21/09/2019 - 06:59

Dằm trong tim... 

Khi bị va vập, trầy xước tay chân, người ta nhanh chóng tìm cách lấy những chiếc dằm ra để bớt đau, tránh nhiễm trùng. Còn đối với con tim, đáng lẽ phải được bảo vệ, trân quý thì không ít chủ nhân của nó bỏ mặc khi bị tổn thương, thậm chí ghim càng sâu những chiếc dằm oán hận, ám ảnh chuyện cũ, khiến cuộc sống không lúc nào yên, cảm xúc bị bào mòn. Đến khi sực tỉnh thì thời gian không trở lại, thanh xuân lùi xa, bao cơ hội vuột khỏi tầm tay…

Chỉ vì câu nói: “Ai mượn ra đây tìm rồi than khổ! Cô đến là tự nguyện chứ tôi đâu có ép!”, mà chị N.H. (54 tuổi) ở quận Ninh Kiều đã ôm mối hận 27 năm, một mình nuôi con trai ăn học thành tài. Con chị sau khi tốt nghiệp đại học, kinh doanh tiệm ảnh lớn tại trung tâm thành phố, làm ăn  khấm khá, hết lòng hiếu thảo, phụng dưỡng mẹ. Vui vì con trưởng thành, nhưng chị vẫn canh cánh bên lòng nỗi buồn mỗi khi con nhắc bên  nội.

Để hôn nhân vững bền, giữa vợ chồng rất cần sự cảm thông, chia sẻ. Trong ảnh: Một tiểu phẩm chủ đề xây dựng gia đình hạnh phúc được biểu diễn tại buổi họp mặt Kỷ niệm 18 năm Ngày Gia đình Việt Nam năm 2019 do TP Cần Thơ tổ chức.

Ngày xưa, trong chuyến đi học tại một tỉnh phía Bắc, chị H. cảm mến anh bạn cùng lớp. Khóa học 2 năm kết thúc, mọi người chia tay, anh này hứa sẽ sớm vào Cần Thơ thăm chị. Về quê, chị mới phát hiện mình mang thai.  Chị báo tin cho người yêu nhưng anh cứ hẹn, trong khi cha mẹ ruột chị xấu hổ, đòi từ mặt con. Chị H. nhớ lại: “Không biết tính thế nào, tôi bắt xe về quê người yêu thì tá hỏa khi anh đã có vợ con, yêu cầu tôi bỏ thai, không thừa nhận mối quan hệ. Quẫn bách, tôi chỉ muốn tự tử cho xong. Nhờ có anh ruột tôi hết lòng khuyên nhủ, hứa sẽ phụ giúp, tôi bình tâm suy nghĩ và quyết định giữ đứa con này”.

Làm sao kể hết những vất vả, đắng cay của người phụ nữ mang tiếng “không chồng mà chửa”. Đối với chị H., tình thương cho con song hành với nỗi hận trong lòng, thậm chí có giai đoạn chị bị “tâm bệnh” trầm cảm. Khi con trai cứng cáp, cũng có nhiều người muốn tiến tới nhưng vết thương tình phụ khiến chị như “chim ngại cành cong”, sợ phải đau lần nữa. Mỗi khi con nhắc cha và bên nội, chị lại nói dối cha mất khi con chưa ra đời, còn nhà nội ở xa lắm… Sau chuyện này, gia đình người yêu cũng đổ vỡ, có vài lần anh vào Cần Thơ muốn gặp con, ngỏ ý hàn gắn nhưng chị kiên quyết từ chối. Năm rồi đám cưới con, chị cũng không cho bên nội hay, nhờ vợ chồng anh trai làm chủ hôn. Không biết bao giờ chị mới quên vết thương lòng?

