10/09/2008 - 21:33

Cấp giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ

Dân phiền hà, cán bộ lúng túng!

Cán bộ “một cửa” quận Bình Thủy hướng dẫn người dân lập hồ sơ hành chính.

Từ khi Luật Xây dựng có hiệu lực (năm 2003), tình hình quản lý nhà nước trong lĩnh vực xây dựng, đặc biệt là cấp giấy phép xây dựng, đã có chuyển biến đáng kể. Tuy nhiên, so với yêu cầu, công tác cấp giấy phép xây dựng trên địa bàn thành phố hiện vẫn còn nhiều bất cập, thủ tục nhiêu khê… gây khó khăn, phiền hà, chậm trễ cho người dân.

Nhiêu khê, chậm trễ!

Lấy vợ, ra riêng đã nhiều năm, vợ chồng anh Nguyễn Văn Toàn, ở đường Phạm Ngũ Lão, phường An Hòa (quận Ninh Kiều) mới dành dụm được một khoản tiền để mua đất, cất căn nhà cấp 4 ở phường An Khánh. Anh Toàn dự định sẽ khởi công vào giữa năm, để “né” mùa mưa năm nay, nhưng do quá trình xin giấy phép xây dựng kéo dài, việc cất nhà phải dời lại cả tháng. Anh Toàn nói: “Ngày giờ khởi công đã định, tôi cũng đã chừa thời gian 15 ngày để xin giấy phép xây dựng, nào ngờ việc xin giấy phép quá nhiêu khê, kéo dài cả tháng trời, tới lui 5, 7 lần mới xong. Hồ sơ thủ tục niêm yết thì đơn giản, nhưng thực tế để có được tấm giấy phép xây dựng nhà quả thực vẫn còn nhiều gian nan”. Theo anh Toàn cho biết, khi anh đến bộ phận “một cửa” quận Ninh Kiều nộp hồ sơ, cán bộ kiểm tra và ra phiếu tiếp nhận, hẹn 15 ngày sau trả kết quả. Thế nhưng, sau 1 tuần, cán bộ gọi điện nói lên nhận lại hồ sơ để chỉnh sửa lại bản vẽ thiết kế nhà, vì chưa đạt yêu cầu. “Tôi đã phải điều chỉnh nhiều lần, nhưng cán bộ vẫn nói là chưa đạt yêu cầu. Cuối cùng tôi phải nhờ một người có chuyên môn thiết kế giùm, bản vẽ mới được chấp nhận. Tính ra, riêng khâu điều chỉnh bản vẽ thiết kế đã mất hơn 10 ngày”- anh Toàn cho biết.

Còn anh Nguyễn Văn Điền, ở khu vực 6, phường An Khánh (quận Ninh Kiều) thì phản ánh: “Tôi xin giấy phép xây dựng nhà trọ, hồ sơ đã được UBND phường xem xét và cho biết là đủ điều kiện. Tôi nộp hồ sơ về quận, cán bộ tiếp nhận và 1 tuần sau gọi điện nói là đất của tôi đã nằm trong quy hoạch, nên chỉ được cấp giấy phép xây dựng tạm và yêu cầu tôi lên nhận lại hồ sơ để điều chỉnh. Theo tôi, ngay từ khi tiếp nhận hồ sơ, cán bộ phải tiến hành rà soát, đối chiếu quy hoạch, thông tin ngay cho gia đình biết để lập hồ sơ, không nên để đến ngày hẹn trả kết quả mới yêu cầu dân điều chỉnh, kéo dài thời gian chờ đợi, ảnh hưởng đến công việc của gia đình”.

