23/03/2015 - 16:48

Đảm bảo quyền lợi cho nông dân

Hội Nông dân, UBMTTQ VN TP Cần Thơ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương thành phố vừa ký kết Chương trình phối hợp số 17 giám sát thực hiện pháp luật về sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp (VTNN) giai đoạn 2015-2020 (gọi tắt là Chương trình phối hợp số 17). Thông qua các hoạt động của Chương trình phối hợp số 17 sẽ thực thi hiệu quả công tác quản lý của Nhà nước về sản xuất, kinh doanh VTNN được công khai, minh bạch, nghiêm minh. Và hơn hết bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được sử dụng những sản phẩm bảo đảm chất lượng.

Chú trọng quyền lợi nông dân

Chương trình phối hợp tập trung vào 4 nội dung. Thứ nhất là giám sát đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, người sử dụng trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh, sử dụng VTNN. Thứ hai, giám sát việc ban hành và tổ chức thực hiện các chính sách, pháp luật của Nhà nước về quản lý sản xuất, kinh doanh, sử dụng VTNN. Thứ ba, tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn người dân tham gia giám sát; tuyên truyền, phổ biến những sản phẩm VTNN đảm bảo về tiêu chuẩn, chất lượng... Thứ tư, xây dựng các mô hình điểm về quản lý, sản xuất, kinh doanh, sử dụng VTNN; tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực giám sát cho đội ngũ cán bộ Hội Nông dân, UBMTTQ VN TP Cần Thơ các cấp và hội viên, nông dân…

Thông qua giám sát sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, người dân thêm an tâm trong sản xuất nông nghiệp. (Trong ảnh: Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau giới thiệu sản phẩm đến nông dân).

Để thực hiện có hiệu quả, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan, chương trình phối hợp phân công trách nhiệm từng cơ quan, từng ngành. Chẳng hạn, Hội Nông dân thành phố có trách nhiệm chủ trì xây dựng, đề xuất chương trình, kế hoạch phối hợp giám sát hằng năm. Chủ động phối hợp các ngành tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân tham gia giám sát, tố giác, đấu tranh, ngăn chặn đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, người sử dụng VTNN giả, kém chất lượng, ngoài danh mục, không rõ nguồn gốc; đề nghị cơ quan thẩm quyền xem xét, xử lý… UBMTTQ VN TP Cần Thơ có trách nhiệm vận động các hiệp hội ngành nghề có liên quan cung cấp thông tin, tham gia tuyên truyền, phổ biến và giám sát thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý, sản xuất, kinh doanh, sử dụng VTNN. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp chọn địa bàn xây dựng mô hình điểm; nghiên cứu, đề xuất xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật; biên soạn, in ấn tài liệu tuyên truyền, tập huấn về quy định của pháp luật về quản lý, sản xuất, kinh doanh, sử dụng các loại VTNN… Sở Công thương chỉ đạo Thanh tra Sở, Chi cục Quản lý thị trường thành phố phối hợp tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm; chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái…

Chương trình phối hợp số 17 đáp ứng đúng tâm tư, nguyện vọng, yêu cầu của nông dân. Anh Nguyễn Văn Thanh nông dân ở xã Đông Bình, huyện Thới Lai, cho biết: Qua tìm hiểu thông tin trên báo, đài, anh có biết về Chương trình ký kết phối hợp giữa các sở, ngành giám sát việc sản xuất, kinh doanh VTNN. Đây thật sự là tin vui cho người nông dân bởi qua đó quyền lợi của nông dân được đảm bảo, hạn chế tình trạng buôn bán các loại phân, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng ảnh hưởng đến năng suất thu hoạch.

Tiền đề cho công tác phối hợp quản lý

Chương trình phối hợp số 17 khẳng định sự tham gia của toàn xã hội, giám sát xã hội trong bối cảnh đội ngũ thanh tra chuyên ngành còn mỏng, thị trường VTNN rộng lớn, diễn biến phức tạp. Theo ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, giá các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật chiếm tỷ lệ khá cao trong giá thành nông sản. Do đó, nếu sử dụng phải phân, thuốc giả sẽ ảnh hưởng lớn đến hiệu quả sản xuất của nông dân. Thời gian qua, công tác phối hợp kiểm tra trên lĩnh vực này để phục vụ bà con thực hiện chưa tốt. Trên bình diện chung, cơ chế, chính sách, pháp luật vẫn còn hạn chế ở những thời gian nhất định. Việc ký kết Chương trình phối hợp số 17 là tiền đề để các ngành phối hợp thực hiện giám sát trong thời gian tới. Ông Nguyễn Minh Toại đề nghị: Hội Nông dân thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu đến bà con nông dân nội dung Chương trình phối hợp số 17 để bà con biết, báo cáo khi phát hiện các hành vi vi phạm, các ngành kịp thời xử lý. Qua đó, góp phần đem lại hiệu quả và nâng cao giá trị của chương trình.

Ông Lê Bá Phước, Chủ tịch Hội Nông dân TP Cần Thơ bày tỏ: Chương trình phối hợp số 17 giải quyết được vấn đề cơ bản là tạo bình đẳng trong xã hội đã được thực thi, người nông dân không bị ám ảnh bởi hàng giả, hàng kém chất lượng trong hoạt động sản xuất nông nghiệp. Ông Lê Bá Phước khẳng định: Việc ký kết phối hợp chỉ là bước khởi đầu. Tiếp theo, Hội Nông dân thành phố chuẩn bị văn bản đề nghị Sở Nội vụ ra Quyết định công nhận Ban Chỉ đạo và ban hành quy chế làm việc. Đồng thời thành lập Tổ giúp việc và có những văn bản tiếp tục ký kết thực hiện các công việc. Trước mắt, trong thời gian này, bà con nông dân có thể báo cáo bằng điện thoại đến các Hội Nông dân địa phương các trường hợp vi phạm để kịp thời xử lý…

Ông Nguyễn Ngọc Sang, Phó Chủ tịch UBMTTQ VN TP Cần Thơ, cho biết: Lĩnh vực kinh doanh, mua bán VTNN gây bức xúc trong dư luận thời gian qua. Do đó người dân rất trông chờ việc phối hợp giữa các ngành giám sát vấn đề này nhằm đảm bảo quyền lợi cho người nông dân. Sau ký kết, UBMTTQ VN TP Cần Thơ triển khai chương trình phối hợp này đến UBMTTQ VN các cấp. Đồng thời, hướng dẫn các đơn vị phối hợp cùng các ngành tại các quận, huyện thực hiện; đặc biệt quan tâm đến cấp xã.

Việc phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, quyết liệt giữa các ngành sẽ góp phần nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện các quy định của pháp luật, ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, sử dụng VTNN. Qua đó, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, giúp nông dân an tâm sản xuất…

Bài, ảnh: TUYẾT TRINH

Chia sẻ bài viết