26/12/2016 - 20:37

Đam mê sáng tạo

Với sự sáng tạo, Nguyễn Trường Giang và Nguyễn Thị Hồng Loan, cùng học lớp 9A1, Trường THCS Thường Thạnh và Huỳnh Nguyễn Thùy Dương, học sinh Trường Tiểu học Hưng Phú 1, quận Cái Răng, "biến" mẩu than đá đã đốt, vỏ chai nhựa đã qua sử dụng trở thành đồ thủ công mỹ nghệ. Sản phẩm này được nhóm nghiên cứu cho "ra lò" với nhiều công dụng như: sử dụng cắm hoa và trang trí nghệ thuật, có thể bán, làm tặng phẩm… Và quan trọng hơn, giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho học sinh.

 Trường Giang và Hồng Loan trao đổi bài sau giờ học trên lớp.

Đề cập ý tưởng đề tài "Nghệ thuật tái chế", đạt giải Khuyến khích của Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc, Trường Giang kể: "Một lần đi học về, tụi em thấy những mẩu than đá và chai lọ của các quán cơm đã qua sử dụng, vứt ở ven đường. Cả hai cùng nảy sinh ý tưởng tái chế vật dụng bỏ đi, không gây ô nhiễm môi trường, tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp. Thế là, tụi em rủ Thùy Dương cùng tham gia" (khi thực hiện đề tài, Trường Giang và Hồng Loan học lớp 8, Thùy Dương học lớp 3). Trường Giang và Hồng Loan chia sẻ ý tưởng này với cô Đặng Thị Minh Trúc, giáo viên dạy môn Mỹ thuật và được giúp đỡ, hướng dẫn tận tình. Từ đó, nhóm nghiên cứu bắt tay thực hiện đề tài với nguyên liệu dễ tìm: than đá và chai lọ đã qua sử dụng, cỏ mồm…

Trường Giang đại diện nhóm mô tả cách làm: "Tụi em rửa sạch vỏ chai nhựa, cắt bỏ miệng và tạo dáng theo ý thích, phơi khô; tán tro than đá ra nhiều kích cỡ khác nhau. Lấy vỏ chai khô, quét keo sữa lên và trải tro than đá lên đầy vỏ chai, đem phơi nắng. Đợi keo khô, tiếp tục sơn màu lên và trang trí. Ngoài ra, tụi em còn dùng keo đèn cầy, tạo họa tiết nổi cho sản phẩm theo ý thích. Cỏ mồm đem về, lấy đũa chọc vào giữa ruột, lấy phần mướp bên trong, nhuộm màu tùy thích, phơi khô làm hoa để cắm, làm móc khóa…". Theo Trường Giang, sản phẩm thân thiện môi trường, nguyên liệu dễ tìm. Tuy nhiên, quá trình thực hiện khó nhất là phần tìm keo dán để kết dính than đá với thân chai. Nhiều lần thử nghiệm với các loại keo khác nhau, cứ dán dính rồi bị rời ra, cả nhóm vẫn kiên trì không bỏ cuộc. Sau nhiều lần mày mò, nhóm tìm được keo sữa có khả năng dính cao. Sau 1,5 tháng tìm tòi, thử nghiệm, 3 nhà khoa học "nhí" biến ý tưởng thành hiện thực, đó là sử dụng nguyên liệu phế phẩm làm thành những bình hoa đầy sắc màu, lọ để dụng cụ học tập, làm quà lưu niệm tặng người thân…

Hồng Loan thông tin về đề tài: "Nghệ thuật tái chế" có thể trở thành trò chơi cho học sinh, giúp học sinh yêu lao động, phát triển tư duy sáng tạo. Sản phẩm đơn giản, dễ làm, phù hợp với lứa tuổi học sinh THCS, góp phần vào phong trào thi đua trường học thân thiện, học sinh tích cực". Những thành công của đề tài được Ban tổ chức Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc lần thứ 12 năm 2015-2016 trao giải Khuyến khích.

Cùng niềm đam mê, năng khiếu với bộ môn Mỹ thuật, từ nhỏ, Trường Giang và Hồng Loan luôn dành nhiều giải cao trong cuộc thi vẽ tranh cấp quận, thành phố. Nói về bí quyết học giỏi suốt 8 năm liền, Trường Giang quan niệm, tâm trí luôn thoải mái để dễ tiếp thu kiến thức. Không tạo áp lực cho bản thân, ngoài giờ học, Trường Giang giải trí bằng trò chơi đố vui ca dao, số đếm… với các bạn trong xóm. Đối với Hồng Loan, nghiên cứu khoa học khám phá nhiều cái mới, tạo niềm vui, động lực giúp học tập tốt. Năm học lớp 7 và 8, Hồng Loan có nhiều đề tài sáng tạo đạt giải cấp quận, thành phố, toàn quốc. Hiện Trường Giang có tên trong đội tuyển bồi dưỡng học sinh giỏi môn Hóa cấp quận, chuẩn bị dự thi vòng thành phố. Còn Hồng Loan tiếp tục chuẩn bị đợt thử sức mới ở Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, nhi đồng năm 2016-2017.

Cô Ngô Thùy Trang, Hiệu trưởng Trường THCS Thường Thạnh, cho biết: Trường Giang và Hồng Loan luôn gương mẫu, nhiệt tình tham gia tất cả phong trào của trường. Đặc biệt 2 bạn có khả năng sáng tạo, say mê nghiên cứu khoa học. Ngoài việc giúp đỡ các bạn trong lớp cùng tiến bộ, Trường Giang và Hồng Loan còn có tinh thần tương thân tương ái, trích tiền thưởng 500.000 đồng (Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng) giúp bạn cùng lớp có hoàn cảnh khó khăn. Năm học qua, Hồng Loan dành phần thưởng (70 quyển tập) của các phong trào tặng lại bạn trong lớp, chia sẻ kịp thời những khó khăn của bạn.

Là trường vùng ven, thời gian qua, Ban Giám hiệu Trường THCS Thường Thạnh luôn quan tâm tới phong trào nghiên cứu khoa học trong học sinh. Giáo viên kịp thời hun đúc ý tưởng, hỗ trợ góp ý giúp học sinh hoàn thành đề tài. 3 năm liền (2013 - 2015), trường đạt giải Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, nhi đồng cấp quận, thành phố; năm 2015 đạt 2 giải khuyến khích toàn quốc.

Bài, ảnh: M.HOÀNG

Chia sẻ bài viết