năm 2020, tăng 34,5% so với năm 2019 và đạt mức cao nhất trong giai đoạn 10 năm qua (2011-2020)…

Còn 4 tháng đầu năm nay, giải ngân vốn đầu tư công có chuyển biến nhưng chậm. Vì vậy, Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 4-2021 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Kế hoạch và Ðầu tư tham mưu, hướng dẫn và tổ chức thực hiện quyết liệt đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, phối hợp với Bộ Tài chính đánh giá, tính toán khả năng giải ngân vốn nước ngoài năm 2021 phù hợp với thực tế… Các bộ, ngành và địa phương phải kiên quyết chuyển kế hoạch vốn từ các dự án không hiệu quả, chậm giải ngân sang các dự án hiệu quả tốt. Theo Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, trong 4 tháng năm 2021, giải ngân vốn đầu tư công đạt 98.700 tỉ đồng, bằng 21,5% kế hoạch năm và tăng 16,3% so cùng kỳ năm 2020. Dù đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2017-2021, nhưng để đạt kết quả cao nhất trong giải ngân vốn năm nay cần đánh giá đúng tình hình và dự báo được các chiều hướng phát triển, rủi ro thị trường...

Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, giải ngân vốn đầu tư công tăng thêm 1% sẽ góp phần đưa GDP tăng thêm 0,06 điểm phần trăm. Lẽ đó, kết quả giải ngân vốn đầu tư công rất quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế, nhất là tình hình hiện nay, khó khăn của đại dịch COVID-19 đang bao trùm nhiều nền kinh tế thế giới. Bộ Kế hoạch và Ðầu tư cũng đã có công văn gửi các bộ, ngành và địa phương để thúc đẩy báo cáo tiến độ giải ngân vốn, những khó khăn đang vướng để kịp thời báo cáo Chính phủ tìm cách tháo gỡ nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế vĩ mô.

Ðiểm mới trong thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2021 là theo Nghị định 40/2020/NÐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Ðầu tư công 2019, có hiệu lực ngày 1-1-2021 có quy định ràng buộc về thời gian giải ngân. Theo hướng dẫn, Thủ tướng Chính phủ quyết định đối với vốn ngân sách Trung ương, HÐND cấp tỉnh quyết định đối với vốn ngân sách địa phương cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công hằng năm nhưng không quá ngày 31-12 năm sau. Cụ thể đối với các trường hợp: dự án quan trọng quốc gia; dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng; dự án được bố trí kế hoạch vốn để hoàn thành, đưa vào sử dụng trong năm kế hoạch nhưng không được bố trí vốn kế hoạch năm sau… Theo lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, nếu giải ngân thấp, không đạt kế hoạch vốn trong năm được bố trí sẽ không được bố trí năm tiếp theo mà còn bị trừ vào vốn bố trí trung hạn. Ðiều này đòi hỏi các địa phương và bộ, ngành thận trọng trong xây dựng kế hoạch đầu tư công, vốn phải được thẩm định sát và tính khả thi cao của dự án trong bố trí và giải ngân vốn để không lỡ các cơ hội.

SONG NGUYÊN

Chia sẻ bài viết