Kết hôn đến năm thứ 12, chị H.P., ở quận Ninh Kiều, phát hiện chồng và T.N., cô nhân viên làm chung công ty cặp bồ. Chị giả vờ như không biết, thu thập đầy đủ chứng cứ và xuống tận nhà N. ở Cà Mau, nói chuyện với ông bà ngoại và cha mẹ cô này. Chị kể thời N. mới ra trường, vợ chồng chị thương như em gái, đưa về công ty làm, lo cho ăn ở. Đáng lẽ N. phải biết điều, đằng này nhẫn tâm phá gia cang. Chị P. khóc lóc, than cảnh khổ một mình nuôi hai con, trong khi chồng chỉ lo cho bồ nhí. Gia đình N. không ngờ con gái đi làm xa tác tệ, lấy chồng người ta như vậy nên bắt N. về, cam kết cắt đứt với chồng chị P.

Cũng từ đó đến nay đã hơn 5 năm, gia đình chị không còn yên ấm. Chồng quá bất ngờ trước cách hành xử của vợ nên… sợ, còn chị P. vì quá ấm ức, sinh hận chồng. Xây hàng rào ngăn cách, chồng làm gì chị cũng cho là đóng kịch, giả dối hoặc chắc gây ra lầm lỗi gì nữa mới tự dưng tốt như thế. Chồng chị nhẫn nhịn mỗi khi vợ đem chuyện cũ ra đay nghiến, chỉ tội nghiệp các con thường xuyên chứng kiến cha mẹ lục đục, học hành sa sút,  con trai chị 16 tuổi còn đòi đi ở trọ. Nói xấu chồng chán, chị P. chuyển qua giai đoạn im lặng, bỏ mặc, chồng muốn làm gì thì làm, đi đâu thì đi. Rồi chị  dọn đồ qua ngủ cùng con gái 8 tuổi, căn phòng chung từng chất chứa bao kỷ niệm êm đềm của hai vợ chồng giờ lạnh lẽo. Bạn bè khuyên, nếu được thì bỏ qua hết để hàn gắn, không thì chia tay, sống cảnh như vậy chẳng khác nào đọa đày nhau, nhưng chị P. không cam tâm bỏ công sức gần 20 năm gầy dựng. Nhiều lúc chị P. còn trả đũa bằng cách gởi hình ảnh và thư từ của chồng và N. qua mail, facebook để nhắc cho chồng nhớ. Chị hả hê mỗi khi chồng xin chị đừng làm như vậy nữa, nhưng thật ra người đau nhất chính là chị. Vết thương không chữa mà cứ liên tục tác động vào nên càng nhức nhối.

Chị B.H., 42 tuổi, ở quận Ô Môn, chia sẻ: “13 năm trước, lúc tôi sắp sinh con thì chồng làm chuyện động trời, ôm tiền dành dụm của tôi lo cho bồ mở quán cà phê. Má chồng tôi biết, khéo léo giải quyết ổn thỏa chuyện này, bắt chồng tôi đến nhà vợ xin lỗi và hứa không tái phạm. Trước tình nghĩa của má và sự hối lỗi của chồng, thêm con còn nhỏ, tôi quyết định tha thứ, không nhắc chuyện cũ, tạo điều kiện cho chồng sửa sai. Hiện ảnh chí thú làm ăn, phụng dưỡng cha mẹ hai bên, cuối tuần còn lo cho con để tôi đi học thêm. Ngẫm nghĩ tôi càng thấm thía việc chấp nhận bước qua quá khứ là chuyện nên làm, ý nghĩa cho cả đôi bên”.

Trong tình yêu, hôn nhân, hiếm ai có được sự viên mãn trên suốt con đường, thậm chí có người từng nếm trải bao đau thương, thống khổ. Quan trọng là vượt qua nó bằng cách nào để bản thân thanh thản, vun đắp cho hạnh phúc hiện tại. Nói thì dễ nhưng khi thực hiện, không phải ai cũng làm được. Nếu không buông bỏ thì bị ảnh hưởng nhiều nhất chính là người trong cuộc.  Ôm chuyện không vui hay oán hận trong lòng mỗi ngày, làm sao tâm an, có sức khỏe để làm việc, nuôi con. Hãy nhìn cuộc sống tích cực, mạnh dạn nhổ bỏ những chiếc dằm từng làm tim tổn thương, mở lòng cho cuộc sống hiện tại. Có như vậy mới thật sự được giải thoát.

Bài, ảnh: KIỀU CHINH

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
hôn nhân