Hiện nay, việc xin điều chỉnh giấy phép xây dựng cũng nhiêu khê, phiền hà không kém gì so với cấp giấy phép xây dựng. Theo quy định, hồ sơ này chỉ gồm: Đơn xin điều chỉnh, bản chính giấy phép xây dựng đã được cấp và bản vẽ thiết kế điều chỉnh; thời gian điều chỉnh là 10 ngày làm việc. Tuy nhiên, trong thực tế, khi người dân có nhu cầu điều chỉnh giấy phép xây dựng gặp không ít rắc rối. Anh Ngô Hùng, ở phường Tân An (quận Ninh Kiều), cho biết: “Tôi muốn điều chỉnh thiết kế xây dựng rộng hơn diện tích sàn đã xin phép khoảng 10 mét vuông. Cán bộ yêu cầu phải điều chỉnh thiết kế bản vẽ nhà theo tiêu chí như thiết kế ban đầu, có sự kiểm tra thực tế của cán bộ và phải tạm ngừng thi công trong thời gian chờ điều chỉnh giấy phép xây dựng. Theo phiếu hẹn, 10 ngày có kết quả nhưng tôi phải chờ đến 16 ngày mới có quyết định cho phép được điều chỉnh”.

Bất cập, lúng túng

Hiện nay, việc cấp giấy phép xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ trên địa bàn thành phố có nhiều văn bản pháp luật điều chỉnh: Luật Xây dựng, Nghị định số 16/2005/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng; Thông tư 09/2005/TT-BXD của Bộ Xây dựng hướng dẫn một số nội dung về cấp phép xây dựng; Quyết định số 02/2006/QĐ-UBND của UBND thành phố Cần Thơ về phân cấp nhiệm vụ cấp giấy phép xây dựng và Hướng dẫn số 127/HD-SXD của Sở Xây dựng về cấp giấy phép xây dựng trên địa bàn thành phố Cần Thơ. Thế nhưng, một số quy định vẫn bị “bỏ sót” việc hướng dẫn thực hiện, gây lúng túng cho cơ quan chức năng, đồng thời, tạo ra kẽ hở để cán bộ lợi dụng làm khó người dân.

Theo quy định tại Điều 56 Luật Xây dựng, đối với nhà ở riêng lẻ có quy mô từ 3 tầng trở xuống, diện tích xây dựng sàn dưới 250 mét vuông, người dân có thể tự tổ chức thiết kế bản vẽ nhưng phải phù hợp quy hoạch xây dựng được duyệt và chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng thiết kế, tác động của công trình đến môi trường và an toàn của các công trình lân cận (trừ trường hợp nhà ở trong các khu di sản văn hóa, di tích lịch sử-văn hóa). Thuật ngữ “tự tổ chức” đã gây nhiều cách hiểu khác nhau, dẫn đến mỗi địa phương trên địa bàn thành phố Cần Thơ thực hiện mỗi kiểu. Cụ thể: quận Ninh Kiều cho phép người dân tự vẽ khi nhà ở riêng lẻ có quy mô từ 3 tầng trở xuống, diện tích sàn dưới 250 mét vuông nhưng người đứng tên trên bản vẽ xây dựng phải là người có trình độ chuyên môn. Đây là lý do nhiều người dân tự thiết kế bản vẽ trong hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng đã không được quận chấp nhận. Một số người dân cho rằng, việc cho phép người dân tự tổ chức thiết kế bản vẽ nhưng lại “buộc” người đứng tên trên bản vẽ phải là người có trình độ chuyên môn ngành xây dựng, thì chẳng mấy người dân tự mình vẽ được thiết kế nhà mình cả.

Tại quận Bình Thủy, Phòng Quản lý đô thị quận “thoáng” hơn, không yêu cầu người đứng tên trên bản vẽ phải có trình độ chuyên môn nhưng bản vẽ phải đảm bảo các chuẩn mực của ngành xây dựng. Còn tại quận Ô Môn và Cái Răng, hầu hết người dân vẫn chưa biết rằng “người dân có thể tự tổ chức thiết kế bản vẽ”, nên hầu hết đều thuê dịch vụ thực hiện. Ông Đinh Văn Tâm, ở phường Phước Thới, quận Ô Môn, cho biết: “Cán bộ có hướng dẫn thiết kế như thế nào đâu mà tự thiết kế. Không rành chuyên môn, lại không được hướng dẫn, có vẽ cũng chẳng đạt yêu cầu, thôi thì cứ thuê dịch vụ cho rồi. Tôi thấy, luật cho phép tự thiết kế nhà, cần phải quy định luôn trách nhiệm của cơ quan chuyên môn trong việc hướng dẫn người dân thực hiện thì mới khả thi”. Còn tại các huyện, công tác cấp giấy phép xây dựng nhà ở dường như bỏ ngỏ, vì người dân không mấy ai có thói quen xin phép xây dựng nhà. Theo thống kê của 4 huyện trên địa bàn, tỷ lệ xây dựng nhà ở không phép chiếm tới 70 – 80%, trừ một số hộ xây dựng nhà cao tầng kiên cố.

