25/10/2019 - 16:13

Đam mê môn thể thao đua ghe Ngo truyền thống 

Vì đam mê, yêu thích và muốn giữ gìn môn thể thao đua ghe Ngo truyền thống của dân tộc, ông Lý Phonne ở phường 2, TP Sóc Trăng đã đầu tư hàng trăm triệu đồng để đội ghe tập luyện, thi đấu. Đặc biệt, ghe Ngo mà ông đầu tư mang tên Trường Bổ túc Văn hóa Pali Trung cấp Nam bộ, ngôi trường đào tạo sư sãi Khmer ở Nam bộ.

Ông Lý Phonne kể: “Suốt 9 năm đua ghe Ngo, đây là ghe thứ hai được Hòa thượng Tăng Nô - trụ trì chùa Khleang tặng. Năm nay, tôi đầu tư hơn 50 triệu đồng để sửa chữa ghe, chuẩn bị thi đấu cho Lễ hội vào tháng 11 sắp tới”.

Ông Lý Phonne (bên trái) giới thiệu về chiếc ghe ngo mới sửa chữa.

Môn thể thao đua ghe Ngo truyền thống là môn thể hiện tính tập thể và đoàn kết trong cùng một đội ghe. Vì vậy, ghe Ngo thường được lưu giữ trong chùa và do trụ trì chùa đứng ra vận động kinh phí để tập luyện và thi đấu. Vậy mà suốt 9 năm nay, ông Lý Phonne đã đứng ra vận động các vận động viên (VĐV) đến nhà tập luyện và lo toàn bộ chi phí. Bình quân mỗi năm, ông đầu tư trên 150 triệu đồng để sửa chữa ghe Ngo, chi phí tập luyện và thi đấu cho các VĐV. Ông Phonne cho biết: “Ngoài lòng yêu thích, điều quan trọng nhất là tôi muốn giữ gìn và phát huy môn đua ghe Ngo truyền thống của dân tộc Khmer. Khi trụ trì chùa Khleang cho một chiếc ghe, tôi đem về tu bổ và vận động anh em đến nhà tập luyện. Năm nay, tôi tuyển chọn những VĐV có kinh nghiệm, sức khỏe tốt đến tập với hy vọng lọt vào vòng 16 giải đua ghe Ngo cấp tỉnh”.

Có chung một tấm lòng muốn giữ gìn văn hóa truyền thống của dân tộc nên cả nhà ông Phonne đều đồng tình. Bà Tăng Thị Dôl, vợ ông Phonne, nói: “Tôi và 6 đứa con đều ủng hộ chồng giữ ghe Ngo để thi đấu. Dù ghe không đạt thành tích cao nhưng đã góp phần làm cho môn thể thao của dân tộc ngày càng phát triển. Mấy năm trước còn sức khỏe tốt, tôi và các con gái luôn theo đội ghe đi nấu cơm, lo nước uống cho VĐV. Còn bây giờ, sức khỏe yếu, tôi mướn người đi theo để lo cơm, nước. Đặc biệt, dù là tập luyện hay thi đấu, thực đơn món ăn, nước uống dành cho VĐV đều đảm bảo đủ dinh dưỡng, an toàn”.

Theo ông Phonne, thông thường đội ghe phải tập luyện khoảng 1 tháng mới đủ thể lực để tham gia thi đấu. Bình quân mỗi buổi tập khoảng hơn 1 tiếng đồng hồ, ông hỗ trợ chi phí 50.000 đồng/người. Khi thi đấu, ông hỗ trợ 200.000 đồng/người/ngày. Một đội ghe thường có trên 70 VĐV, trong đó, có 52 người chính thức, còn lại là dự bị. Anh Lý Thanh Liêm, con trai của ông Phonne, cho biết: “Khi lớn lên, tôi đã thích môn thể thao đua ghe Ngo. Tôi đã theo đội ghe suốt 9 năm nay. Chỉ duy nhất năm 2018, đội ghe đạt giải Nhì cấp huyện và năm 2013 lọt vào tốp 16 ghe của cấp tỉnh, nhưng chúng tôi vẫn tự hào. Chúng tôi ủng hộ cha và đội ghe không phải vì giải mà vì lòng đam mê, yêu thích và giữ gìn môn thể thao truyền thống của dân tộc”.

Ông Lý Phonne là chủ một trại hàng ở Sóc Trăng. Từ nghề này, ông tạo việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều người Khmer ở vùng quê đến để đóng và vẽ hoa văn trên hàng. Đặc biệt, các con của ông đều có việc làm ổn định, cuộc sống khá giả. Hòa thượng Tăng Nô – Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Hội trưởng Hội đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Sóc Trăng, cho biết: “Điều đáng quý là ghe Ngo do phật tử Lý Phonne đầu tư mang tên Trường Bổ túc Văn hóa Pali Trung cấp Nam Bộ. Nhiều năm nay, phật tử Lý Phonne đã cúng giường khá nhiều để xây dựng, sửa chữa các công trình tại chùa... Tấm lòng của phật tử Lý Phonne đáng được biểu dương”.

Bài, ảnh: LÝ THEN

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
ghe Ngo