27/05/2008 - 09:25

Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XII:

Đảm bảo sự đồng bộ giữa chính sách tài chính y tế và pháp luật về bảo hiểm y tế

(TTXVN)- Chiều 26-5, Quốc hội làm việc tại hội trường, thảo luận về dự thảo Luật Bảo hiểm y tế. Đa số các ý kiến đại biểu cho rằng việc ban hành Luật bảo hiểm y tế là hết sức cần thiết, nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, tạo cơ sở pháp lý cao nhất trong thực hiện chính sách bảo hiểm y tế. Luật Bảo hiểm y tế sẽ bảo vệ quyền và trách nhiệm của các bên liên quan, thúc đẩy việc thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân theo Nghị quyết của Đảng, tạo điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh việc thực hiện xã hội hóa công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Tờ trình Dự án Luật Bảo hiểm y tế do Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu trình bày nêu rõ 8 hạn chế trong quá trình thực hiện bảo hiểm y tế hiện nay. Đó là đối tượng tham gia bảo hiểm y tế hiện tại chủ yếu là diện bắt buộc. Các quy định về bảo hiểm y tế tự nguyện chưa chặt chẽ, thiếu tính ổn định, nên chỉ những người thường xuyên ốm, người mắc bệnh mạn tính hoặc người điều trị bệnh có chi phí lớn tham gia. Mức đóng bảo hiểm y tế bắt buộc không thay đổi trong nhiều năm qua, không được điều chỉnh kịp thời so với mức độ gia tăng chi phí khám bệnh, chữa bệnh, đặc biệt là các dịch vụ kỹ thuật cao. Phạm vi quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế chưa tương ứng với việc điều chỉnh mức đóng, nhất là đối tượng được ngân sách nhà nước bảo đảm. Cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ cán bộ y tế nhất là y tế tuyến cơ sở chưa được chú trọng, quy trình, thủ tục khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế gây phiền hà cho người bệnh, dẫn đến chất lượng khám bệnh, chữa bệnh chưa đáp ứng với yêu cầu. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về chính sách bảo hiểm y tế chưa được coi trọng. Một trong nhưng nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất cân đối Quỹ bảo hiểm y tế là do mức đóng bảo hiểm y tế thấp nên chưa đáp ứng với mức chi phí khám bệnh, chữa bệnh thực tế. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn về bảo hiểm y tế hiện nay do Bảo hiểm xã hội Việt Nam thực hiện nên tính chuyên nghiệp, chuyên môn hóa về bảo hiểm y tế chưa cao. Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu cho rằng việc ban hành Luật Bảo hiểm y tế sẽ góp phần tạo cơ sở pháp lý cao nhất trong thực hiện chính sách bảo hiểm y tế; bảo vệ quyền và trách nhiệm của các bên liên quan, thúc đẩy việc thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân, tạo điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh việc thực hiện xã hội hóa công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai, việc ban hành Luật Bảo hiểm y tế là cần thiết, nhằm đáp ứng yêu cầu khách quan của quá trình phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa và quá trình tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân, tạo điều kiện thuận lợi đẩy mạnh việc thực hiện xã hội hóa công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tuy nhiên, việc xây dựng Luật cần kế thừa những quy định về chính sách bảo hiểm y tế đang phát huy hiệu quả trong thực tiễn, tham khảo kinh nghiệm một số nước trên thế giới và trong khu vực để hoàn thiện pháp luật về bảo hiểm y tế, tránh tình trạng chỉ có người ốm mới tham gia bảo hiểm y tế như hiện nay.

Người bệnh tham gia bảo hiểm y tế có phải cùng chi trả khi khám chữa bệnh? Đây là vấn đề nhận được hai luồng ý kiến trái ngược nhau của đại biểu Quốc hội. Các đại biểu Phạm Thị Hải (Đồng Nai), Nguyễn Văn Sơn (Tuyên Quang), Lưu Thị Chi Lan (Vĩnh Phúc) và nhiều đại biểu khác cho rằng qua 15 năm thực hiện bảo hiểm y tế, tình trạng đáng lo ngại nhất là bội chi quỹ bảo hiểm y tế. Việc cùng chi trả sẽ góp phần kiểm soát, chống lạm dụng bảo hiểm y tế, phù hợp với cơ chế thị trường. Hơn nữa, việc cùng chi trả không chỉ đảm bảo cân đối nguồn thu chi của Quỹ mà còn giúp kiểm soát được chi phí khám chữa bệnh, cũng như nêu cao trách nhiệm trong hoạt động giám sát nguồn Quỹ bảo hiểm y tế.

Đại biểu Đặng Thị Nga (Lâm Đồng) đề nghị quy định chi phí tối thiểu mỗi lần khám, chữa bệnh phải cùng chi trả để người bệnh biết, tự chuẩn bị điều kiện tài chính có trách nhiệm hơn trong tự bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ bản thân

Phạm Thị Hải (Đồng Nai) cho rằng việc quy định rõ mức cùng chi trả, bởi với 3 mức như tờ trình của Chính phủ hay 2 mức như Ủy ban về các vấn đề xã hội đề nghị cũng đều gây khó khăn cho việc thực hiện...

Trái ngược với các quan điểm trên, đại biểu Rcom Sa Duyên (Gia Lai), Trần Hồng Việt (Hậu Giang) bày tỏ băn khoăn trước việc quy định người bệnh bảo hiểm y tế phải cùng chi trả chi phí khám, chữa bệnh. Cả hai đại biểu đều nhất trí cho rằng không nên quy định việc cùng chi trả chi phí khám, chữa bệnh cho người tham gia bảo hiểm y tế vì điều này sẽ gây phiền phức cho người bệnh. Bộ máy hành chính sẽ thêm cồng kềnh vì phải xây dựng một đơn vị thực hiện. Đặc biệt, điều này sẽ dẫn đến tình trạng lạm dụng Quỹ bảo hiểm y tế...

Trong phiên thảo luận đầu tiên, ngoài vấn đề người bệnh tham gia bảo hiểm y tế phải cùng chi trả khi khám chữa bệnh, các đại biểu đã tập trung thảo luận về mức đóng bảo hiểm y tế, sử dụng dịch vụ kỹ thuật cao, chế độ bảo hiểm y tế khi sinh đẻ, bảo hiểm y tế cho nông dân, chăm sóc sức khỏe cho người nghèo...

Chia sẻ bài viết