Ông Nguyễn Thanh Tâm, Phó phòng Quản lý đô thị quận Bình Thủy, kiến nghị: “Khi thực hiện quy định cho phép người dân tự tổ chức thiết kế bản vẽ nhà, quận rất lúng túng, đề nghị Sở Xây dựng hướng dẫn, nhưng hơn 2 năm qua chưa thấy Sở trả lời. Theo tôi, mặc dù việc cấp giấy phép xây dựng đã được phân cấp cho quận, huyện nhưng với chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực xây dựng, khi các địa phương gặp vướng mắc, Sở Xây dựng phải có hướng dẫn, nhằm thống nhất thực hiện trên toàn thành phố”. Ở quận Bình Thủy hiện nay, do chờ đợi không thấy Sở xây dựng hướng dẫn hay chỉ đạo cải cách quy trình cấp giấy phép xây dựng, Phòng Quản lý đô thị đã “liên thông” với Phòng Tài nguyên và Môi trường để chia sẻ thông tin liên quan, nhất là về quy hoạch. Khi kiểm tra hồ sơ đăng ký cấp giấy phép xây dựng, cán bộ “một cửa” của quận đã ứng dụng phần mềm chuyên dụng cài đặt liên thông để kiểm tra quy hoạch, xác định cấp giấy phép xây dựng tạm hay giấy phép xây dựng lâu dài. Do đó, tỷ lệ hồ sơ bị trả lại sau khi đã tiếp nhận hầu như không xảy ra.

Trao đổi về các vấn đề này, ông Lê Hồng Phát, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết: “Thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng hiện nay đã được phân cấp cho quận, huyện. Các quận, huyện phải căn cứ quy định của Luật Xây dựng và các văn bản hướng dẫn thực hiện để giải quyết cấp giấy phép xây dựng cho dân. Việc giải quyết phải đảm bảo về thời gian, thủ tục, không được gây khó khăn, phiền hà cho người dân. Phục vụ tốt người dân trong việc cấp giấy phép xây dựng là biện pháp góp phần giảm tình trạng xây dựng không phép, sai phép trên địa bàn thành phố. Riêng vấn đề lúng túng của địa phương khi thực hiện quy định cho phép người dân tự tổ chức thiết kế bản vẽ nhà, Sở Xây dựng sẽ có kiến nghị để Bộ hướng dẫn thực hiện”.

Bài, ảnh: NGUYỄN THANH

Hồ sơ cấp phép xây dựng nhà ở riêng lẻ (xây dựng mới)

 - Đơn xin phép xây dựng (theo mẫu) có xác nhận của UBND phường (xã, thị trấn)

 - Bản sao có thị thực một trong những giấy tờ về quyền sử dụng đất

 - 3 bộ hồ sơ thiết kế, mỗi bộ gồm: Bản vẽ mặt bằng công trình trên lô đất, kèm hồ sơ vị trí xây dựng, tỷ lệ 1/500; bản vẽ mặt bằng các tầng, mặt đứng và mặt cắt chủ yếu công trình, tỷ lệ 1/100-1/200; bản vẽ mặt bằng móng tỷ lệ 1/100-1/200 và chi tiết mặt cắt móng tỷ lệ 1/50; sơ đồ hệ thống cấp – thoát nước, xử lý nước thải, cấp điện, tỷ lệ 1/100 – 1/200.

(Theo Hướng dẫn số 127/HD-SXD ngày 8-8-2006 của Sở Xây dựng TP Cần Thơ hướng dẫn một số nội dung về cấp phép xây dựng trên địa bàn thành phố)

Chia sẻ bài viết