04/12/2008 - 08:23

Đã xuất hiện dịch cúm gia cầm nhưng chưa phát hiện người mắc cúm A (H5N1)

* Các địa phương cần chủ động phòng chống dịch lở mồm long móng trên gia súc

Chiều 3-12, tại buổi họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống đại dịch cúm ở người, TS Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng và Môi trường cho biết: Dịch cúm gia cầm đã xuất hiện tại Cà Mau, tỉnh có dịch cúm gia cầm mới phát sinh là Nghệ An. Tuy nhiên, đến nay chưa ghi nhận trường hợp mắc mới cúm A (H5N1). Nhưng do điều kiện khí hậu và tình hình dịch cúm gia cầm diễn biến rất phức tạp nên dịch cúm A (H5N1) ở người vẫn có nguy cơ bùng phát.

Bộ Y tế đã theo dõi chặt chẽ diễn biến dịch cúm A (H5N1); phối hợp với 4 Viện Pasteur và Trung tâm Y tế dự phòng các tỉnh giám sát tình hình bệnh trong nước; chú trọng công tác giám sát tình hình dịch tại các địa phương đã ghi nhận ổ dịch cúm trên gia cầm.

Để công tác phòng chống dịch cúm A (H5N1) ở người có hiệu quả, Bộ Y tế sẽ phối hợp với các đơn vị xây dựng Kế hoạch phối hợp đa ngành trong phòng chống dịch cúm; tiếp tục tổ chức 6 lớp tập huấn về dịch tễ học tại Hà Nội, Nha Trang, Đắk Lắk và TP Hồ Chí Minh. Bộ tổ chức giám sát, phòng chống dịch cúm cho cán bộ y tế dự phòng tuyến tỉnh tại 8 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Thái Bình, Thanh Hóa, Quảng Bình, Lạng Sơn, Đắk Lắk, Đồng Tháp và Thừa Thiên - Huế.

* Để nhanh chóng dập tắt dịch lở mồm long móng (LMLM), ngăn chặn dịch lây lan, bảo vệ và phát triển chăn nuôi, tại Chỉ thị 3592/CT-BNN-VP, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đề nghị đối với các tỉnh đang có ổ dịch cần nghiêm túc kiểm điểm việc áp dụng các biện pháp phòng chống đã thực hiện thời gian qua để rút kinh nghiệm. Đối với ổ dịch chưa xử lý triệt để, thực hiện ngay việc tiêu hủy hoặc giết mổ bắt buộc số gia súc mắc bệnh; đặt mục tiêu không để phát sinh thêm ổ dịch mới trên địa bàn của tỉnh. Đối với tất cả các tỉnh, thành phố khi phát hiện gia súc nhiễm bệnh LMLM, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố phải công bố dịch, đồng thời tổ chức tiêu hủy, giết mổ bắt buộc số gia súc mắc bệnh có sự giám sát của Cơ quan thú y; khoanh vùng xã có ổ dịch, tiến hành vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường ở vùng dịch và các xã lân cận; thiết lập các chốt kiểm dịch tạm thời ở các trục giao thông tại các xã có dịch; cấm vận chuyển, giết mổ, buôn bán gia súc và sản phẩm gia súc tại vùng có dịch; tăng cường công tác kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển, không để dịch lây lan ra các địa bàn khác trong tỉnh, thành hoặc đến các tỉnh, thành khác.

Theo báo cáo của Cục Thú y, dịch bệnh LMLM đang xảy ra ở 37 xã thuộc 11 huyện của 6 tỉnh (Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Yên Bái, Ninh Bình và Thái Bình) với 600 gia súc mắc bệnh. Như vậy, ngoài các tỉnh Bắc Trung bộ, miền núi phía Bắc, dịch bệnh LMLM đã xuất hiện ở một số tỉnh đồng bằng sông Hồng nơi có mật độ gia súc cao, giao lưu buôn bán và vận chuyển gia súc nhiều. Mặt khác, thời điểm hiện nay cho đến Tết Nguyên đán, việc vận chuyển buôn bán gia súc trong cả nước ngày càng gia tăng, vì vậy dịch LMLM có nguy cơ lây lan rộng, gây thiệt hại nặng nếu chủ quan, lơ là, không phòng chống tích cực.

THU PHƯƠNG - HOÀNG TÙNG (TTXVN)

Chia sẻ bài viết